3 tháng 1 2023
Hải Di Nguyễn
BBC News Tiếng Việt
Tháng 6/2022, H Nit Niê (sinh năm 1998) và Y Oi Niê (sinh năm 2007) bị lừa bán sang Campuchia. Không được giải cứu, gia đình phải bán nhà hoặc bán đất để chuộc về.
H Nit và Y Oi là họ hàng, là người Êđê ở Đắk Lắk
Ngày 16/12/2022, H Nit và Y Oi kể cho BBC News Tiếng Việt câu chuyện của họ.
Bị lừa như thế nào?
Theo lời kể của H Nit, khi đang làm việc ở Sài Gòn, cô bị lừa bởi H Hoa Êban, là người cùng làng và từng học cùng trường, gọi nhau là chị em.
“H Hoa có giới thiệu công việc cho em là, chỉ cần biết máy tính thôi, sang kia gọi điện cho khách, công việc nhàn, lương cao.”
Cô cũng hoàn toàn không biết sẽ sang Campuchia, và không có hộ chiếu.
“H Hoa nói là chỉ cần đi giáp Tây Ninh… Tới kia mất sóng, em mới biết là tới Campuchia.”
H Nit cho biết từ Tây Ninh, cô được đưa sang Campuchia qua “đường ruộng, không qua cửa khẩu”.
Cũng cùng tháng 6/2022, Y Oi Niê nghe về công việc từ H Hoa Êban khi đang đi làm ở Bình Dương.
“H Hoa Êban gọi cho em và báo đi làm việc ở Tây Ninh, lương 24 triệu/ tháng. Tại vì nhà em nợ nần cũng nhiều nên em ham tiền, em tin lời chị H Hoa Êban.”
Điều kiện làm việc ở Campuchia
H Nit và Y Oi Niê làm việc ở cùng nơi ở Bavet, và cả hai đều phải gọi điện thoại cho người Việt, rủ rê họ kết bạn qua Zalo hoặc Facebook rồi đẩy qua cho người khác tiếp tục, nên không rõ chi tiết.
H Nit cho biết mỗi ngày từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, cô phải gọi liên tục và gọi hàng trăm người để có đủ 20 người kết bạn, nếu không đủ, sẽ bị trừ lương hoặc phải làm thêm giờ.
Chỉ sau khoảng một tháng, cả hai mới nhận ra đây là công việc lừa đảo, nhưng không thể rời đi cho tới khi nộp số tiền chuộc ít nhất là 1.500 USD.
Theo mô tả của Y Oi và H Nit, họ bị đưa tới một tòa nhà và mọi thứ gói gọn trong một tòa nhà: làm việc ở tầng hai, ngủ ở tầng năm, và mua thức ăn ở tầng một. Trong toàn bộ thời gian đi làm, họ bị tịch thu chứng minh thư và chỉ được loanh quanh tới cổng.
“Cửa sổ hình như bị chặn hết… Duy nhất chỉ có đường cầu thang, nhưng có bảo vệ canh”, H Nit nói.
Mọi người xung quanh, theo H Nit, đều là người Việt, chỉ có ông chủ là người Trung Quốc và ông bảo vệ là người Campuchia.
Y Oi kể có lần bị người bảo vệ “giật điện vào lưng”.
H Nit không bị đánh hay giật điện, nhưng có một lần họ đưa tới một người bị “đánh, dí điện, và xích tay”, không rõ vì sao, và “họ nói đứa nào phản bội nữa không, sẽ có kết cục như vậy”. Theo cô, người bị đánh chỉ khoảng 16-17 tuổi, sau đó bị bán sang công ty khác.
Y Oi và H Nit cũng nhiều lần bị dọa bán sang nơi khác.
Về lại nhà như thế nào?
H Nit cho biết gia đình có liên lạc với công an Đắk Lắk vào tháng 8/2022 nhưng không được gì. Họ nói không tìm được tòa nhà.
Lo sợ cô bị bán đi nơi khác vì không làm được việc, và không còn lựa chọn nào khác, gia đình phải bán nhà sàn để chuộc H Nit về. Đây là căn nhà của gia đình, trước đây có 11 người ở, bây giờ còn năm người.
Để về nhà, H Nit phải trả số tiền chuộc là 1.600 USD.
Tương tự, gia đình Y Oi cũng phải “bán đất, thuê vốn” để chuộc con về.
Thế nhưng câu chuyện chưa dừng ở đó. Y Oi và H Nit cho biết, khi nhân viên công ty chở họ đến cửa khẩu Mộc Bài tháng 9/2022 (Y Oi về trước, H Nit về sau), cả hai đều phải nộp phạt 6 triệu đồng để được qua cửa khẩu và trở lại Việt Nam.
Theo tờ quyết định xử phạt BBC News Tiếng Việt xem được, đây là xử phạt vì “qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật”.
Ông Percy Nguyen, hiện đang làm việc tại Thái Lan cho BPSOS (Boat People SOS), tổ chức chuyên giúp nạn nhân buôn người từ Việt Nam, nói với BBC News Tiếng Việt:
“Theo hướng dẫn của Cao ủy Nhân quyền của LHQ, Cao ủy có nhấn mạnh, tất cả những điều phạm lỗi của nạn nhân buôn người phải được miễn trừ. Có nghĩa là theo điều ước quốc tế, việc họ bị bán sang Campuchia và vượt biên trái phép là do ép buộc, không nên phạt họ.”
Ông Percy Nguyen nói “Luật Việt Nam phải tuân theo luật quốc tế”.
Y Oi Niê kể, sau khi làm xong thủ tục và qua cửa khẩu, “em đi bằng xem ôm. Ông xe ôm cũng giúp em. Ông hỏi trong người còn tiền không, em bảo không còn đồng nào nên ông xe ôm cũng giúp em, đưa em một triệu tiền về quê.”
Người xe ôm chở Y Oi đến bến xe Đông Nam nhưng “khi đó tầm 7-8 giờ tối, không còn xe khách nào, nên ông xe ôm thuê nhà nghỉ cho em ở lại, tới sáng thì chở em về tới Sài Gòn, xong em tự bắt xe về quê.”
Công an \’chỉ nhận hồ sơ\’
H Nit Niê nói, sau khi về lại Việt Nam, gia đình báo lại với công an tỉnh Đắk Lắk nhưng “họ chỉ nhận hồ sơ, không làm gì hết”.
Cô nói “Hôm bữa bố mẹ em có sang hỏi hồ sơ của em có giải quyết không, họ nói là em tự đi.”
H Nit nói không được công an liên lạc, cũng không nhận được hỗ trợ về công việc, tâm lý, hay pháp lý.
Tương tự, Y Oi nói công an tỉnh Đắk Lắk lấy lời khai và lập hồ sơ, “nói tới khi H Hoa về mới làm việc được”, nhưng sau đó không liên lạc lại.
Theo thông tin mới nhất BBC News Tiếng Việt có được ngày 3/1/2023, Y Oi và H Nit Niê vẫn chưa được tin tức gì từ phía công an.
BBC News Tiếng Việt đã liên lạc với công an tỉnh Đắk Lắk nhưng không nhận được phản hồi.
H Nit Niê cũng cho biết chính quyền Đắk Lắk có tổ chức một buổi tuyên truyền cho người dân từ nhiều buôn về những trường hợp người Việt bị lừa sang Campuchia. Cô nói mình không có mặt lúc đó, nhưng theo một người hàng xóm, họ toàn toàn không nhắc đến tên H Hoa Êban mà nói đừng nghe lời dụ dỗ của H Lem, một người khác cũng bị lừa bán sang Campuchia như H Nit và Y Oi.
Cuộc sống sau khi trở lại Việt Nam
H Nit và Y Oi Niê hiện vẫn sống ở Đắk Lắk, khi có việc thì đi làm.
H Nit nói “Bây giờ chắc em làm việc ở dưới quê, tại trên kia xa, với lại em sợ họ lừa em lần nữa.”