- Tác giả,Jonathan Head
- Vai trò,Phóng viên Đông Nam Á
Kwanmueang đang thong thả đi kiểm tra sức khỏe hàng năm, kích thước của nó khiến bạn phải nín thở.
Cao gần ba mét tính đến vai, nặng ít nhất bốn tấn và có cặp ngà tuyệt vời uốn cong gần như chạm vào nhau, con voi đực Thái Lan 18 tuổi trông thật đồ sộ.
Tuy nhiên, nó và người quản tượng, Sornsiri \”Lek\” Sapmak, đang gặp rắc rối.
Họ từng kiếm sống bằng cách để Kwanmueang tham gia các buổi lễ tấn phong các nhà sư mới, hoặc hóa trang thành một con voi chiến để tái hiện các trận chiến lịch sử. Tất cả các hoạt động đó đều bị dừng lại trong thời gian phong tỏa vì Covid.
Nhiều voi được sử dụng cho ngành du lịch ở Thái Lan – hơn 3.000 con – hơn bất kỳ nơi nào khác. Không giống như các quốc gia khác có quần thể bị nuôi nhốt, những con voi ở Thái Lan gần như đều thuộc sở hữu tư nhân. Vì vậy, sự sụp đổ của ngành du lịch trong đại dịch đã có tác động tàn phá đối với những con voi và chủ của chúng, những người không còn kiếm đủ tiền để chăm sóc chúng.
Ngay cả khi du lịch bắt đầu phục hồi, một mối đe dọa khác vẫn đeo bám ngành công nghiệp độc đáo này. Những lo ngại về đạo đức đối với cách nuôi nhốt và huấn luyện động vật đang khiến nhiều du khách nước ngoài tẩy chay các buổi biểu diễn voi, vốn từng là hoạt động chính của các nhóm du lịch, và đặt ra câu hỏi liệu du lịch voi có thể quay trở lại như trước khi có Covid hay không.
Lek và Kwanmueang đã trở về quê hương của Lek ở tỉnh Surin – một vùng mà người dân nổi tiếng về kỹ năng nuôi, huấn luyện và trong quá khứ là bắt voi.
Lek không đơn độc. Hàng trăm con voi khác cũng đã quay trở lại Surin từ các điểm du lịch hấp dẫn như Phuket và Chiang Mai, nơi chúng kiếm tiền bằng cách biểu diễn các trò hoặc cho du khách nước ngoài cưỡi.
Đi bộ qua những ngôi làng này là một trải nghiệm thú vị. Gần như nhà nào cũng có một hoặc nhiều con voi bị xích trước sân nhà, hoặc nằm nghỉ dưới gốc cây. Bạn quen với việc nhìn thấy những con vật khổng lồ bước đi nặng nề trên đường, những người quản tượng ngồi trên cổ chúng, và khi lái xe, bạn học cách cẩn thận khi đi gần chúng.
Boonyarat \”Joy\” Salangam sở hữu bốn con voi mà cô và chồng của mình đã mang về từ Phuket khi ngành du lịch bị cạn kiệt trong năm 2020. Một trong số chúng là một chú voi con tinh nghịch, được nhốt cùng mẹ trong chuồng được Joy xây ngay trước nhà của bà.
\”Covid đã dừng mọi thứ,\” cô nói. \”Những người quản tượng, chủ sở hữu và những con voi đều thất nghiệp. Trong các trại du lịch, những con voi cái bị tách khỏi những con đực, nhưng ở đây tất cả chúng tôi đi với nhau và những con voi đã giao phối. Chúng tôi không ép buộc chúng. Chúng làm điều đó trong thời gian riêng của chúng. Vì vậy, số lượng voi đang tăng lên.\”
Joy cho biết cô đã nghĩ đến việc bán chú voi con của mình để gây quỹ – chúng có thể bán được với giá tương đương một chiếc ô tô hạng sang – nhưng lại lo lắng về việc liệu nó có được chăm sóc tốt hay không. Joy sống với người mẹ 39 tuổi gần như cả cuộc đời, và được thừa hưởng từ ông bà.
Các quản tượng cũng có thể sống hàng chục năm với cùng một con voi từ khi cả hai còn nhỏ, đôi khi họ chọn ngủ với chúng, đưa chúng ra hồ hoặc sông để tắm vào buổi tối và theo dõi sát sao sức khỏe của chúng. Đó là một thách thức dưới thời Covid.
Voi rất tốn tiền. Một con voi trưởng thành cần ăn 100-200kg thức ăn mỗi ngày và uống tới 100 lít nước. Không có bất kỳ khoản thu nhập nào khác, những người chủ như Joy đã livestream các con vật của họ trên mạng xã hội, đồng thời kêu gọi quyên góp.
Đôi khi điều này được thực hiện tại nhà, khi những chú voi chơi đùa hoặc tắm rửa, hoặc họ nhờ một người bạn đi xe máy bên cạnh để quay phim chúng đi dạo vào buổi tối. Người xem có thể trả tiền online để voi kiếm được rổ chuối bằng cách biểu diễn các trò, nhưng điều này không tốt cho sức khỏe của chúng.
Chế độ ăn của chúng chủ yếu là các loại lá và cỏ khác nhau, nhưng với quá nhiều voi quay trở lại khu vực này, thật khó để tìm đủ thức ăn cho chúng.
\”Chúng tôi nhận thấy chúng có vấn đề về tiêu hóa do thay đổi chế độ ăn\”, Nuttapon Bangkaew, bác sĩ thú y khám miễn phí được cung cấp bởi Elephant Kingdom, một dự án bắt đầu cách đây 7 năm nhằm cải thiện sức khỏe cho voi ở Surin, cho biết.
\”Khi các quản tượng hay chủ voi trở về nhà, họ không có baatf kỳ thu nhập nào. Họ không có tiền mua cỏ hoặc thức ăn cho chúng. Họ phải livestream trên mạng xã hội để kiếm tiền, nhưng điều này gây ra các vấn đề sức khoẻ.\”
Voi là động vật bản địa ở Thái Lan, nhưng quần thể voi hoang dã đã giảm từ khoảng 100.000 con một thế kỷ trước, xuống còn 3.000-4.000 con ngày nay. Trước đây, một số lượng lớn voi bị bắt và sử dụng trong ngành khai thác gỗ, nhưng khi điều đó bị cấm vào cuối những năm 1980 để bảo vệ những gì còn lại của các khu rừng của đất nước, thay vào đó, chúng bắt đầu được sử dụng để giải trí cho khách du lịch.
Trong những buổi biểu diễn đầu tiên, chúng thể hiện kỹ năng của mình với những khúc gỗ. Nhưng những kỹ này được mở rộng, khi du lịch Thái Lan bùng nổ, để cung cấp các trò cưỡi, hoặc những trò vui như cho động vật vẽ tranh hoặc chơi bóng đá. Nhóm vận động Bảo vệ Động vật Thế giới (WAP) ước tính rằng trước Covid voi đã mang về tới 770 triệu đô la Mỹ mỗi năm cho Thái Lan.
WAP là một trong số các nhóm đang cố gắng chấm dứt việc sử dụng voi để giải trí, cho rằng điều đó là không tự nhiên và luôn liên quan đến các kỹ thuật huấn luyện tàn nhẫn. Nhiều khách du lịch đã tìm kiếm những cách mang tính đạo đức hơn để trải nghiệm voi ở Thái Lan. Một số tour du lịch ở Châu Âu và Bắc Mỹ sẽ không còn đưa khách hàng đến các trại voi mà có các hoạt động như cưỡi hoặc tắm cho voi.
Vì vậy, một phân khúc mới đã xuất hiện trong ngành du lịch sinh thái để đáp ứng những mối quan tâm này.
Saengduean \”Lek\” Chailert, người tiên phong trong lĩnh vực du lịch voi có đạo đức, đã mở Công viên Tự nhiên Voi, ở phía bắc Chiang Mai, vào những năm 1990 – vừa là nơi trú ẩn cho những con vật bị thương vừa để tìm ra những cách tốt hơn để cho phép khách du lịch và voi có thể tương tác.
\”Chúng tôi muốn hoàn toàn có đạo đức, tập trung vào bảo tồn. Vì vậy, chúng tôi quyết định dừng các chương trình tắm và cho voi ăn dành cho khách du lịch\”, cô nói.
Điều đó khiến họ mất một nửa số lượt đặt vé. Và, cô ấy nói thêm, các công ty lữ hành cho biết họ không thể đưa du khách đến đó vì mọi người \”muốn chạm và ôm những con voi, họ muốn đặt tay lên chúng\”.
Nhưng ngày nay, Lek cho biết, khắp nơi ở Chiang Mai đều có biển quảng cáo \”không bull-hook (gậy có đầu kim loại sắc nhọn), không dây xích, không cưỡi voi\”.
\”Tôi check in Koh Samui – trước đây có rất nhiều trại cho cưỡi voi. Giờ chỉ còn lại hai trại. Ở Phuket, chỉ còn vài chỗ, còn ở Chiang Mai thì chỉ hai chỗ.\”
Tuy nhiên, du lịch voi có đạo đức có giới hạn của nó. Trong số hơn 200 trại đang hoạt động trước khi đóng cửa vì Covid, chỉ có 11 trại, bao gồm cả của Lek, nhận được sự cho phép của WAP.
Lek có một khu đất rộng lớn, khoảng 100 ha, dọc theo sông Mae Taeng. Đó là khoảng không gian vừa đủ cho 122 con voi mà cô có – 45 con trong số đó được giải cứu từ các doanh nghiệp phá sản trong thời kỳ Covid – có thể tự do đi lang thang mà không bị xiềng xích.
Các trại khác không có lựa chọn đó. Một, cũng ở Chiang Mai, nơi quảng cáo \”tour du lịch voi có đạo đức\”, cho phép tắm với con người. Họ nói rằng vì nó không có phương tiện để xây dựng một chuồng đủ lớn nên họ phải xích chúng vào buổi tối, vì sự an toàn của voi và con người.
Một số người trong ngành nói rằng điều này không sao cả; rằng cần phải có một cách tiếp cận cân bằng hơn giữa các hành vi lạm dụng từng là đặc trưng của ngành du lịch này và yêu cầu của các nhóm bảo vệ quyền động vật rằng tất cả hoạt động giải trí với voi nên chấm dứt.
\”Cưỡi voi có thể là một phần của hệ thống để chăm sóc chúng,\” Theerapat Trungprakan, người đứng đầu Hiệp hội Liên minh Voi Thái Lan, một nhóm các chủ sở hữu voi và những nhà điều hành kinh doanh, cho biết.
\”Chúng được đi đến những nơi khác nhau, chẳng hạn như đến thác nước, nơi chúng có thể uống nước có chất lượng tốt nhất hoặc bơi ở đó. Điều đó cũng làm tăng sự an toàn cho voi khi đi cùng con người bởi vì có những mối nguy hiểm như thuốc trừ sâu hoặc dây cáp điện nằm ngoài khả năng phán đoán của một con voi.\”
Ông ấy mô tả một số lập luận của các nhóm bảo vệ quyền động vật là cảm tính và cường điệu, và tin rằng các khu bảo tồn có đạo đức có thể kém lành mạnh hơn, bởi vì nếu không có những người trả tiền để cưỡi chúng thì voi sẽ có ít cơ hội đi bộ đường dài hơn.
Hiện có hai tranh luận về tương lai của những con voi nuôi nhốt ở Thái Lan. Một là về những gì con người nên và không nên làm với chúng. Một tranh luận khác, câu hỏi lớn hơn là có những lựa chọn thực tế nào để hỗ trợ một số lượng lớn động vật to lớn và sống lâu như vậy.
“Tôi có một danh sách mong muốn trong đầu, và đứng đầu danh sách mong muốn là chấm dứt việc nuôi nhốt tất cả các loài động vật hoang dã, nhưng chúng tôi chỉ biết rằng điều đó sẽ không xảy ra,” Edwin Wiek, một trong những nhà vận động nổi bật nhất ở Thái Lan về chống buôn bán voi, nói.
Ông ấy đã thành lập Tổ chức Những người bạn của Động vật Hoang dã của Thái Lan cách đây 21 năm để giải cứu những động vật bị thương và bị giam giữ trái phép. Ông ấy có 24 con voi được giải cứu mà được thả rông trong một chuồng rộng 16 ha.
\”Kịch bản lý tưởng sẽ là có những con voi bán hoang dã, giống như chúng ta giữ chúng ở đây, trong những khu chuồng tự nhiên rộng lớn, nơi chúng có thể quanh quẩn, tắm rửa, chạy nhảy hoặc kiếm ăn, như chúng sẽ làm trong tự nhiên.\”
Nhưng ông nhận ra rằng đó sẽ là một dự án tốn kém và ít người tham gia với lý do Thái Lan là nơi sinh sống của 3.000 con voi nuôi nhốt.
\”Tôi e rằng phần lớn voi, ít nhất 3/4 trong số chúng, sẽ vẫn cần tìm nguồn thu nhập thay thế. Và điều đó có nghĩa là sẽ vẫn còn rất nhiều nơi mà hoạt động cưỡi voi, tắm và cho voi ăn bởi du khách sẽ là một phần của hoạt động thường nhật.\”
Tất cả điều này càng có nhiều khả năng xảy ra khi khách du lịch từ các thị trường như Trung Quốc, Nga và Ấn Độ bắt đầu trở lại Thái Lan, vì họ có xu hướng thưởng thức các chương trình giải trí voi theo kiểu cũ nhiều hơn, mà thường có trong các gói du lịch của họ.
Điều mà Edwin Wiek tin rằng nên làm là ngừng chăn nuôi voi nhà – để số lượng voi giảm xuống mức mà tất cả chúng có thể được giữ trong những điều kiện lý tưởng, bán hoang dã, được ghé thăm bởi số lượng khách du lịch ít hơn sẵn sàng trả tiền để xem, nhưng không chạm vào chúng.
Sau đó, ông nói, chính phủ có thể chuyển sự chú ý của mình sang việc quản lý quần thể hoang dã ngày càng tăng bằng cách tạo ra các hành lang cho phép chúng di chuyển giữa các công viên quốc gia của Thái Lan và các mảnh rừng mà không gây ra xung đột với con người.
Nhưng Thái Lan không có chiến lược đó. Trên thực tế, việc quản lý voi nhà là một mớ hỗn độn, được phân chia giữa ba bộ mà không có sự phối hợp với nhau.
Vì vậy, tương lai của những con vật tuyệt vời này phần lớn phụ thuộc vào chủ nhân của chúng, nhiều người trong số họ vẫn đang trong tình trạng tài chính bấp bênh.
Những người quản lý đang đếm từng ngày cho đến khi khách du lịch quay trở lại với số lượng như trước đây, nhưng cũng lo lắng rằng công việc kinh doanh duy nhất mà nhiều người trong số họ biết có thể bị đe dọa bởi sự thay đổi thị hiếu.
Việc đưa những chú voi của cô ấy từ Phuket trở lại Surin đã tiêu tốn của Joy hơn 2.000 USD. Cô ấy nói rằng cô không đủ khả năng để quay lại đó cho đến khi cô ấy chắc chắn rằng các buổi biểu diễn sẽ lại thu hút được lượng lớn khán giả.
\”Hiện giờ rất khó khăn cho chúng tôi, vì chúng tôi không có đủ tiền. Cả voi và người đều thất nghiệp. Liệu sẽ còn các buổi biểu diễn không? Tôi nghĩ sẽ có, nhưng không nhiều lắm, bởi vì một số du khách nước ngoài nghĩ rằng chúng tôi, những người nuôi voi không yêu chúng, rằng chúng tôi tra tấn chúng bằng gậy có đầu sắt nhọn để bắt chúng biểu diễn. Tôi nghĩ mọi thứ sẽ thay đổi.\”