- Tác giả,George Wright & Thomas Naadi
- Vai trò,BBC News tại London và Accra
Khi nói đến tình trạng lạm dụng và tham nhũng trên các tàu cá Trung Quốc ở Ghana, Bright Tsai Kweku đã chứng kiến tất cả.
Anh đã chứng kiến thuyền viên Trung Quốc đối xử với ngư dân địa phương như \”nô lệ\”.
\”Chúng đánh họ, khạc nhổ vào họ, chúng đá họ,\” Kweku nói. \”Tôi đã trải qua điều đó trước đây.\”
Kweku làm việc với vai trò là một bosun – nhân viên phụ trách thiết bị và thủy thủ đoàn. Anh nói rằng anh bị buộc phải làm việc ba ngày mà không được ngủ, không được cung cấp đồ ăn và bị ép uống nước bẩn.
Anh cho biết số phận của một số ngư dân đồng nghiệp của anh thậm chí còn tồi tệ hơn.
Kweku cho biết một trong những đồng nghiệp của anh bị bệnh tả trên một tàu Trung Quốc nhưng thủy thủ đoàn từ chối đưa ông trở lại bờ để điều trị. Anh ấy đã không sống sót trở về.
Anh nhìn thấy một người khác bị bỏng nặng trên một con tàu sau khi ngọn lửa bốc cháy trên khoang. Một đồng nghiệp khác bị chân vịt cuốn vào. Cả hai đều không sống sót và các gia đình đã không nhận được tiền đền bù xứng đáng, anh cho biết.
Đây chỉ là một vài ví dụ về sự lạm dụng và bỏ mặc phổ biến được cho là có liên quan đến các tàu cá Trung Quốc hoạt động ngoài khơi bờ biển Ghana.
Tổ chức Công lý Môi trường (EJF) có trụ sở tại Vương quốc Anh cho biết ít nhất 90% tàu đánh cá công nghiệp hoạt động ở Ghana thuộc sở hữu của các tập đoàn Trung Quốc, trái với luật pháp Ghana về quyền sở hữu tàu đánh cá treo cờ Ghana. EJF cho biết một tỷ lệ đáng kể các tàu này đã tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp.
Một báo cáo gần đây của EJF điều tra những gì họ gọi là đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, cũng như các hành vi lạm dụng nhân quyền của đội tàu Đánh cá Xa bờ (DWF) của Trung Quốc ở Ghana. Quyền sở hữu và kiểm soát hoạt động của DWF của Trung Quốc rất phức tạp và không rõ ràng, và là đội tàu lớn nhất trên thế giới.
Tất cả 36 thành viên thủy thủ đoàn được EJF phỏng vấn cho biết họ đã bị buộc phải làm việc hơn 14 giờ một ngày và không được cung cấp thức ăn đầy đủ.
Đáp lại, đại sứ quán Trung Quốc nói rằng họ là một \”quốc gia đánh bắt cá có trách nhiệm\”.
\”Chúng tôi luôn làm việc với các thành viên khác của cộng đồng quốc tế để trấn áp hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, đồng thời đã làm được rất nhiều trong cuộc chiến chống đánh bắt cá bất hợp pháp một cách hiệu quả,\” văn phòng báo chí của họ nói với BBC.
Một trong những thảm họa tồi tệ nhất liên quan đến một tàu Trung Quốc ở vùng biển Ghana diễn ra cách đây 8 tháng.
Ngày 6/5/2022, MV Comforter 2 bị chìm trong điều kiện giông bão. Mười bốn thủy thủ đoàn đã được cứu, nhưng 11 người vẫn mất tích, được cho là đã chết, bao gồm cả quan sát viên do nhà nước chỉ định. Thi thể của thuyền trưởng người Trung Quốc đã được tìm thấy.
Một trong những người sống sót, Michael (tên do người viết đặt do yêu cầu ẩn danh của nhân vật), nhớ lại những điều kinh hoàng diễn ra vào ngày hôm đó.
Mặc dù bão ngày càng trở nên tồi tệ hơn, ông nói rằng thủy thủ đoàn Trung Quốc đã yêu cầu các ngư dân đánh bắt quá nhiều trong một chuyến ra khơi. Con thuyền đã có rất nhiều cá trên boong, và nó mất kiểm soát, bị lật dưới sức nặng của hàng hóa và nước biển đục ngầu.
Michael và 9 người khác đã cố gắng bám vào một thùng dầu nổi trên mặt nước trong gần 24 giờ, trước khi một ngư dân tìm thấy họ.
\”Đó là một đêm kinh hoàng,\” anh nói. \”Chúng tôi không biết liệu chúng tôi có sống sót được hay không.\”
Michael vẫn chưa hồi phục về thể chất hoặc tinh thần sau thảm họa, và cho biết công ty của Ghana chính thức chịu trách nhiệm về con tàu, Boatacom, đã không trả cho anh bất kỳ khoản bồi thường nào.
\”Tôi không hài lòng chút nào, công ty cứ tiếp tục đưa ra lời bào chữa với chúng tôi. Thỉnh thoảng tôi thấy đau khắp người. Tôi cần đi khám, nhưng tôi không có tiền\”, anh nói.
Kojo Ampratwum, giám đốc điều hành của Boatacom, nói với BBC rằng công ty đã nộp báo cáo cho công ty bảo hiểm và đang chờ phản hồi.
Việc truy vết người sở hữu MV Comforter 2 và các tàu khác đang hoạt động ở Ghana rất phức tạp.
Quyền sở hữu nước ngoài đối với các tàu lưới kéo công nghiệp hoạt động dưới danh nghĩa cờ Ghana là bất hợp pháp, nhưng một số công ty Trung Quốc lách luật này thông qua các công ty bình phong của Ghana.
Thông qua nghiên cứu của mình, EJF cho biết Công ty Thủy sản Đại dương Mengxin Đại Liên của Trung Quốc là chủ sở hữu cuối cùng của MV Comforter 2 và nó là một phần của đội tàu Meng Xin.
Đội tàu Meng Xin cũng có liên quan đến một trong những vụ khét tiếng nhất trên vùng biển Ghana trong thời gian gần đây – sự mất tích của nhà quan sát nghề đánh bắt cá Emmanuel Essien.
Từ năm 2018, Ghana đã chỉ định các quan sát viên nghề cá trên tất cả các tàu đánh cá công nghiệp hoạt động dưới cờ danh nghĩa Ghana. Công việc của họ là thu thập dữ liệu về các hoạt động đánh bắt cá và báo cáo về các hoạt động phi pháp trên biển.
Essien nổi tiếng là một người quan sát tận tâm và kỹ lưỡng, nhưng điều này đã dẫn đến nhiều vấn đề. Anh đã đánh nhau với một người quốc tịch Trung Quốc, người đã ngăn anh quay phim việc thả cá bất hợp pháp trên biển, anh trai của Emmanuel là James cho biết.
Báo cáo cuối cùng của Emmanuel cho Ủy ban Nghề cá là ngày 24/6/2019. Trong báo cáo – một bản sao mà đã được cung cấp cho BBC – ông phác thảo các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp và tuyên bố: \”Tôi khiêm tốn cầu xin cảnh sát điều tra thêm.\”
Ngày 5/7, Essien mất tích khỏi tàu đánh cá Meng Xin 15.
James cho biết anh trai của mình đã ăn tối với những thủy thủ còn lại trong đoàn trước khi họ quay trở lại phòng ngủ của mình. Sáng hôm sau không thấy anh đâu nữa.
Hơn 3 năm trôi qua, gia đình vẫn chưa có câu trả lời. Một cuộc điều tra của cảnh sát cho thấy \”không có dấu hiệu bạo lực hay bất cứ điều gì buộc tội\”.
\”Tôi muốn sự thật được phơi bày,\” James nói với BBC trong nước mắt. Công ty Đánh cá Đại dương Mengxin không đưa ra bình luận.
Sự biến mất của Essien là một trong nhiều yếu tố có ảnh hưởng xấu đến các nhà quan sát nghề cá của Ghana.
Các nhà quan sát người Ghana mà đã nói chuyện với BBC giải thích về văn hóa sợ hãi, tham nhũng và thờ ơ đang thúc đẩy họ nhận hối lộ để che giấu bằng chứng về việc đánh bắt trái phép và lạm dụng trên các tàu Trung Quốc.
“Hầu hết các đồng nghiệp của chúng tôi đang nhận tiền,” một nhà quan sát, được đặt tên là Daniel do yêu cầu ẩn danh, cho biết.
\”Họ đang bị hối lộ và nhận tiền từ người Trung Quốc và báo cáo nộp cho bộ là không đúng sự thật.\”
Tất cả các quan sát viên được phỏng vấn đều nói rằng tiền lương của họ rất thấp và thường phải mất tới 5 tháng mới được trả, có nghĩa là cần phải có tiền lại quả từ các quản lý thủy thủ đoàn người Trung Quốc và Ghana để nuôi sống gia đình họ.
“Nếu bạn từ chối hối lộ, bạn sẽ về nhà mà không có gì,” một người quan sát khác, người mà chúng ta sẽ gọi là Samuel, nói.
\”Hầu hết những người quan sát đó đều nhận hối lộ. Đó là những gì chúng tôi làm để chăm sóc gia đình mình.\”
Một số cảm thấy quá sợ hãi để báo cáo sự thật.
\”Đôi khi những gì họ làm là ném nhài quan sát xuống nước – điều này đã xảy ra trước đây,\” Samuel nói. \”Do sợ hãi, chúng tôi thường không báo cáo những vấn đề như vậy.\”
Một cựu quan sát viên, hiện đã rời Ghana, nói với BBC rằng ông từng được gọi đến văn phòng của một quan chức cấp cao trong Bộ Nghề cá và Phát triển Nuôi trồng Thủy sản sau khi ông này báo cáo về các hoạt động phi pháp trên biển.
Ông ấy nói rằng một quan chức đã yêu cầu ông xuất trình bằng chứng, và sau đó tiến hành xóa nó khỏi điện thoại của ông ấy. Nhưng ông ấy đã sao lưu bằng chứng trên máy tính xách tay và đe dọa sẽ đăng nó lên mạng xã hội.
Sau đó, ông ấy nói rằng mình bắt đầu nhận được những lời đe dọa.
Đã có lúc ông ấy lo lắng đến mức không ngủ ở nhà riêng vì mọi người biết nơi ông sống và ông lo lắng về việc bị tấn công, hoặc có thể tệ hơn.
Một ngày, khi đang đạp xe gần cảng đánh cá ở Tema, thành phố cảng phía đông thủ đô Accra, ông nói rằng một quan chức Ghana đã phát hiện ra ông và cố gắng đâm ông bằng xe của ông ta.
\”Ông ta định đâm tôi bằng ô tô của mình ở cảng cá. Tôi nhìn thấy ông ta nên tôi nhảy xuống rãnh nước… tên này thật điên rồ,\” ông nói.
Cuối cùng, ông quyết định rời khỏi ngành sau khi nhận được những lời đe dọa giết.
\”Tôi trở nên khốn khổ trong cuộc sống vì khi tôi đến bến cảng, mọi người đều nhìn tôi. Tôi không thể tìm được việc gì để làm. Tôi trở thành một người xa lạ, như thể tôi là một người xấu. Thật khó khăn đối với tôi.\”
Bây giờ ông ấy tránh đến bến cảng khi trở lại Ghana.
\”Mọi người tìm cách đe dọa tôi. Những người này rất nghiêm túc,\” ông nói.
Steve Trent, người sáng lập và là người đứng đầu EJF, cho biết mức độ tập trung cao quyền sở hữu của Trung Quốc trong các đội tàu lưới kéo là một vấn đề trên khắp Tây Phi, và cáo buộc họ thường xuyên lách luật.
Nhưng ở Ghana, vấn đề là \”đặc biệt nghiêm trọng\”, ông nói.
“Những chủ tàu Trung Quốc này thường giao cho một thuyền trưởng Trung Quốc phụ trách các tàu để chỉ huy thủy thủ đoàn chủ yếu là người Ghana và chính những thuyền trưởng Trung Quốc này đã thúc đẩy hành vi lạm dụng,” ông Trent nói.
Ông đổ lỗi việc lạm dụng cho các chủ sở hữu đang tìm cách \”tối đa hóa lợi nhuận và giảm thiểu chi phí\”.
Các cuộc điều tra của EJF đã phát hiện ra tham nhũng có hệ thống \”ở hầu hết mọi cấp độ và bao gồm cả các quan chức thủy sản, cảnh sát và hải quân\” được giao nhiệm vụ thực thi các quy định, ông nói.
Trong khi đã có một số tiến bộ về đánh bắt trái phép ở Ghana, ông Trent nói rằng cần phải làm nhiều hơn nữa.
Chính phủ Ghana đã không trả lời rất nhiều yêu cầu bình luận.
Ông Kweku muốn chính phủ cho phép ngư dân thành lập công đoàn hợp pháp, và cho rằng một hệ thống phải được thiết lập để mọi người có hợp đồng trước khi được đưa ra làm việc trên biển.
Một mớ hỗn độn của sự lạm dụng, mất tích và trả lương thấp đã gây tổn hại lâu dài cho sức khỏe tâm thần của ông, và của nhiều người khác.
\”Chúng tôi đã mất rất nhiều ngư dân trên biển nhưng không có gì được thực hiện về điều đó. Hai hoặc ba quan sát viên đang mất tích,\” ông nói.
\”Chúng tôi đều sợ đi biển nhưng không có việc làm trên đất liền, vì vậy bạn phải tự bắt buộc mình phải đi.\”