Đăng ngày: 05/01/2023
Seoul không còn che giấu tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân trước mối đe dọa Bắc Triều Tiên. Công luận Hàn Quốc có khuynh hướng ủng hộ đường lối này. Viễn cảnh Hàn Quốc lao vào cuộc chạy đua nguyên tử sẽ mang lại những hệ quả nào về địa chính trị tại châu Á và tác động thế nào đến liên minh quân sự với Hoa Kỳ vào lúc Trung Quốc mới là trọng tâm chính sách đối ngoại của Washington ?
Trong thông điệp đầu năm 2023, lãnh đạo Bắc Triều Tiên khẳng định « tăng cường khả năng phòng thủ là một trong những mục tiêu quân sự trong năm », trong đó có việc « sản xuất hàng loạt vũ khí hạt nhân chiến lược và gia tăng đáng kể các phương tiện » trong lĩnh vực này. Lập tức tổng thống Yoon Suk Yeol đáp trả : « Ô dù hạt nhân của Mỹ và khả năng răn đe » được mở rộng đến các đồng minh của Washington « chưa đủ » để bảo đảm an ninh cho người dân Hàn Quốc.
Seoul bồi thêm : « Vũ khí hạt nhân thuộc về Hoa Kỳ nhưng công tác chuẩn bị, chia sẻ thông tin, các chương trình diễn tập phải được Hàn Quốc và Mỹ cùng tiến hành ». Chỉ vài giờ sau, Washington qua lời phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ John Kirby hôm 03/01/2023 bác bỏ khả năng Mỹ-Hàn thao dượt chung với những bài tập « về hạt nhân ». Tổng thống Biden cũng tỏ ra thận trọng.
Lo ngại của Hàn Quốc là có cơ sở nếu căn cứ vào báo cáo Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm SIPRI được công bố hồi tháng 6/2022, theo đó « Bắc Triều Tiên hiện có khoảng 20 đầu đạn hạt nhân, và đang nắm giữ một khối lượng vật liệu cần thiết để sản xuất thêm từ 45 đến 55 đơn vị nữa (…) một số ít trong những đầu đạn hạt nhân của Bắc Triều Tiên có thể được trang bị cho tên lửa hành trình tầm trung ».
Câu hỏi đã âm ỷ trong công luận từ đầu thập niên 2000 về khả năng Seoul trang bị vũ khí hạt nhân để tự vệ một lần nữa lại dấy lên trong những tháng gần đây. Người dân Hàn Quốc càng lúc càng cảm thấy « an ninh quốc gia đang bị đe dọa » vào lúc mà hy vọng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên ngày càng xa vời.
Tranh cãi về khả năng Hàn Quốc trang bị vũ khí nguyên tử được đặt ra ở hai cấp. Chuyên gia về Đông Bắc Á, Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược FRS của Pháp, nhắc lại : Câu hỏi thứ nhất là Seoul có nên cho phép Hoa Kỳ triển khai trở lại vũ khí chiến lược trên lãnh thổ Hàn Quốc như trong giai đoạn từ thập niên 1950 cho đến năm 1991 khi chiến tranh lạnh chấm dứt hay không ? Hay Hàn Quốc có thể đi xa hơn nữa, tức là cũng sẽ lao vào một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ?
Kịch bản thứ nhì, vốn đã nhen nhúm từ những năm 1970 dưới thời tổng thống Park Chung Hee, giờ đây càng được đề cập đến trong công luận. Sau 4 năm dưới thời tổng thống Trump đòi các đồng minh của Hoa Kỳ tự túc về mặt quân sự và an ninh, sau việc Mỹ nhanh chóng rút lui khỏi Afghanistan phó mặc số phận người dân nước này trong tay chính quyền Taliban, không ít người dân Hàn Quốc tin rằng, Washington sẽ không bao giờ lao vào một cuộc xung đột để bảo vệ miền nam Triều Tiên, nhất là khi mà ở góc đài bên kia, Bình Nhưỡng đã có vũ khí hạt nhân.
Tham vọng hạt nhân của Seoul sẽ gặp những trở ngại nào ?
Giới phân tích nhắc lại : Việc Seoul đòi đồng minh Hoa Kỳ « huy động các phương tiện hạt nhân » trong các chương trình diễn tập chung là một chuyện, tham vọng phát triển vũ khí nguyên tử lại là một chuyện khác. Trước mắt, lập trường chính thức của Hàn Quốc mới chỉ là đòi được tham gia tích cực hơn trong mục tiêu « răn đe ». Theo Christoph Bluth, thuộc đại học Bradford của Anh được đài truyền hình Pháp France 24 trích dẫn, đây là một lời cảnh cáo Seoul gửi tới Bình Nhưỡng : Trong trường hợp bị tấn công, dù không có vũ khí nguyên tử, Hàn Quốc vẫn có thể đáp trả bằng những phương tiện hạt nhân.
Danilo dell Fave, chuyên gia thuộc trung tâm nghiên cứu ITSS của Ý, thì cho rằng, chính quyền tổng thống Yoon Suk Yeol đang « nhấn vào một điểm rất nhậy cảm » đối với Bắc Triều Tiên. Điều ông Kim Jong Un lo ngại hơn cả là khả năng Hàn Quốc trang bị vũ khí hạt nhân.
Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược của Pháp tin rằng Seoul sẽ khôngđi đến cùng trong mục tiêu phát triển chương trình nguyên tử, bởi Hàn Quốc ý thức được rằng hành động này sẽ gây ra nhiều hậu quả khó lường, chẳng những về mặt địa chính trị, quân sự, mà cả về phương diện kinh tế. Chắc chắn là Trung Quốc sẽ tìm mọi cách, mà đầu tiên hết là trừng phạt thương mại, để ngăn cản Seoul theo đuổi mục tiêu này.
Trở ngại thứ nhì xuất phát từ Washington : Rõ rệt nhất là tổng thống Hàn Quốc mới chỉ tuyên bố hôm 02/01/2022 về khả năng Mỹ – Hàn tập trận chung với những phương tiện hạt nhân, chính quyền Biden lập tức lên tiếng bác bỏ khả năng này. Vẫn Antoine Bondaz thận trọng cho rằng không chắc Seoul có thể thuyết phục Mỹ rằng vũ khí hạt nhân được đặt ở Hàn Quốc là một « công cụ răn đe » khác cho phép chính quyền Biden tạm an tâm về tình hình bán đảo Triều Tiên để tập trung vào việc đối phó với Trung Quốc.
Thách thức thứ ba mà Hàn Quốc sẽ phải vượt qua để có được vũ khí hạt nhân đó là Nga và Trung Quốc, hai thành viên thường trực Hội Đồng Bản An Liên Hiệp Quốc. Matxcơva và Bắc Kinh sẽ dùng quyền phủ quyết để ngăn chận một thành viên mới gia nhập câu lạc bộ các quốc gia có vũ khí hạt nhân.
Cuối cùng, về mặt pháp lý, Hàn Quốc từ 1992 đã ký kết một tuyên bố chung với Bắc Triều Tiên (Joint Declaration for the Denuclearization of the Korean Peninsula) cam kết không phát triển và không đặt vũ khí hạt nhân của Mỹ trên lãnh thổ quốc gia. Từ 1975, Seoul cũng đã thông qua hiệp ước chống phổ biến vũ khí nguyên tử TNP. Seoul không thể dễ dàng rút khỏi các thỏa thuận quốc tế đã hiện hành từ hàng chục năm qua.
Trong hoàn cảnh đó, Christoph Bluth, đại học Anh Bradford, cho rằng, qua việc để lộ tham vọng hạt nhân, Hàn Quốc « đang mặc cả » để Hoa Kỳ tăng cường hiện diện quân sự tại bán đảo Triều Tiên và đây cũng là tín hiệu để Bình Nhưỡng dừng lại « đúng lúc » trò chơi nguy hiểm này.