05/01/2023
Các nạn nhân mua trái phiếu ở SCB đang lâm vào cảnh tuyệt vọng sau ba tháng mòn mỏi đi tìm câu trả lời từ phía ngân hàng cũng như gõ cửa cầu cứu khắp nơi mà chỉ nhận được những lời hứa suông và hầu như không được đoái hoài, một nạn nhân ở Hà Nội nói với VOA.
Kể từ vụ trái phiếu của công ty An Đông, một công ty con của tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị đổ bể sau khi bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn, bị bắt hôm 7/10 với tội danh ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’, hơn 40.000 nạn nhân khắp cả nước có nguy cơ mất trắng số tiền lên đến 25.000 tỷ đồng.
Nhiều người trong số các nạn nhân đã tìm đến các chi nhánh ngân hàng SCB, nơi đã dẫn dụ họ từ gửi tiết kiệm sang mua trái phiếu, để đòi tiền, yêu cầu SCB phải có trách nhiệm và trương băng rôn, biểu ngữ lên án ngân hàng này đã lường gạt họ.
Trong khi đó, cho đến nay, bất chấp hệ lụy to lớn của vụ việc đối với xã hội, báo chí trong nước hầu như im lặng trước nỗi khổ và nỗi bất bình của các nạn nhân của vụ lừa đảo quy mô này.
‘Đá qua đá lại như quả bóng’
Từ Hà Nội, một nạn nhân 60 tuổi ở Quận Đống Đa, hiện đã nghỉ hưu vì lý do sức khỏe, đã kể với VOA về hành trình tuyệt vọng của ông để đòi lại số tiền tích góp của mình sau hàng chục năm làm việc.
“Chúng tôi đã liên tục đến ngân hàng SCB để yêu cầu họ giải thích tại sao bây giờ trái phiếu tôi mua đã đáo hạn mà họ không thanh toán tiền lãi cũng như không mua lại trái phiếu gì hết,” nạn nhân tên Tr. này nói với điều kiện giấu tên do lo sợ về an ninh của bản thân và gia đình.
“Giám đốc ngân hàng trả lời rằng bây giờ tài sản của tập đoàn Vạn Thịnh Phát đang bị phong tỏa, còn bản thân SCB đang bị kiểm soát đặc biệt nên họ chưa thể trả lời được,” ông Tr. nói thêm và cho biết người giám đốc trả lời ông là ông Nguyễn Anh Tài, giám đốc chi nhánh SCB Hà Nội trên phố Thái Hà.
Ông Tr. cho biết ông có tới 5 hợp đồng mua trái phiếu với tổng số tiền 5-6 tỷ đồng, trong đó có hai hợp đồng đã đáo hạn hai tháng nay.
“Bên SCB nói rằng phải đợi cơ quan công an điều tra xong mới giải quyết,” ông nói thêm và cho biết lãnh đạo SCB ‘nói lòng vòng là ông ta chỉ là người thừa hành thôi, vẫn phải đợi chỉ đạo của cấp trên’.
Về trách nhiệm của SCB trong vụ việc, ông Tr. nói ông đã chất vấn ngân hàng tại sao với tư cách là một định chế tài chính vốn chỉ cho vay khi người vay có tài sản đảm bảo mà lại bán cho khách hàng một sản phẩm không có gì đảm bảo hết. “Như thế khác gì đẩy chúng tôi vào chỗ chết?” ông lập luận.
“Ngân hàng họ nói họ chỉ bán thôi chứ không biết sản phẩm như thế nào,” nạn nhân này cho biết.
“Bây giờ hóa ra là các anh lừa chúng tôi. Chúng tôi cũng chỉ vì tin các anh, vì các anh là ngân hàng. Bao nhiêu tài sản chúng tôi gom vào gửi cho các anh với mục đích lấy tiền lãi để sống trong những năm cuối đời mà bây giờ các anh biến chúng tôi thành vô sản, tay trắng hết,” ông Tr. thuật lại những lời lẽ bức xúc mà ông đã nói với ngân hàng.
“Bây giờ không có tiền vào bệnh viện ai chữa cho mình. Con cháu mình đi họ không có tiền đóng học phí thì phải làm sao?” ông Tr. vừa nói với VOA vừa khóc nức nở.
Lần cuối cùng ông lên ngân hàng, ông đã yêu cầu ‘phải có câu trả lời dứt khoát’ về cách giải quyết ‘chứ không thể tiếp tục hứa hẹn để chúng tôi sống bằng niềm tin mãi như vậy được’ nhưng chỉ vẫn nhận được câu trả lời chung chung, ông nói thêm.
“Họ nói họ ghi nhận ý kiến của chúng tôi và sẽ chuyển đến các cơ quan chức năng,” ông nói.
“Lần nào lên họ cũng bảo chúng tôi chờ. Họ coi chúng tôi là quả bóng đá qua đá lại chỗ nọ chỗ kia, hết Tân Việt (công ty chứng khoán phát hành trái phiếu An Đông) rồi đến Bộ Công an.”
Ngoài ngân hàng SCB, ông Tr. cùng các nạn nhân khác cũng đã đến cả các cơ quan chính quyền kêu cứu, cũng theo lời trần tình của ông, nhưng ‘không có kết quả gì’.
Ông nói hồi đầu tháng 12, hội các nạn nhân trái phiếu SCB đến trụ sở Bộ Tài chính vào ngày có lịch tiếp dân nhưng ‘khi anh em chúng tôi lên, họ thấy đến đông quá họ đóng cửa lại không tiếp’. “Mọi người cứ đứng bên ngoài kêu gào mãi thôi,” ông thuật lại.
Ông cho biết ông có nghe các lãnh đạo Bộ Tài chính có ‘hứa này hứa kia rằng họ sẽ đảm bảo quyền lợi cho người đầu tư nhưng cuối cùng cũng chẳng có giải pháp cụ thể nào cả’.
Bên cạnh đó, các nạn nhân cũng ra ủy ban phường, xã kêu cứu nhưng ‘tất cả đều vô cảm với chúng tôi’, ông kể. Một số nạn nhân cũng đã gửi đơn sang công an tố cáo SCB lừa đảo.
“Trong hai tháng nay chẳng ai quan tâm đến chúng tôi, chúng tôi bị bỏ rơi,” nạn nhân này bức xúc nói với VOA.
Bị gạt vì quá tin ngân hàng?
Theo lời ông Tr. thì ông là khách hàng gửi tiết kiệm lâu năm ở SCB nên ‘tin vào ngân hàng’ và bị nhân viên ngân hàng ‘đưa ra đủ lời hứa hẹn và đảm bảo’ nên ‘mới sập bẫy trái phiếu’.
“Chúng tôi nghĩ rằng mình có ít tiền thì gửi tiết kiệm vào ngân hàng cho yên tâm vì bây giờ bên ngoài xã hội lừa đảo, chụp giật rất nhiều,” ông giãi bày và cho biết khi sổ tiết kiệm của ông đến hạn, ông lên ngân hàng rút tiền thì ‘người ta giới thiệu mua cái này tiện lợi hơn, lời nhiều hơn’.
“Họ gom các khách hàng VIP có tiền gửi từ vài tỷ trở lên và kêu chúng tôi làm việc với bộ phận VIP nơi có các nhân viên dụ dỗ chúng tôi mua trái phiếu,” ông kể.
“Họ nói với tôi rằng ‘chú yên tâm, cái này là sản phẩm của ngân hàng bọn cháu. Bọn cháu đảm bảo. Họ còn đưa cho tôi xem những tờ rơi in mẫu mã rất đẹp với đầy đủ cam kết nọ cam kết kia.”
Nhân viên ngân hàng còn đưa cho ông mẫu xác nhận là nhà đầu tư chuyên nghiệp để ký vào, ông kể. “Tôi không biết đấy là gì và tôi có có hỏi thì họ bảo là ‘Chú cứ yên tâm. Không có vấn đề gì đâu. Sau 31 ngày thì chú có thể rút cả gốc lẫn lãi,” ông nói.
Theo lời ông thì hợp đồng SCB đưa ra cho ông ký là chỉ có bên mua là ông ký, còn ‘bên bán không thấy ghi là ai cả’. Ông có hỏi thì nhận được câu trả lời là ‘chú không cần quan tâm’.
“Tôi nói là tôi đã nộp tiền, ký hợp đồng rồi mà chẳng thấy tên ai trên đó cả trong khi các anh nói là có ngân hàng tham gia thì họ mới đem hợp đồng đấy đi đóng dấu giáp lai của ngân hàng lên,” ông Tr. thuật lại.
Khi được hỏi tại sao không đọc kỹ điều khoản trong hợp đồng trước khi ký, ông Tr. nói ông thấy ‘lằng nhằng cả một bộ mà tôi đã có tuổi, đầu óc không còn minh mẫn nữa thì làm sao mà đọc trong khi họ trấn an tôi rằng không cần phải đọc, chỉ quan tâm đến lãi suất là bao nhiêu, kỳ hạn ra sao, còn những vấn đề khác là việc của ngân hàng’.
“Tôi không bao giờ biết trái phiếu là gì cả. Chúng tôi đến ngân hàng chỉ là gửi tiết kiệm. Chúng tôi đã gửi tiền ở SCB bao năm nên tin tưởng ngân hàng. Vả lại, ngân hàng đóng cho cái dấu ấy vào hợp đồng và tôi thấy cũng có nhiều người mua trái phiếu nên cũng yên tâm,” ông trần tình lý do ông sập bẫy của ngân hàng SCB.
Ông cho biết hơn một tháng sau khi ông ký hợp đồng thì hợp đồng mới được gửi đến cho ông và khi đó ông ‘mới biết mình mua trái phiếu của An Đông’. “Lúc đó tôi có biết An Đông, Tân Việt là ai đâu?” ông giãi bày.
Theo lời ông thì bây giờ SCB lại ‘lật lọng’ là ông trực tiếp mua với bên bán, còn họ ‘chỉ là người giới thiệu’.
“Nếu chúng tôi muốn mua trái phiếu thì chúng tôi cần gì đến ngân hàng? Bên ngoài có rất nhiều người gọi điện đến chào mời chúng tôi mua với đề xuất trả lãi suất đến 14-15% mà chúng tôi có mua đâu? Chúng tôi mua là vì tin tưởng ngân hàng,” ông lập luận.
“Chỗ chúng tôi tin tưởng nhất ai ngờ lại là nơi đi lừa mình,” ông chua xót nói. “Nếu chúng tôi là nhà đầu tư trái phiếu thật sự thì chúng tôi chấp nhận hậu quả không kêu ca gì cả.”
Ông nói ‘sống chết ông cũng quyết đòi lại tiền cho bằng được’ vì ‘đó là đồng tiền mồ hôi xương máu của tôi và gia đình’.
Theo lời ông thì hy vọng lớn nhất của ông lúc này là ‘Chính phủ trực tiếp vào cuộc thì chúng tôi mới có hy vọng lấy lại được tiền’.
“Tôi mong chính phủ có công điện gửi cho SCB và Tân Việt yêu cầu họ phải giải quyết cho người dân theo đúng điều kiện đã ghi trong hợp đồng,” ông bày tỏ.