RFA
2023.01.05
Mục sư Đinh Diêm trong một thánh lễ
Mục sư Tin Lành Đinh Diêm, 61 tuổi, người đang thụ án tù 16 năm về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” ở Trại giam số 6 (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An), qua đời tại trại giam này trong sáng ngày 05/01.
Mục sư Đinh Diêm là tù nhân chính trị thứ ba qua đời trong vòng vài năm trở lại đây trong trại tù được xem là hà khắc nhất Việt Nam, theo nhận xét của nhiều cựu tù nhân lương tâm.
Bà Đinh Thị Xa, vợ của mục sư Đinh Diêm, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trên đường tới trại giam ngay sau khi nhận được điện thoại từ ban giám thị trại:
“Mới tháng trước ông gọi điện về nói rất khoẻ. Sáng nay đột ngột họ (giám thị trại – PV) thông báo là ông đau nặng, đau cấp cứu. Một tiếng sau thì họ nói ông đã qua đời. Họ nói gia đình đi vào gấp để phối hợp.”
Phía trại giam cho biết, ông Đinh Diêm mất vào lúc 9 giờ sáng ngày 05/01 và thi thể ông đang quàn ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An, tuy nhiên cán bộ trại không cho biết nguyên nhân vì sao dẫn đến sự qua đời đột ngột của người tù chính trị này.
Phóng viên gọi cho số điện thoại di động của cán bộ trại, người báo tin cho gia đình ông Đinh Diêm nhưng không có người nhấc máy, chúng tôi cũng gọi cho số bàn của trại giam để xác minh thông tin nhưng không thể kết nối.
Ông Nguyễn Văn Đài, người đồng sáng lập và hiện là chủ tịch của Hội Anh em Dân chủ, một người theo đạo Tin Lành, cho RFA biết về mục sư Đinh Diêm như sau:
“Mục sư Đinh Diêm là quản nhiệm Hội thánh Tin Lành Lutheran tức Hội thánh Tin lành Anh Quốc giáo ở Quảng Ngãi. Ông là một mục sư người sắc tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ngãi.
Trước khi tham gia Hội thánh Tin lành Anh Quốc giáo, ông là mục sư của Tổng Hội thánh Tin Lành miền Nam Việt Nam.”
Vào giữa tháng 7 năm 2018, ông bị tuyên án 16 năm tù về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999.
Cáo trạng cho rằng ông là mục sư tự phong của Hội thánh Tin Lành Lutheran Việt Nam–Hoa Kỳ, một tổ chức tôn giáo không được công nhận tại Việt Nam. Ông bị cho là đã tham gia tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” tại Mỹ do ông Đào Minh Quân đứng đầu.
Kết luận điều tra của Công an Việt Nam nói rằng ông Đinh Diêm đã được ông Đào Minh Quân bổ nhiệm chức vụ “Chủ tịch lâm thời Hội đồng Liên Tôn Việt Nam” và sau đó vận động, kêu gọi một số chức sắc tôn giáo tham gia vào tổ chức lưu vong ở Hoa Kỳ với mục đích được cho là “nhằm phát triển lực lượng và tiến hành hoạt động lật đổ chế độ.”
Hoà thượng Thích Không Tánh, thành viên của Hội đồng Liên Tôn Việt Nam hiện đang ở TPHCM cho RFA biết, mục sư Đinh Diêm cũng là thành viên của tổ chức đấu tranh cho tự do tôn giáo ở quốc gia này. Tuy nhiên, ông Diêm ít tham gia họp trực tiếp của Hội đồng Liên Tôn do khoảng cách địa lý.
Vị hoà thượng này cũng cho biết trước khi bị bắt, công an Quảng Ngãi gây sức ép liên tục, buộc ông Diêm phải từ bỏ tư cách thành viên của hội đồng.
Năm 2019, cựu giáo chức Đào Quang Thực cũng mất tại Trại giam số 6 khi đang thụ án tù 13 năm về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền,” cáo trạng cũng nói ông tham gia tổ chức \”Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời.\”
Mới tháng 8 năm 2022, nhà báo công dân Đỗ Công Đương qua đời khi đang thi hành án tù tám năm về hai tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ” và “gây rối trật tự công cộng.”
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới ngay sau đó ra thông cáo bày tỏ thất vọng về cái chết trong nhà tù của nhà báo công dân người Bắc Ninh.
Thông cáo nhắc lại thực trạng ông Đỗ Công Đương bị bệnh suốt nhiều tháng, rồi qua đời và kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy có hành động nhằm bảo đảm các nhà báo khác đang bị giam cầm tại Việt Nam được sống, không phải rơi vào tình cảnh như của ông Đương.
Ngoài ra, có một số tù nhân lương tâm khác cũng qua đời khi đang thi hành án, như ông Phan Văn Thu mất ở Trại giam Gia Trung (tỉnh Gia Lai) năm 2022 hay ông Đoàn Đình Nam mất trong Trại giam Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) ở tuổi 68 năm 2019.
Cả hai đều là thành viên của Ân Đàn Đại Đạo (hay còn được biết đến với tên Hội đồng công luật công án Bia Sơn), một nhóm tôn giáo độc lập ở Phú Yên không được chính quyền công nhận
Chỉ có gia đình ông Phan Thu được Trại giam Gia Trung cho phép đưa thi thể ông về an táng tại địa phương. Trong các trường hợp còn lại, phía trại giam từ chối đề nghị của gia đình và an táng họ tại nghĩa trang của trại giam.
Nhiều tù nhân lương tâm phàn nàn với gia đình rằng họ không được chữa trị đầy đủ và kịp thời khi mắc bệnh hiểm nghèo trong khi chế độ dinh dưỡng nghèo nàn trong trại giam.