Brexit làm trầm trọng thêm khủng hoảng kinh tế Anh ?

Đăng ngày: 06/01/2023

\"\"
\"\"
Cờ Anh Quốc và cờ Liên Hiệp Châu Âu bên ngoài Nghị Viện Anh, Luân Đôn, Anh Quốc, ngày 19/10/2022. AP – Alberto Pezzali

Thu Hằng

Vương quốc Anh bước sang năm mới 2023 với hàng loạt cuộc đình công trong lĩnh vực công và bệnh viện. Anh cũng phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế có vẻ nghiêm trọng hơn so với các nước châu Âu cũng bị tác động. Trong bài diễn văn Năm mới ngày 04/01, thủ tướng Rishi Sunak cố trấn an người dân trong bối cảnh lạm phát tăng hơn 13%.

Thủ tướng Anh hứa ba điểm chính : « Giảm lạm phát xuống còn một nửa trong năm nay để mang lại sức mua. Tiếp theo sẽ phát triển kinh tế. Thứ ba là bảo đảm giảm nợ công ». Nhiều chuyên gia cho rằng Brexit, có hiệu lực từ cách đây hai năm, dường như khiến khủng hoảng kinh tế tại Anh trầm trọng hơn, dù chưa thẩm định được quy mô. GDP của Anh đã giảm 0,3% vào quý 3/2022, ngoại thương sụt giảm, đầu tư của các doanh nghiệp bị trì trệ làm đồng bảng Anh mất giá, khiến tình trạng lạm phát gia tăng và đời sống thêm đắt đỏ.

Gần 2/3 người Anh muốn trưng cầu dân ý trở lại EU

Anh chính thức rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu ngày 01/01/2021. Hai năm sau, chưa bao giờ tỉ lệ ủng hộ Brexit lại xuống thấp như hiện nay. Theo thăm dò của viện YouGov, được AFP trích dẫn ngày 23/12/2022, chưa đầy 1/3 người dân Anh cho rằng Brexit là quyết định hay. Còn theo kết quả thăm dò mới nhất, được báo The Independent đăng ngày 01/01/2023, gần 2/3 người dân Anh ủng hộ tổ chức trưng cầu dân ý về việc quay lại Liên Hiệp Châu Âu. Theo tờ báo, « đa số cử tri giờ nghĩ rằng Brexit đã làm trầm trọng thêm » tình hình kinh tế Anh, so với tỉ lệ 44% cách đây một năm.

Nhà nghiên cứu Nikhil Datta, Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị Luân Đôn (London School of Economics), lưu ý vương quốc Anh « chưa bao giờ trải qua giai đoạn xáo trộn nghiêm trọng như vậy về quan hệ thương mại ». Chính phủ Anh vẫn thường xuyên ca ngợi các thỏa thuận được ký với nhiều nước khác trên thế giới, nhưng các thỏa thuận đó hiện chỉ có tác động « rất nhỏ » vì Liên Hiệp Châu Âu vẫn là thị trường quan trọng của Anh.

Kinh tế gia Jonathan Portes, trường King’s College, nhận định với AFP : « Brexit đã làm ngoại thương của Anh giảm từ 10-15% so với kịch bản không có Brexit ». Tác động rõ nhất có thể thấy trong các lĩnh vực xuất khẩu và nông nghiệp. Phòng Thương mại Anh (BCC) thống kê có hơn một nửa doanh nghiệp gặp khó khăn để thích ứng với những quy định mới do Brexit. Thêm vào đó, các doanh nghiệp có đối tác ở Liên Hiệp Châu Âu như « có cảm giác bế tắc vì không có biện pháp nào được triển khai để giúp đỡ họ », theo bà Shevaun Haviland, tổng giám đốc BCC.

Brexit khiến doanh nghiệp Anh trả thêm 25% chi phí hành chính

Thực vậy, việc Anh rời Liên Hiệp Châu Âu kéo theo việc tái áp dụng kiểm soát ở biên giới, kiểm tra hải quan và thuế nhập khẩu… Quy định mới cũng đồng nghĩa với việc phát sinh thêm nhiều giấy tờ, thủ tục hành chính đối với các doanh nghiệp xuất-nhập khẩu. Hậu quả là khối lượng xuất khẩu của Anh sang khối 27 nước đã giảm 30% trong năm 2021, theo các nhà nghiên cứu của Trường Kinh tế Luân Đôn. Mặt khác, « chi phí cho xuất khẩu sang Liên Hiệp Châu Âu cũng tăng lên ». Điều này tác động trực tiếp đến các nhà xuất khẩu nhỏ của Anh, buộc họ rời thị trường chung châu Âu. Riêng các nhà xuất khẩu lớn của Anh không bị tác động, hoặc ít bị cản trở trong việc xuất khẩu.

AFP trích trường hợp của ông Adrian HanRahan, tổng giám đốc công ty Robinson Brothers, gần Birmingham, miền trung nước Anh. Nhà sản xuất hóa chất có đến 70% sản phẩm xuất sang Liên Hiệp Châu Âu « bị tốn thêm 25% chi phí hành chính, chỉ để thích nghi với sự thay đổi về thủ tục xuất khẩu sản phẩm vào Liên Hiệp Châu Âu ». Đối với doanh nghiệp không làm việc với Liên Hiệp Châu, Brexit là điều tích cực, nhưng rất nhiều doanh nghiệp Anh không thể bỏ qua thị trường rộng lớn này.

Chi phí cao, thủ tục phức tạp đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất tại Anh, bị thu hẹp ở mức thấp nhất trong tháng 12/2022 kể từ đợt suy thoái 2008-2009, theo kết quả của nghiên cứu của hãng xếp hạng tín nhiệm S&P Global với các giám đốc phụ trách thu mua. Ông Rob Dobson, giám đốc S&P, nhận định với Reuters ngày 03/01 rằng « số đơn đặt hàng mới sụt giảm ở quy mô đáng ngại : Nhu cầu nội địa giảm, kèm theo sự sụt giảm hợp đồng nước ngoài ở mức còn nghiêm trọng hơn ». Theo ông, « lý do là tình hình kinh tế thế giới đi xuống, nhưng cũng phải nêu các vấn đề liên quan đến Brexit, dẫn đến việc một số khách hàng ở Liên Hiệp Châu Âu đi tìm nguồn cung ở nơi khác ».

Brexit cũng có nguy cơ gây « khủng hoảng cung ứng lương thực » ở Anh. Giáo sư Aurélien Antoine, chuyên ngành luật Đại học Jean-Monnet de Saint-Etienne kiêm giám đốc Đài quan sát Brexit, trên trang mạng France 24, nhấn mạnh đến « tình trạng thiếu hụt trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là về rau củ quả ».

Thực tế này đã được National Farmers’ Union, nghiệp đoàn nông nghiệp chính ở Anh, cảnh báo hồi đầu tháng 12/2022. Sau Brexit, quá trình tuyển dụng nhân công từ châu Âu trở nên khó khăn và phức tạp hơn, trong khi ngành nông nghiệp Anh phụ thuộc vào lực lượng này. Rất nhiều nhà nông phải chứng kiến mùa màng thối rữa dưới chân do thiếu nguồn lực để thu hoạch.

Để bổ sung nốt danh sách không mấy sáng sủa này, vào tháng 11/2022, khu tài chính City lần đầu tiên đã bị thị trường chứng khoán Paris – Bourse de Paris vượt qua về vốn trên sàn giao dịch. Theo bà Catherine Coron, giảng viên chuyên về văn minh Anh tại Đại học Paris-Panthéon-Assas, « đây là hệ quả lớn nhất của Brexit : khu tài chính Luân Đôn không còn giữ vị trí hàng đầu châu Âu ».

Brexit khiến người dân Anh tốn thêm hơn 7 tỉ đô la

Hiện vẫn rất khó để thẩm định toàn bộ thiệt hại phát sinh từ Brexit, do còn có rất nhiều yếu tố khác tác động đến nền kinh tế Anh (cũng như các nước châu Âu), như đại dịch Covid-19 và chiến tranh ở Ukraina. Tuy nhiên, vẫn có nhiều nghiên cứu đã được tiến hành về chủ đề này. Một trong số những nghiên cứu này, do Centre for Economic Performance, Trường Kinh tế Luân Đôn, công bố vào tháng 12/2022, cho thấy việc rời Liên Hiệp Châu Âu đã « tiêu tốn của người tiêu dùng Anh tổng cộng 5,8 tỉ bảng (7,11 tỉ đô la) trong giai đoạn 2019-2021 ». Ngoài ra, các hộ gia đình cũng phải chi thêm trung bình 210 bảng Anh cho thức ăn.

Tuy có nhiều tác động tiêu cực đến kinh tế, Brexit cũng phần nào có lợi cho Anh Quốc ở một số điểm. Giáo sư Aurélien Antoine giải thích Brexit « đã dẫn đến giảm cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực, kể cả trong lĩnh vực nông nghiệp. Tình trạng khan hiếm nhân công nước ngoài cũng đã cho phép các nghiệp đoàn Anh đàm phán tăng lương » (kể cả đối với giới lái xe tải đường dài).

Tuy nhiên, chỉ vài yếu tố tích cực này không đủ để bù đắp cho những bất trắc từ Brexit. Nền kinh tế Anh có thể sẽ còn bị tác động trong ngắn hạn và dài hạn. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE) không tỏ ra lạc quan cho hai năm tới : Anh sẽ là nước kém hiệu năng nhất trong số những nền kinh tế lớn của thế giới, ngoại trừ Nga. GDP của Anh dự kiến giảm 0,4% trong năm 2023 và tăng 0,2% trong năm 2024.

Bài Liên Quan

Leave a Comment