- Tác giả,Nguyễn Giang
- Vai trò,bbcvietnamese.com
- 8 tháng 1 2023
Chỉ vài tuần sau Tết Quý Mão ở châu Á tới đây là tròn một năm ngày Liên bang Nga tung ra cuộc chiến đánh vào láng giềng Ukraine.
Tôi không rõ sang năm, Con Mèo sẽ hiền hơn so với năm Con Hổ hung dữ, nhưng điều dễ thấy là Ukraine bị tàn phá kinh khủng sau gần một năm chịu trận.
Mấy ngày này, không rõ vì “hết đạn”, vì cú choáng sau vụ hàng trăm quân sĩ bị trúng hỏa tiễn Ukraine tại Makiivka, hay vì kính Chúa mà Tổng thống Vladimir Putin đột nhiên tuyên bố ngưng bắn.
Chính thức mà nói, phía Nga đưa ra 36 giờ ngưng bắn nhân dịp Giáng Sinh của Chính Thống giáo, đạo chung của đa số người Nga và Ukraine.
Thiệt hại vô bờ bến và lòng căm thù
Tuyên bố đó hẳn không làm phía Ukraine vui lòng chấp nhận, vì sự căm thù của họ lên rất cao.
Đó không phải là ý kiến từ ông Volodymyr Zelensky hay chính trị gia, tướng tá Ukraine nào, mà từ người dân thường.
Xin kể một chút là chúng tôi có quen một số gia đình người Ukraine tỵ nạn ở Anh, và tuần Giáng Sinh tháng 12 vừa qua có gặp một số bạn.
Olga là nữ hướng dẫn viên du lịch ngoài 40 tuổi, đang sống ở London.
Chị ấy buồn bã kể nhiều về gia đình đang ly tán, người từ phía Đông dạt lên Kyiv, người sang Ba Lan, người tới Đức, và ở Kharkiv chỉ còn mẹ già.
Sang Anh thì chị phát hiện ra bị ung thư và đang được điều trị, phải nghỉ việc làm tạm thời. Thế nhưng Olga nói dịp Giáng Sinh của Chính Thống giáo sẽ về nhà chăm mẹ già.
“Chết dưới bom đạn của Putin còn hơn sống vất vưởng bên này,” chị ấy bảo vậy.
Chúng tôi không dám hỏi thêm và chỉ chúc Olga may mắn.
Lúc chia tay sau tiệc, thật không ngờ, người phụ nữ đột nhiên bảo vợ tôi bằng tiếng Nga: “Chúng tôi sẽ báo thù, báo thù.”
Sự căm thù trước những tàn phá, giết chóc của quân Putin đã lên rất cao. Người Ukraine, gồm cả người chỉ nói tiếng Nga 100% như Olga muốn sẽ báo thù như những người Cossack vùng Zaporizhzhia chống lại quân Tatar, lãnh chúa Ba Lan, quân của Sa Hoàng thời xưa.
Hồi học ở Ba Lan tôi đã đọc được các câu chuyện về lòng yêu tự do, không sợ chết và về cả mối thù truyền kiếp mà đời sau phải trả cho được bằng máu của dân Cossack xứ Ukraine.
Bài hát của họ có câu:
“Haj-da!
Vinh quang thay số phận Cossack, vì tự do, vì gió bay trên cánh đồng.
Hãy hát lên, chàng Cossack thì vẫn còn sống…
Cái chết không là gì với anh.
Không sợ lưỡi gương, không sợ đạn bay...”
Báo chí từ cả năm qua cứ đăng tin tay này, kẻ nọ ở Nga lăn ra chết. Không ai biết thực hư ra sao. Họ vô ý ngã từ lầu cao, lộn cổ từ du thuyền xuống nước, bị vỡ tim vì say xỉn, bị nội bộ trừ khử, hay chết tự nhiên?
Mà toàn những nhân vật quan trọng ở Nga và ít nhiều có dính líu đến nỗ lực chiến tranh của Nga ở Ukraine.
Quyết tâm giành lại toàn bộ lãnh thổ, và không bao giờ đầu hàng quân Nga của người Ukraine ngày nay là rất thật. Hiện nay vì sức ép của Phương Tây muốn hạn chế cuộc chiến, quân Ukraine chưa thể đem chiến tranh vào đất Nga một cách công khai, nhưng không ai nói họ sẽ không bao giờ làm thế.
Cuộc chiến Ukraine-Nga trong năm 2023 vì thế sẽ khó đạt tới một giải pháp hòa bình, trừ khi ông Putin rút hết quân về biên giới Nga-Ukraine của năm 2014.
Nói như George Friedman trên trang Geopolitical Futures (The State of Play in Ukraine, 27/12/2022) thì cuộc chiến đang bước vào giai đoạn cả hai bên không hề có ý muốn nhượng bộ, và vũ khí, khí tài của họ đều khá dồi dào.
Friedman gọi đây là thời kỳ “cuộc chiến ổn định nhưng không dừng” (stable but unending war).
Thế nhưng Putin cũng không thể thắng nổi, vì một số lý do tôi sẽ nêu ở đoạn sau, còn bây giờ thì chúng ta hãy nhìn vào sự thực là Ukraine đã và đang bị tàn phá khủng khiếp.
Trang Deutsche Welle của Đức hôm 24/10/2022 nêu ra các ước tính nói Ukraine chịu thiệt hại chừng 750 tỷ USD, chỉ sau 8 tháng bị bắn phá. Cùng thời gian, GDP bị suy giảm 35% và chính phủ Ukraine mỗi tháng cần viện trợ 4 tỷ euro để bù vào lỗ hổng ngân sách.
Thêm vài tháng bắn phá cơ sở hạ tầng của Ukraine từ quân Nga nữa, các con số nói trên tới nay hẳn đã tăng thêm hàng tỷ.
Các nguồn Phương Tây ước tính nếu chiến tranh dừng lại bây giờ thì tiền tái thiết Ukraine phải là 1 nghìn tỷ USD (theo Washington Post).
Sự tàn phá về con người, về tâm lý, về hội chứng hậu chiến chắc còn khủng khiếp và lâu dài hơn, khó tính được bằng tiền.
Ukraine nay đang phụ thuộc hoàn toàn về vũ khí, tiền bạc và hỗ trợ ngoại giao của các láng giềng như Ba Lan, của Anh, Mỹ và gần đây có cả Đức, Pháp cùng các nước Nato khác.
Sức mạnh duy nhất của họ là dân số tương đối đông (44 triệu, trong top 10 ở châu Âu), và tinh thần bất khuất.
Chiến tranh Napoleon và sự hình thành thế cân bằng
Nay sang vấn đề của Liên bang Nga, nhìn từ chiều kích lịch sử châu Âu.
Đây không phải là trận chiến đầu tiên của Nga ở nước ngoài, và chắc sẽ không là trận cuối cùng.
Tạm bỏ sang một bên thời Trung Cổ, tính từ thế kỷ 15 đổ về trước, thì Đế chế Nga đã từng đánh nhau với gần như tất cả các nước láng giềng và các cường quốc “bằng vai phải lứa”, gần xa.
Ta hãy điểm ra một vài ví dụ.
Liên quan đến vùng nay là Ukraine thì Đế chế Nga đã “choảng nhau” với Đế chế Ottoman vốn kiểm soát Crimea, biển Azov và lối ra Biển Đen cả thẩy 12 lần từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 20.
Đã là chiến tranh thì luôn phải có bên thắng, bên thua, nhưng nhìn chung, Nga chỉ thắng Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) khi có một liên minh khác trợ giúp, và luôn thua khi người Thổ liên minh với các nước châu Âu khác.
Ví dụ trong ba cuộc chiến gần nhất:
Chiến tranh Crimea kết thúc năm 1856 với kết quả là Nga thua liên quân Ottoman, Anh và Pháp, phải nhường Moldova và vùng bình nguyên Danube cho người Thổ Nhĩ Kỳ.
Hơn 10 năm sau, Nga và liên quân thắng Đế chế Ottoman, và Istanbul mất đất ven Biển Đen cho Nga, và phải chấp nhận để Serbia, Bulgaria rơi vào quỹ đạo Chính Thống giáo.
Trong Thế Chiến I, Nga thua liên quân Ottoman với Đức và Áo-Hung, phải trả cho người Thổ một số vùng ven Biển Đen (Hiệp ước Kars).
Khi Nga không có đồng minh mạnh thì khả năng thua rất cao, và khi hợp sức được với các nước châu Âu khác thì cơ hội thắng tăng lên.
Điều này chẳng có gì đặc biệt và đã được lặp đi lặp lại ở các chiến trường khác mà Nga hay Đức, Pháp…có tham gia tại châu Âu trong nhiều thế kỷ.
Vì cho đến khi \’ông kẹ\’ Hoa Kỳ đông dân, tài nguyên gần như bất tận tham chiến ở châu Âu (Thế Chiến I, II), thì tầm vóc của các nước châu Âu không chênh lệch nhau quá nhiều.
To nhất luôn là Pháp và Đức, giành vị trí trung tâm, nhưng luôn có hai chàng khủng bên lề, Anh và Nga “chen vào” khi cần. Và cả bốn đều cần các “bạn tầm trung” như Áo-Hung, Phổ, Tây Ban Nha, Ý khi đánh nhau. Họ cũng cần nhân sự từ các nước nhỏ hơn ở Đông Âu, Balkan và đôi khi rủ Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc để tăng lợi thế cho phe mình.
Nói ngắn gọn thì sau khi Đế quốc La Mã Thần thánh tan rã, dân châu Âu gần như là \’cá mè một lứa\’.
Bất cứ anh nào muốn nổi lên ngồi ngôi làm bá chủ châu Âu đều bị một nhóm các nước khác xúm lại kéo chân xuống.
Cách mạng Pháp 1789 và sự lên ngôi của Napoleon chấm dứt vị trí của Hoàng đế La Mã dân tộc Đức, đẩy châu lục vào một thời kỳ thảm khốc.
Pháp thời Napoleon Bonaparte có sức mạnh của một nền cộng hòa (cả nước đi lính) và ý chí chinh phục của một đế chế kiểu mới, đã tạo kỳ tích quân sự ngoạn mục, kiểm soát 2/3 châu Âu.
Thế nhưng tham vọng của Pháp bị một loạt các nước khác ra tay cùng chặn lại.
Năm 1812, Napoleon kéo đại quân gần triệu lính sang Nga, tính làm cỏ nốt Đế chế Âu-Á theo một thứ đạo khác lạ với truyền thống Tây La Mã và thảm bại.
Một dàn hợp xướng các vua chúa bảo thủ chẳng ưa gì nhau nhưng đã cướp lấy thời cơ họp lại, gồm Áo-Hung của nhà Habsburg (làm chủ Trung Âu, Bắc Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan), nước Phổ hung hãn, nước Nga đông dân (75 triệu vào năm 1814-15), và Đế quốc Anh.
Liên quân này nện cho quân Pháp hai trận liền, ở Leipzig (1813) và Waterloo (1815), xóa sổ ước mơ Hoàng đế châu lục của người đảo Corsica.
Ở đây, cần nhắc lại vai trò “ngư ông đắc lợi” của Anh ở thế kỷ 19, khá giống Hoa Kỳ hiện nay với cuộc chiến Ukraine.
Nước Anh không chỉ diệt nước Pháp bằng hải quân, bằng tài năng của Duke Wellington mà còn bằng viện trợ súng đạn rất nhiều cho các đồng minh ở lục địa châu Âu và bằng cả đồng tiền.
Các cú cấm vận lương thực và tiền tệ của London và việc dùng Royal Navy chặn lối Pháp ra biển làm Paris kiệt quệ.
Nghịch lý thể chế của Pháp lộ rõ: đội quân mang cờ Tự do-Bình đẳng-Bác ái nay lại chiếm đóng, bóc lột Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, Ba Lan và vùng sông Rhine của Đức cho mục tiêu chiến tranh. Chiến tranh là tốn kém mà Pháp bị Anh cấm vận điêu đứng, hết tiền.
Sự khôn ngoan của Anh khiến Nguyên soái Mikhail Kutuzov hiểu ra…hơi muộn là không nên diệt Pháp đến cùng vì Nga cần Pháp tồn tại như đối trọng với Anh.
Trên lưng ngựa truy đuổi quân Pháp về tới đất Đức, ông tiên đoán:
“Chiến thắng này sẽ không đem lại cho nước Nga hay bất cứ vương triều nào trên lục địa điều gì, mà chỉ khiến kẻ kiếm lợi trên biển cả (Anh) trở thành kẻ thống trị. Sự thống trị đó sẽ trở nên không thể chịu nổi với chúng ta.”
Thế nhưng, các nước châu Âu đã học được bài học từ Chiến tranh Napoleon là làm theo ‘nhạc trưởng’ Klemens von Metternich (Thủ tướng Áo), tạo thế cân bằng ở Đại hội Vienna 1815.
Còn gọi là thỏa thuận Dàn nhạc châu Âu (The Concert of Europe), các nước chủ chốt chấp nhận chia sẻ lợi ích của tầng lớp trên, chống lại làn sóng cách mạng dân tộc (theo cảm hứng Cách mạng Pháp 1789). Mọi thay đổi lãnh thổ ở bất cứ xó xỉnh nào của châu Âu, từ Balkans đến Bồ Đào Nha, từ vùng Silesia, Bohemia tới hạ lưu Danube cần được thỏa thuận, không một ai được cậy to xác mà tự chiếm.
Châu Âu được ổn định từ 1815 đến 1870 và nguyên tắc “cấm xâm lăng” trở thành mấu chốt của ngoại giao quốc tế.
Dàn nhạc châu Âu tuy thế chỉ tồn tại được hơn 60 năm để tới 1871 bị loạn nhịp vì chiếc trống thiếc inh ỏi của Phổ.
Đức thống nhất dưới cờ của Phổ, nhờ mưu mô của Thủ tướng thép Otto von Bismarck và các chiến thắng với Đan Mạch, Áo và cuộc chiếm đóng Paris.
Mầm mống cho thế chiến xuất hiện…Nga, Anh, Pháp, Đức, Áo-Hung và Đế chế Ottoman lại một lần nữa bắn giết nhau năm 1914, nhân danh việc phục hồi thế quân bình…hồi xưa.
Các thế hợp-tung diễn ra liên tiếp ở châu Âu và Cận Đông.
Trong Thế Chiến I, Đức và Ottoman liên kết (Central Power) nhưng chỉ thắng được Nga, rồi sau lại thua một liên quân hùng hậu gấp bội: Anh, Pháp, Nga, Ý, Romania, Canada, Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Để báo thù, Đức tái vũ trang thời Hitler, tiến hành chiến tranh xâm lược, mở màn cho Thế Chiến II ở châu Âu.
Nhưng như nhiều sử gia đã chỉ ra, dù có quân đội mạnh, kỷ luật thép, vũ khí tốt, Đế chế III của Hitler vẫn là “nền kinh tế tầm trung” lại dám đánh cả Liên Xô và Anh-Mỹ, để “lưỡng đầu thọ địch” nên chuốc lấy thất bại kinh hoàng.
Cuộc chiến sẽ chỉ làm Nga yếu đi
Từ những bài học trên, có thể thấy việc người Nga “một mình cân cả Nato” lần này xem ra khó đem lại điều gì tốt cho họ.
Kể cả khi Nga có vũ khí ngang đẳng cấp với Phương Tây thì cán cân về nhân khẩu, kinh tế của phía ủng hộ Ukraine vẫn vượt trội so với Nga.
Mà thực tế cho thấy, vũ khí của Nga đang lạc hậu cả thế hệ so với chuẩn Nato.
Nói ngắn gọn thì Nga không có đồng minh nào ở châu Âu, và Trung Quốc hiện giờ có phải “đồng minh chân thành” của Nga thì còn phải bàn. Nhưng nếu nhìn vào các liên minh quân sự châu Âu xưa nay thì có vẻ Trung Quốc chỉ là một thứ đồng minh ‘tù mù”, vì chưa góp cho Nga người lính nào.
Ta cần hiểu trên chiến trường người ta cần quân và súng đạn chứ không cần tuyên truyền về “đối tác chiến lược”.
Trong Thế Chiến II, Wehrmacht đã huy động tổng cộng 13 triệu đàn ông Đức cầm súng, và vào lúc cao điểm Hitler có 6,5 triệu quân tác chiến, cộng thêm quân của phe Trục gồm Ý, Romania, Hungary. Ấy thế mà Đức vẫn phải thua, vì Liên Xô huy động được gần 12 triệu quân, và đồng minh phía Tây có chừng 8 triệu.
So với thời đó thì câu chuyện Ukraine nay là cuộc chiến cục bộ đang thu hẹp lại.
Cuối cùng, để đánh giá về Nga tới đây có lẽ cần xem tính toán của Đức.
Các bạn còn nhớ ngay sau khi Nga tấn công Ukraine cuối tháng 2/2022, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hào hùng tuyên bố Sự thay đổi Thời đại (Zeitenwende). Đức bỏ ra 100 tỷ euro xây dựng quân đội hùng mạnh vì tình hình mới và sẽ giữ chi tiêu quốc phòng theo chuẩn Nato: 2% GDP/năm.
Nhưng gần đây ông Scholz đã lẳng lặng rút khỏi các cam kết đó.
Đức thấy thực lực của Nga không đáng sợ như tháng 3/2022 và một Moscow yếu đi có thể đe dọa Berlin là chuyện rất xa vời (xem thêm Politico).
Berlin chi tiền cho Kyiv chống Nga, và giúp Warsaw – vốn đang \’hăng máu\’ muốn có bộ binh mạnh nhất châu Âu – làm tuyến đầu giữ sườn phía Đông Nato là đủ.
Pháp vừa làm tương tự, công bố lần đầu tặng Ukraine xe bọc thép AMX-10 RC.
Đó cũng là chính sách Hoa Kỳ và Anh đã theo đuổi gần một năm qua: hỗ trợ tối đa cho Ukraine nhưng không đem quân vào.
Ukraine thành tiền tuyến, Thế Chiến III không nổ ra. Vì về cơ bản thì ý chí phục hồi lại thế quân bình về địa chính trị, như thời kỳ Dàn nhạc châu Âu, vẫn còn nguyên đó.
Ý chí đã thành quy luật này chính là thứ Nga không thể một mình bẻ gãy.