Đăng ngày: 09/01/2023
Trận lũ lịch sử năm 2022 khiến 8 triệu người Pakistan mất nhà, ít nhất 1.700 người chết, và 33 triệu người bị ảnh hưởng. Quốc gia Nam Á này là một trong các nước chịu nhiều tổn hại nhất do biến đổi khí hậu. Tại thượng đỉnh Khí hậu COP27 tháng 11/2022 vừa qua, ở Ai Cập, cộng đồng quốc tế đã thỏa thuận việc lập ra một quỹ để hỗ trợ các quốc gia như Pakistan.
Quyết định lập quỹ để hỗ trợ các quốc gia như Pakistan, nạn nhân của biến đổi khí hậu, được coi là một bước tiến lịch sử trong hợp tác quốc tế về khí hậu. Vấn đề chủ yếu hiện nay là quỹ nói trên chưa tồn tại. Thách thức với cộng đồng quốc tế giờ đây là phải khẩn cấp tìm ra tiền để kịp thời hỗ trợ Pakistan. Hôm nay, 09/01/2023, Liên Hiệp Quốc tổ chức một hội nghị quốc tế tại Genève, Thụy Sĩ, để bàn việc huy động tài chính cho Pakistan.
Thách thức vô cùng lớn, ngoài số người bị mất nhà như đã nói ở trên, trận lũ lịch sử khiến hàng nghìn cây số đường sắt, đường bộ Pakistan bị phá hủy. Liên Hiệp Quốc ước tính cần đến hơn 16 tỉ đô la để tái thiết Pakistan, đây là số tiền cao gấp gần 4 lần so với số tiền mà Liên Hiệp Quốc kêu gọi hỗ trợ Ukraina trong năm 2023.
Đại diện của Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Pakistan, ông Knut Ostby, cho biết cụ thể là hiện tại, 9 triệu người Pakistan có nguy cơ rơi vào cảnh đói nghèo do trận lũ lịch sử. Số người rơi vào cảnh mất an ninh lương thực dự kiến sẽ tăng gấp đôi, từ 7 triệu người hiện nay lên hơn 14 triệu người. Sáu tháng sau trận lũ, nước vẫn còn ngập tại nhiều nơi. Theo đại diện Liên Hiệp Quốc, trận lũ lịch sử này không chỉ hủy hoại mùa màng hiện tại ở Pakistan, mà còn cản trở việc chuẩn bị cho vụ tới.