Cáo buộc nói có \’vụ hiếp dâm tập thể\’ ở Trường Quân sự Quân khu 7 bắt nguồn một post ẩn danh trên trang Facebook UEH Confessions ngày 11/01 và một video lan truyền rộng rãi trước đó.
Đến chiều 12/1, nhiều cây bút, nhà báo tại Việt Nam cho rằng đây là tin giả, nhưng nhiều người khác vẫn tỏ ra nghi ngờ về độ thực hư.
Bài viết có cáo buộc sinh viên ở trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP HCM (HUFLIT) bị hiếp dâm tập thể khi tham gia môn giáo dục quốc phòng tại Trường Quân sự Quân khu 7 vào buổi tối ngày 10/01.
Trang Facebook UEH Confessions đã bị đóng bắt đầu từ 12 giờ trưa hôm nay 12/01 theo giờ Việt Nam.
Tiếng hét thất thanh trong đêm?
Một video được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội có tiếng gào khóc của một người nữ và tiếng của một người nam quát tháo, và cả tiếng sợ hãi của hai người quay clip.
BBC News Tiếng Việt chưa thể độc lập kiểm chứng video này.
Một tài khoản Facebook tên \’Thu Tai Tran\’, tự nhận là chủ của video vào ngày 11/01 cho biết \”vụ việc này không hề liên quan đến vụ việc hiếp dâm mà mọi người đang lan truyền\”.
Cụ thể tài khoản này nêu:
\”Do mất đoàn kết nội bộ giữa các cá nhân sinh viên nữ (nghi ngờ lấy tiền của nhau ) nên bạn sinh viên đó đã có hành động tiêu cực và khi được phát hiện các thầy có lên chấn an bạn nhưng bạn vẫn bị kích động nên các thầy có đưa bạn xuống văn phòng để giúp bạn bình tĩnh để tránh trường hợp xấu xảy ra.\”
BBC News Tiếng Việt chưa thể độc lập kiểm chứng đây có đúng là tác giả của video hay không.
Liên quan đến \’mất tiền\’?
Theo tuyên bố của trường Quân sự Quân khu 7 và HUFLIT trong cuộc họp báo, được báo Tuổi Trẻ livestream vào 14 giờ chiều nay theo giờ Việt Nam, thì ông Nguyễn Anh Tuấn, hiệu trưởng trường HUFLIT nói xuất phát của sự việc là một video \”sơ sài\” và \”đã bị thêu dệt lên\”.
\”Đây là tin mà tôi thấy hết sức bất ngờ vào cuối năm. Trước tiên, khẳng định hoàn toàn đây là tin giả.\”
Ông Tuấn đề cập đến sự mong mỏi \”sự ủng hộ\” của báo chí chính thống trong nước cho HUFLIT và Quân khu 7.
\”Cũng mong rằng các đơn vị báo chí hãy ủng hộ cho trường HUFLIT, trường Quân khu 7, cũng như quan trọng nhất là sinh viên. Bởi vì hiện tại thông tin chính thống của chúng ta có thể nói là thua trên mặt trận truyền thông bởi các thông tin không chính thống.\”
\”Tôi có một niềm tin mãnh liệt là sự thật vẫn là sự thật. Cây ngay không sợ chết đứng\”, ông Tuấn nói.
Về phần mình, Đại tá Nguyễn Tiến Sơn, chủ nhiệm chính trị Trường Quân sự Quân khu 7 nói về nguyên nhân từ việc \”mất mát tiền của bạn\” như sau:
\”Vào buổi tối cách đây hai ngày thì các bạn sinh viên này có ở chung phòng học 18 đến 20 người nữ. Thì có việc mất mát tiền của các bạn. Sau khi mất tiền thì các bạn về hỏi nhau có biết mất ở đâu hay như thế nào. Thì sau đó, các em tập trung vào nghi ngờ vào một em H.
H không nói gì cả, rồi lặng lẽ, khi các bạn hỏi làm cách nào để tìm được số tiền đó, thì H xô cửa đi ra ngoài, khóc và thét, cho các bạn nghi ngờ mình, các bạn bị kích động từ mình. Sau tiếng hét lớn như vậy thì cán bộ đại đội đã từ dưới tầng trệt, tòa nhà thì có ba tầng, các tầng từ tầng một trở lên là sinh viên nữ, tầng trệt dưới là các bộ quản lý.
Cán bộ quản lý lên thấy có tiếng hét lớn, thấy kích động tâm lý thì đưa em này xuống phòng làm việc để nắm tình hình và động viên đối tượng H. Sau khi nắm được nội dung, tính chất vụ việc, đặc biệt là chấn động tâm lý của đối tượng H, thì nhà trường đã kết nối và mời phụ huynh H lên.
Ngay lập tức thì mẹ của đối tượng H đã lên và nắm được tình hình, đưa con về nhà chăm sóc và động viên. Sau đó thì quá trình la hét như vậy thì có một sinh viên ở tòa nhà đối diện đang quay clip, đông người, tò mò là gì, quay xong thì các bạn khác hỏi sự kiện là gì thì bạn chỉ chia sẻ clip này và không biết gì cả rồi, chỉ biết có hoạt động như vậy thôi.
Thế thì sau đó thì từ tối hôm kia, đến tôi hôm qua thì trên mạng lan truyền thông tin rất là nhanh với việc là tại trường Quân sự Quân khu 7 có vụ việc như báo mạng mà chúng ta đã xem, đã thấy.\”
\”Nhà trường đã làm việc với em quay clip này và em đã nhận thấy em sai, và em đã soạn một nội dung đính chính nội dung gửi các bạn… Trên Facebook của mình em đã đăng tôi là chủ nhân clip đó, đăng lên với bạn bè biết nội dung thôi, và nội dung hoàn toàn sai sự thật, theo lời đính chính của bạn sinh viên đó.\”
Theo tuyên bố vào chiều nay 12/01, Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP. HCM (HUFLIT) cho biết đây là một thông tin \”thất thiệt\”. Cụ thể HUFLIT tuyên bố:
\”Hiện nay trên mạng xã hội đang lan truyền một số thông tin sai sự thật về trường hợp sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP. HCM (HUFLIT) gặp sự cố khi học tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh (GDQP&AN), Trường Quân sự Quân khu 7. Đây là thông tin thất thiệt có khả năng ảnh hưởng lớn đến tâm lý của người học và hình ảnh, uy tín của Nhà trường đối với xã hội.\”
HUFLIT cũng \”yêu cầu sinh viên không lan truyền thông tin thất thiệt, tránh bị dư luận dẫn dắt\”.
Tuy nhiên, bài đăng trên Facebook của HUFLIT đã thu hút hàng ngàn bình luận, nhiều người phẫn nộ, muốn vụ việc được làm sáng tỏ.
Ngày 11/01, Trường Quân sự Quân khu 7 có công văn nói sự việc \”đã bị xuyên tạc trên một số trang mạng xã hội dưới nhiều hình thức, dẫn đến lan truyền không đúng sự thật với dụng ý xấu\”.
\”Sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP HCM về học GDQP&AN khoá 327, trong quá trình sinh hoạt tập thể xảy ra vụ việc tranh cãi nội bộ giữa 2 cá nhân sinh viên Nữ. Do không làm chủ được cảm xúc dẫn đến tình trạng khóc và la hét của một bạn sinh viên, sự việc đã được cán bộ quản lý gặp gỡ động viên giải quyết xong, không gây ra hậu quả.
Lo ngại bị \’tẩy trắng\’ và \’bay màu\’?
Các hashtags #HuflitNgungBungBit, #baovesinhvienHUFLIT,#ngưng_tẩy_trắng, #không_im_lặng hay #Huflit đang lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội.
Nhiều người quan ngại trước môi trường quân sự luôn được miêu tả như là nơi \”rèn luyện công dân\”, \”yêu Tổ Quốc, yêu đồng bào\” lại là nơi biện minh cho bạo lực, còn môi trường giáo dục lại phải là nơi bảo đảm an toàn cho sinh viên thì lại là có sự bưng bít.
Hai độc giả từ Việt Nam nói với BBC News Tiếng Việt:
\”Mong ad có thể gửi lên các trang cộng đồng quốc tế. Để đòi lại công bằng cho sinh viên việt nam, Bên quân đội họ che giấu và dìm xuồng vụ này rất nhiều rồi ạ. Rất nguy hiểm nếu không giải quyết dứt điểm các con em của các bậc phụ huynh sẽ nằm trong trạng thái nguy hiểm. Thấy rất thương cảm cho hai bạn sinh viên xấu số.\”
Một người tên Vũ My gửi email đến BBC, \”Những người chứng kiến ở ngay tại đó đều bắt lập biên bản rồi. Ngày cả người quay video này còn phải lên để đính chính sự việc theo một hướng hoàn toàn khác. Chẳng còn một ai dám đứng lên để nói cả….Cám ơn vì BBC hôm nay đã đăng bài. Vì tất cả các trang ngoài kia đã gỡ hết. Cám ơn vì tất cả.\”
Trong một bài viết trên Facebook hôm nay, Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai từ Amsterdam, Hà Lan viết về tính minh bạch qua vụ việc:
\”MINH BẠCH là điều cần thiết để thể hiện sự công minh. Thật giả vụ việc chưa rõ, nhưng những cái link không hiển thị chỉ làm cho thật giả càng thêm lẫn lộn. Nếu đăng tin sai thì phải xoá và \”đính chính\” chứ không phải chỉ \”xoá\” là xong.\”
Theo Thông tư số 05/2020/TT-BGDĐT ngày 18/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên trong các trường trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm và trường đại học, học viện, đại học, đại học quốc gia, đại học vùng (sau đây gọi là cơ sở giáo dục đại học) là môn học chính khóa, gồm 4 học phần với tổng thời lượng 165 tiết.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật đến độc giả khi có thêm diễn biến mới.