7 giờ trước
Tòa án Tối cao Philippines hôm 10/1 đã phán quyết rằng Khảo sát Địa chấn Biển chung (JMSU) giữa Công ty Dầu khí Quốc gia Philippines, Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc và Tổng công ty Dầu khí Việt Nam là \’vô giá trị\’ và \’vi hiến\’.
Theo thỏa thuận được ký vào tháng 3/2005, ba nước sẽ cùng nhau nghiên cứu tiềm năng tài nguyên dầu mỏ trên các khu vực tranh chấp và không tranh chấp có diện tích 142.886 km2 ở Biển Đông, bao gồm cả các khu vực thuộc quần đảo Trường Sa nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila, theo The Strait Times.
Phiên bản ban đầu của thỏa thuận được ký vào tháng 9/2004 chỉ là giữa Philippines và Trung Quốc.
Việt Nam phản đối và được đưa vào JMSU 2005.
Ba quốc gia đã thu thập dữ liệu địa chấn trước khi thăm dò về trữ lượng dầu có thể có, theo thỏa thuận JMSU.
Nhưng thỏa thuận đã hết hạn vào tháng 6/2008.
Tòa án đã mất 15 năm để quyết định về đơn kiện được đệ trình vào tháng 5/2008 bởi các nhà lập pháp của Philippines, những người lập luận rằng chính quyền của Tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo khi đó đã làm suy yếu chủ quyền của Philippines bằng cách đồng ý với JMSU.
Tòa án Tối cao Philippines đã đồng ý với những người khởi kiện, nói rằng JMSU đã vi phạm Mục 2, Điều XII của Hiến pháp năm 1987 quy định việc thăm dò, phát triển và sử dụng tài nguyên thiên nhiên của đất nước \”phải chịu sự kiểm soát và giám sát hoàn toàn của Nhà nước\”.
Tòa án cũng cho biết rõ ràng thỏa thuận này nhằm xác định xem dầu mỏ có tồn tại ở các khu vực thuộc Biển Đông do JMSU quản lý hay không.
\”Việc các bên tham gia thỏa thuận chỉ ra rằng nghiên cứu chung giữa họ là một \’hoạt động tiền thăm dò\’ là không có giá trị. Việc chỉ ra như vậy không làm mất đi thực tế rằng mục đích của thỏa thuận là khám phá dầu mỏ, tương đương với việc thăm dò,\” tòa án cho biết.
Ảnh hưởng gì tới Việt Nam?
\”Phán quyết của tòa Philippines không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam. Do vào năm 2005 khi thỏa thuận này được ký, Việt Nam cũng không quá mặn mà, tuy nhiên nó cho thấy một xu hướng đáng lo ngại hiện nay khi chính quyền Phillipines hiện đang rất ngả về Trung Quốc,\” ông Hoàng Việt, giảng viên Luật Quốc tế tại TP Hồ Chí Minh nói với BBC News Tiếng Việt hôm 12/1.
\”Ý định của Việt Nam khi cùng tham gia thỏa thuận này không phải vì quá tha thiết với việc thăm dò dầu khí ở khu vực này, mà là để tránh thiệt hại. Vì Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc khi hai nước nói trên thực hiện thăm dò tại vùng biển mà Việt Nam cũng khẳng định chủ quyền. Tổng thống Philippines thời đó là bà Gloria Macapagal Arroyo rất thân Trung Quốc.\”
Theo ông Hoàng Việt, Việt Nam không mong chờ gì và không thích các khai thác chung với Trung Quốc. Các thỏa thuận khai thác chung của Trung Quốc với các nước để hợp tác khai thác trên Biển Đông tới nay chưa thực hiện được cái nào.
\”Lý do là thỏa thuận khai thác chung chỉ diễn ra trên khu vực tranh chấp, nhưng Trung Quốc lại luôn muốn khai thác ở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước khác mà TQ nói là nằm trong đường lưỡi bò thuộc chủ quyền của nước mình. Không quốc gia nào muốn vì như thế khác nào đưa Trung Quốc vào nhà mình, kể cả nước nhỏ như Brunei hay nước phát triển như Malaysia,\” ông Hoàng Việt lý giải.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao thỏa thuận được ký từ 2005 nhưng phải mất tới 15 năm tòa Philippines mới đưa ra phán quyết. Và tại sao lại đưa ra phán quyết vào thời điểm này?
Có vẻ lý do là Tổng thống Philippines, ông Ferdinand Marcos Jr mới có chuyến thăm Trung Quốc, ngay trước thời điểm tòa ra phán quyết.
Trong chuyến thăm này, ông Marcos đã hứa hẹn với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về việc trở lại hợp tác khai thác trên khu vực Biển Đông.
\”Với quyết định này của tòa, cần hiểu rằng đây là thông điệp của tòa và các phe nhóm chính trị ở Philippines. Họ muốn đặt ra một tiền lệ là các thỏa thuận chung giữa các nước để khảo sát, khai thác trong khu vực này đều vi phạm hiến pháp Philippines, được diễn giải thông qua các án lệ và khó có thể đảo ngược,\” ông Hoàng Việt phân tích.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn Biển Đông, nói rằng họ có các quyền lịch sử đối với các thực thể trên cạn và vùng biển ở khu vực này.
Nhưng một số quốc gia Đông Nam Á bao gồm Malaysia, Việt Nam, Philippines và Brunei nói rằng những yêu sách của Bắc Kinh trái với Công ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982.