Đăng ngày: 16/01/2023
Theo một báo cáo công bố hôm nay 16/01/2023, nhiều doanh nghiệp từ ít nhất 13 quốc gia đã hỗ trợ Miến Điến sản xuất vũ khí, trong đó có Mỹ, Pháp, Nhật Bản và Ấn Độ.
Báo cáo của Hội đồng Tư vấn Đặc biệt về Miến Điện, được BBC trích dẫn, chỉ ra cách mà Miến Điện đã đẩy mạnh sản xuất vũ khí như thế nào kể từ khi quân đội lên nắm quyền vào ngày 1 tháng 2 năm 2021, kéo theo đó là một phong trào phản kháng bị đàn áp đẫm máu.
Bà Yanghee Lee, một trong những tác giả của báo cáo, nhấn mạnh rằng vũ khí do quân đội Miến Điện sản xuất không được sử dụng để bảo vệ biên giới vì nước này chưa từng bị xâm lược. Chúng lại được sử dụng để đối phó với chính người dân Miến Điện. Kể từ khi đảo chính xảy ra cách nay gần 2 năm, tổng số người thiệt mạng lên đến hơn 2600 người. Con số thực tế có thể cao gấp 10 lần.
Theo báo cáo, điều đáng lưu ý đó là một số quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc vẫn tiếp tục hỗ trợ Miến Điện sản xuất vũ khí. Ông Chris Sidoti, đồng tác giả của báo cáo giải thích : « Gần đây nhất, đó là các vụ thảm sát xảy ra ở vùng Sagaing, đặc biệt là vụ đánh bom và pháo kích vào một trường học, khiến một số trẻ em và những người khác bị giết. (…) Vũ khí được tìm thấy như vỏ đạn pháo quân sự có thể giúp xác định nguồn gốc của chúng ».
Theo Hội đồng Tư vấn Đặc biệt về Miến Điện, một số thiết bị dùng để chế tạo vũ khí được cho là đến từ công ty GFM Steyr của Áo cung cấp, được tìm thấy ở nhiều địa điểm. Các loại máy móc trong cơ sở sản xuất vũ khí của Miến Điện, đến từ Đức, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Phần mềm lập trình cho máy móc là từ Pháp và Israel.
Bất chấp hàng loạt trừng phạt từ quốc tế, quân đội Miến Điện không ngừng lại việc sản xuất vũ khí. Vào năm 1988, chỉ có 6 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực này thì đến nay đã lên đến 25 nhà máy.
Hội đồng Tư vấn Đặc biệt về Miến Điện là một tổ chức độc lập, được thành lập hồi tháng 03/2021.