Ký thỏa thuận khai thác dầu lửa với Taliban, Trung Quốc có thực sự chỉ quan tâm tới dầu ?

Đăng ngày: 16/01/2023

\"\"
\"\"
Thung lũng Mes Aynak, cách thủ đô Kabul của Afghanistan 40 km về phía tây nam, nơi được xem là có nhiều trữ lượng khoáng sản. Ảnh chụp ngày 18/01/2015. AP – Rahmat Gul

Thùy Dương

Một công ty Trung Quốc đã ký thỏa thuận với Taliban để khai thác dầu lửa tại một vùng sông ở miền bắc Afghanistan. Đây là thỏa thuận thương mại lớn đầu tiên mà chế độ Hồi giáo Taliban đã ký kết với một công ty nước ngoài kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo đất nước Afghanistan hồi tháng 08/2021.

Có thể nói Taliban đã chờ đợi điều này từ lâu, chính xác là kể từ khi trở lại nắm quyền ở Afghanistan, ngày 15/08/2021. Theo thỏa thuận được chính quyền Taliban công bố hôm 05/01/2023, Tập đoàn Dầu lửa và Khí đốt Trung Á (CAPEIC) của Trung Quốc đã giành được quyền khai thác dầu lửa trong vòng 25 năm ở lưu vực sông Amou-Daria, con sông được xem là biên giới tự nhiên giữa Afghanistan, Turkmenistan, Tajikistan và Uzbekistan.

Trung Quốc – cường quốc ít thù địch nhất với chế độ Taliban

Vương Ngu (Wang Yu), đại sứ Trung Quốc tại Afghanistan, khẳng định trong lễ ký kết hợp đồng rằng đây là « một dự án quan trọng giữa Trung Quốc và Afghanistan ». Theo thỏa thuận chưa từng có này, Tập đoàn Dầu lửa và Khí đốt Trung Á – một thực thể do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) – tập đoàn dầu lửa chính của Trung Quốc, thành lập vào đầu những năm 2000, sẽ đầu tư 150 triệu đô la trong năm hoạt động đầu tiên, sau đó tổng số tiền đầu tư cho 3 năm tiếp theo sẽ lên tới 540 triệu euro.

Zabihullah Mujahid, phát ngôn viên của chế độ Taliban, lạc quan nhận định dự án ký với Trung Quốc sẽ mang lại việc làm cho khoảng 3.000 người Afghanistan. Thế nhưng, theo France 24, đối với chính quyền Kabul, thỏa thuận này không chỉ liên quan tới cơ hội tạo công ăn việc làm cho người dân. Raffaello Pantucci, chuyên gia về quan hệ của Trung Quốc với các nước Trung Á, tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam của Singapore, nhận định đó là dịp đầu tiên để chế độ Taliban chứng minh họ có thể tìm ra cách thuyết phục các đối tác tiềm năng khác rằng Taliban là đối tác có trách nhiệm và nghiêm túc.

Kể từ khi trở lại cầm quyền vào tháng 08/2021, Taliban trên thực tế chưa được bất kỳ quốc gia nào, kể cả Trung Quốc, chính thức công nhận. Sự thiếu vắng tính chính đáng trên trường quốc tế, kèm theo đó là sự thù địch rõ ràng từ hầu hết các nước phương Tây, đã góp phần lớn vào việc Afghanistan bị gạt ra bên lề thương mại thế giới.

Tuy nhiên, Taliban chưa bao giờ ngừng kín đáo mời gọi nước ngoài, mà theo chuyên gia Raffaello Pantucci, là với mong mỏi cuối cùng sẽ thuyết phục được một công ty phương Tây đầu tư vào Afghanistan. Và trước khi hy vọng có thể « hái sao trên trời », chế độ Kabul đã đặc biệt để mắt đến Trung Quốc, vốn dĩ được xem là cường quốc ít thù địch nhất với chính quyền Taliban.

Trước đây, Bắc Kinh từng thể hiện sự cởi mở trong việc thiết lập quan hệ thương mại với chế độ Taliban. Trong giai đoạn đầu tiên Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước Afghanistan, từ năm 1996 đến năm 2001, các tập đoàn Trung Quốc quan tâm đến hai dự án lớn : khai thác mỏ đồng rất lớn gần khu khảo cổ Mes Aynak (cách thủ đô Kabul 35 km về phía nam), và cả khai thác dầu lửa ở lưu vực sông Amu Darya.

Taliban hy vọng có thể nhanh chóng ký kết thỏa thuận ít ra là 1 trong 2 dự án nói trên với Trung Quốc. Nhưng kể từ năm 2021, ngay cả Bắc Kinh dường như cũng muốn đình hoãn các đầu tư kinh tế của Trung Quốc ở Afghanistan. Chuyên gia Raffaello Pantucci nhấn mạnh chỉ có một số tiếp xúc của một số công ty tư nhân, chứ không phải của các tập đoàn lớn của Nhà nước, và ngay cả những công ty này cũng đã bắt đầu rút lui khỏi Afghanistan.

Đối với Trung Quốc, đây là một vấn đề kép. Gần như tất cả các cơ sở hạ tầng ở Afghanistan phải được xây dựng hoặc được xây dựng lại, và đất nước Trung Á này vẫn còn xa mới được ổn định đủ để bảo đảm an toàn cho các cơ sở công nghiệp.

France 24 trích dẫn South China Morning Post, theo đó sự rụt rè về kinh tế của Trung Quốc đã « khiến Taliban rất thất vọng ». Khan Jan Alokozay, phó chủ tịch Phòng Thương Mại Afghanistan từng than vãn hồi cuối tháng 9 là Kabul chưa từng thấy bóng dáng một xu tiền đầu tư nào từ Trung Quốc. Mọi việc đã thay đổi với việc ký kết dự án khai thác dầu với tập đoàn CAPEIC của Trung Quốc. 

Jean-François Dufour, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc, nhà đồng sáng lập Sinopole, trung tâm nghiên cứu về các nguồn lực của Trung Quốc, nhắc lại là do Trung Quốc lệ thuộc 70% vào nhập khẩu dầu lửa nên chắc chắn Bắc Kinh sẽ không bỏ lỡ khả năng bảo đảm nguồn cung chất đốt.

Đằng sau dầu lửa là khí đốt và đồng

Tuy nhiên, điều đáng nói là lưu vực sông Amou Darya cũng không phải là có nhiều trữ lượng dầu. Một nghiên cứu địa chất của Mỹ về tiềm năng của vùng này đã kết luận rằng lợi ích với riêng dầu mỏ chỉ là tương đối. Thế nhưng, đây lại là khu vực chứa nhiều khí đốt. Theo một nghiên cứu năm 2019 của PetroChina, lưu vực sông Amou Darya của Afghanistan dường như là bể chứa khí đốt có trữ lượng lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Siberia và Vịnh Ba Tư.

Chuyên gia Raffaello Pantucci lưu ý Trung Quốc cũng đã bắt đầu khai thác khí đốt ở Turkmenistan và rất có thể là các kỹ sư làm việc tại đó đã nói với cấp trên của họ rằng mỏ khí đốt không chỉ dừng lại ở biên giới giữa Turkmenistan với Afghanistan. Trong bối cảnh đó, thỏa thuận khai thác dầu mỏ với Afghanistan dường như là một kiểu « ngựa thành Troie » về năng lượng, bởi theo chuyên gia Pantucci, nếu khí đốt được tìm thấy ở lưu vực sông Amou Darya, do đã hiện diện tại chỗ, Trung Quốc hy vọng sẽ đi đầu trong việc khai thác khí đốt.

Thế nhưng, đây không chỉ là vấn đề kinh tế đối với Bắc Kinh. Chuyên gia Jean-François Dufour lưu ý chế độ Bắc Kinh cũng hy vọng « mua được sự bảo đảm cho vùng Tân Cương ». Một trong những mối lo ngại chính của Trung Quốc khi Taliban lên nắm quyền ở Kabul là Afghanistan có thể trở thành hậu cứ cho các hoạt động do các chiến binh thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị đàn áp ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc, tiến hành.

Dẫu cho Taliban đã lặp đi lặp lại rằng họ sẽ không dung thứ cho bất kỳ cuộc tấn công nào từ lãnh thổ của Afghanistan nhắm vào Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh vẫn cho rằng tốt hơn hết là phải kiểm soát được hậu phương. Jean-François Dufour tóm tắt : « Trung Quốc hy vọng, bằng cách khiến Taliban lệ thuộc vào họ để khai thác tài nguyên, họ sẽ có thể được yên ổn hành động ở Tân Cương ».

Chính vì lẽ đó, thỏa thuận này giống như một hoạt động đôi bên cùng có lợi. Chế độ Taliban hy vọng rằng đây là bước khởi đầu cho một sự hợp tác mang lại nhiều mối lợi hơn. Vẫn theo chuyên gia Jean-François Dufour, Taliban còn muốn nhắm tới việc khai thác mỏ đồng Mes Aynak, vốn được cho là có trữ lượng tương đương với « gần 1/3 trữ lượng đồng hiện tại của cả Trung Quốc ».

Liệu Bắc Kinh có quan tâm đến việc khai khoáng ? Đây có lẽ là lý do cuối cùng của hợp đồng dầu mỏ lần này, vốn dĩ ít quan trọng hơn so với một thỏa thuận về khai thác mỏ. Đây có thể là một cách để thử phản ứng của cộng đồng quốc tế. Nếu việc nối lại quan hệ Trung Quốc – Afghanistan gây chấn động, chính quyền Trung Quốc luôn có thể sử dụng tập đoàn Dầu lửa và Khí đốt Trung Á (CAPEIC) làm vật tế thần. Còn nếu không ai phản ứng, thì đó sẽ là lúc Trung Quốc khai thác mỏ đồng Mes Aynak tại Afghanistan.

Hồi năm 2008, Tập đoàn luyện kim Trung Quốc (MCC) và Công ty Đồng Giang Tây (Jiangxi Copper Corporation) đã ký hợp đồng trị giá 3 tỉ đô la, khai thác mỏ đồng khổng lồ Mes Aynak trong vòng 30 năm. Theo dự kiến ban đầu, hoạt động khai thác sẽ bắt đầu vào năm 2013 và tạo ra nhiều triệu việc làm. Rốt cuộc, do hoàn cảnh thời đó, dự án đã phải ngưng lại.

Afghanistan, sau 40 năm chiến tranh, là một trong những nền kinh tế yếu kém nhất thế giới, nhưng lại sở hữu trong lòng đất vô số khoáng sản quý giá mang tính chiến lược cho tương lai của thế giới. Báo Pháp Le Figaro ngày 25/08/2021, chỉ ít ngày sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát trở lại Kabul, nhắc lại là Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) hồi năm 2010 đã tiết lộ các nguồn tài nguyên khoáng sản, than đá, dầu lửa, khí đốt, đá quý trong lòng đất Afghanistan trị giá hơn 1.000 tỷ đô la, cao gấp 50 lần GDP của Afghanistan. Lòng đất Afghanistan không chỉ có các kim loại thông thường như sắt, đồng … mà còn chứa các loại kim loại, khoáng sản quý hiếm như colba, lithium, cũng như các loại đất hiếm.

Bài Liên Quan

Leave a Comment