17/01/2023
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2022 đã giảm xuống một trong những mức tồi tệ nhất trong gần nửa thế kỷ qua, do quý IV bị ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt do COVID và sự sụt giảm của thị trường bất động sản, gây áp lực buộc các nhà hoạch định chính sách phải tung ra nhiều biện pháp kích thích hơn trong năm nay.
Tốc độ tăng trưởng hàng quý và một số chỉ số trong tháng 12 như doanh số bán lẻ đã vượt kỳ vọng của thị trường, nhưng các nhà phân tích lưu ý rằng xung lực kinh tế tổng thể trên khắp Trung Quốc vẫn yếu và nhấn mạnh những thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt sau khi nước này đột ngột dỡ bỏ chính sách “không COVID” vào tháng trước.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 2,9% trong quý IV năm 2022 so với một năm trước đó, dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho thấy hôm thứ Ba 17/1, chậm hơn mức 3,9% của quý III. Tỷ lệ này vẫn cao hơn mức 0,4% của quý II và mức 1,8% được dự báo về thị trường.
Việc Bắc Kinh đột ngột nới lỏng các biện pháp chống virus nghiêm ngặt đã thúc đẩy kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế trong năm nay, nhưng nó cũng dẫn đến tình trạng gia tăng mạnh các ca nhiễm COVID mà các nhà kinh tế cho rằng có thể cản trở tăng trưởng trong ngắn hạn. Bất động sản sụt giảm và nhu cầu toàn cầu yếu cũng có nghĩa là sự phục hồi tăng trưởng sẽ phụ thuộc nhiều vào những người tiêu dùng vốn đang rất lo lắng.
“Năm 2023 của Trung Quốc sẽ gập ghềnh, không chỉ vì nước này phải đối mặt với mối đe dọa từ làn sóng COVID-19 mới, mà thị trường bất động sản nhà ở đang xấu đi của nước này và nhu cầu toàn cầu yếu đối với hàng xuất khẩu của nước này sẽ là những lực cản đáng kể”, Harry Murphy Cruise, nhà kinh tế tại Moody\’s Analytics, nhận định.
Đối với năm 2022, GDP tăng 3,0%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu chính thức là “khoảng 5,5%” và giảm mạnh so với mức tăng trưởng 8,4% vào năm 2021. Nếu không tính mức tăng 2,2% sau đợt bùng phát COVID đầu tiên vào năm 2020, đây là mức tồi tệ nhất kể từ năm 1976 – năm cuối cùng của cuộc Cách mạng Văn hóa kéo dài một thập niên đã tàn phá nền kinh tế.
Louise Loo, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Oxford Economics, nhận xét: “Dữ liệu hoạt động trong tháng 12 gây bất ngờ về xu hướng tăng nhưng vẫn yếu, đặc biệt là ở các phân khúc bên cầu như chi tiêu bán lẻ”.
Ông Loo nói thêm rằng: “Dữ liệu cho đến nay ủng hộ quan điểm lâu nay của chúng tôi cho rằng việc mở cửa trở lại của Trung Quốc sẽ chỉ có tác dụng khá yếu ớt ở lúc mở đầu, trong đó, chi tiêu của người tiêu dùng là yếu tố chính gây ra sự trì trệ trong giai đoạn đầu”.
Một cuộc thăm dò ý kiến của Reuters dự báo tăng trưởng của Trung Quốc sẽ phục hồi lên 4,9% vào năm 2023, khi các nhà lãnh đạo nước này chuyển sang giải quyết một số lực cản chính đối với tăng trưởng – là chính sách “không COVID” và suy thoái nghiêm trọng của lĩnh vực bất động sản. Hầu hết các nhà kinh tế kỳ vọng tăng trưởng sẽ tăng từ quý II.
Sự phục hồi mạnh mẽ ở Trung Quốc có thể giảm bớt mức độ nghiêm trọng của một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đã được dự báo, nhưng nó cũng có thể gây ra nhiều vấn đề đau đầu về lạm phát trên toàn thế giới ngay khi các nhà hoạch định chính sách bắt đầu xử lý các đợt tăng giá kỷ lục.