Brazil : Lula và mối quan hệ phức tạp với quân đội

Đăng ngày: 19/01/2023

\"\"
\"\"
Quân đội Brazil dỡ lều trại của những người ủng hộ cựu tổng thống Bolsonaro, tụ tập trước một cơ sở quân sự, đòi lật đổ tổng thống Lula da Silva, ngày 09/01/2023. AFP – MAURO PIMENTEL

Minh Anh

Chủ Nhật, 08/01/2023, tại Brazil, hàng nghìn người ủng hộ cựu tổng thống Jair Bolsonaro ồ ạt chiếm đóng quảng trường Tam Quyền ở Brasilia, đập phá tòa nhà Quốc Hội, Tòa án Tối cao Liên bang và phủ tổng thống. Mục tiêu của những người nổi loạn này là nhằm gây ra những bất ổn đến mức buộc quân đội phải can thiệp, đưa ông Bolsonaro trở lại cầm quyền và bắt giam tổng thống Lula da Silva.

Liệu cú đảo chính bất thành của những người ủng hộ cựu tổng thống cực hữu có sẽ định hình lại mối quan hệ phức tạp giữa Lula và quân đội hay không ? Câu hỏi lớn này được đặt ra sau việc những người nổi loạn cho giăng những khẩu hiệu trên nóc tòa nhà Quốc hội, đòi quân đội can thiệp để đuổi « tên cướp » Lula ra khỏi phủ tổng thống.

Lula trước thách thức thể chế quân sự

Nhưng vài giờ sau đó, chính những quân nhân mà họ sùng bái đã « tóm cổ » người biểu tình và giao nộp cho cảnh sát. Tự nhận mình là « những người thuộc phe Thiện », họ sững sờ khi bị thẩm vấn, bị khám xét trong một sân tập thể thao và bị đối xử như những tên tội phạm. Quân đội đã không đáp trả lời kêu gọi của những người nổi loạn và đã chọn trung thành với tổng thống Lula. Cuộc đảo chính đã không xảy ra như mong muốn của cựu tổng thống Bolsonaro và những người ủng hộ ông.

Dù vậy, theo quan sát của AFP, những cử chỉ này của quân đội Brazil chưa thể xóa tan được nghi ngờ rằng có một sự đồng lõa giữa quân đội, các lực lượng an ninh với những người biểu tình. Bởi vì theo giới truyền thông và nhiều nhà quan sát, cuộc bạo động hôm 08/01 là có thể dự đoán.

Trong vòng hai tháng sau bầu cử tổng thống vòng hai, diễn ra vào cuối tháng 10/2022 với thắng lợi sít sao của ông Lula da Silva (50,9%), những người ủng hộ Jair Bolsonaro đã tố cáo một cuộc bầu cử gian lận. Họ ngăn chặn các trục lộ và yêu cầu ông Bolsonaro ra lệnh cho quân đội can thiệp để hủy kết quả bầu cử. Những người nổi loạn đó còn cắm lều trước các doanh trại quân đội ở nhiều nơi trên toàn quốc, mà không gặp một phản ứng nào từ giới quân nhân, cho đến khi nổ ra cuộc bạo động tại Brasilia hôm 08/01.

Theo đánh giá của Thiago Amparo, giáo sư ngành Luật Quốc tế và Nhân quyền, trường đại học Sao Paolo, đây sẽ là thách thức chính, những thách thức về thể chế mà Lula da Silva phải đối mặt trong nhiệm kỳ này. Trên kênh truyền hình độc lập Democracy Now của Mỹ, giáo sư Thiago Amparo trước hết giải thích :

« Doanh trại là những khu vực quân sự, thường dân không được tụ tập bên ngoài các khu vực đó. Do vậy, trước hết, đây là một thách thức về thể chế, bởi các giới chức quân đội đang chống lại bất kỳ hình thức can thiệp nào từ cảnh sát và chính quyền ở những khu vực đó. Sau quyết định của Tòa Án Tối Cao, đúng vào giữa lúc hỗn loạn, họ quyết định rằng những lều trại đó phải được dỡ bỏ. Phản ứng đầu tiên của quân đội tại Brasilia là không cho phép cảnh sát đi vào khu vực này.

Vì vậy, đã có một cuộc thương lượng để cho phép cảnh sát vào khu vực này thi hành công vụ, giải tán người biểu tình. Tuy nhiên, có rất nhiều người tham gia xâm chiếm các tòa nhà công quyền ở thủ đô đã quay trở lại và được phép ở lại trại. Rõ ràng có một sự căng thẳng về thể chế, giữa cảnh sát, lực lượng an ninh và quan chức quân đội. Nhiều người trong số họ là ủng hộ cựu tổng thống Bolsonaro. »

Quan hệ giữa Lula và quân đội : « Chiến tranh và hòa bình » ?

Kênh truyền hình France 24, trong một bài viết trước khi diễn ra cuộc bầu cử từng nhắc lại rằng, mối quan hệ giữa Lula với quân đội không phải lúc nào êm thắm. Đảng Lao Động Brazil của ông được thành lập trong giai đoạn chống chế độ độc tài quân phiệt. Bản thân ông cũng từng bị tập đoàn quân sự kết án tù trong những năm 1970-1980 vì những hoạt động đấu tranh công đoàn.

Nhưng điều đó không ngăn cản Lula, trong suốt hai nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên (2003-2011), phải luôn chăm chút định chế quân sự Brazil khi cho tăng các khoản ngân sách hay cho phép quân đội tham gia các chiến dịch quốc tế trong khuôn khổ Liên Hiệp Quốc. Thậm chí, năm 2010, dưới nhiệm kỳ tổng thống của ông, chiến dịch quân sự đầu tiên « bình định » các khu ổ chuột đã được bắt đầu ở phía bắc Rio de Janeiro, thành phố lớn thứ hai đông dân nhất của Brazil.

Nổi tiếng là một nhà đàm phán tài ba, Lula chưa bao giờ xung đột với quân đội trong suốt thời gian cầm quyền. Ngược lại, bà Dilma Rousseff, người kế nhiệm ông, lại khơi dậy thái độ thù nghịch chống lại cánh tả của quân đội, khi cho thành lập một Ủy ban Sự thật Quốc gia năm 2011, đảm trách đưa ra ánh sáng những tội ác của tập đoàn quân sự trong giai đoạn 1964-1985.

Năm 2018, tướng Eduardo Villas Bôas, tổng tư lệnh quân đội, trên mạng xã hội Twitter, đã đe dọa Tòa Án Tối Cao nếu định chế này không tuyên bố là Lula không đủ tư cách ra tranh cử tổng thống. Một giai đoạn « đoạn tuyệt » đã xảy ra, Lula yêu cầu quân đội phải « tiết chế – không can thiệp vào chính trị » quay trở lại với vai trò hiến định.

Jair Bolsonaro và mối quan hệ « trục lợi » của quân đội

Nhưng người tiền nhiệm ông, Jair Bolsonaro, vốn xuất thân là một quân nhân, khi lên cầm quyền năm 2018, đã cho phép những quân nhân rời chính trường kể từ khi chế độ độc tài quân phiệt chấm dứt năm 1985 được trở lại tham gia chính sự. Khoảng 1/3 số bộ trưởng trong chính phủ Bolsonaro là các tướng lĩnh và hơn 6.000 quân nhân đã được bổ nhiệm vào bộ máy hành chính.

Tuy lợi dụng được thắng lợi của Bolsonaro để yên vị trong guồng máy quyền lực, quân đội vẫn duy trì những mối liên hệ có khoảng cách nhất định với cựu tổng thống, nhất là khi Bolsonaro có ý định đình chỉ các định chế, quay trở lại với chế độ quân sự. Họ lo lắng gìn giữ các vị trí và lợi ích mới có được khi tìm cách đặt mình vào vị thế trung gian trong cuộc đối đầu giữa Lula và Bolsonaro trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2022.

Và đó cũng từng là một thông điệp mạnh mẽ mà quân đội từng gởi đi sau cuộc bầu cử nhưng đã bị Jair Bolsonaro phớt lờ, theo như nhận định từ nhà báo David Gormezano, từng là thông tín viên kênh truyền hình quốc tế France 24 tại châu Mỹ La tinh.

« Đảo chính đã không xảy ra, bởi vì quân đội đã từng gởi đi những tín hiệu mạnh mẽ đến Jair Bolsonaro rằng trong trường hợp có kêu gọi can thiệp quân sự từ những người ủng hộ Bolsonaro, quân đội sẽ không đáp ứng lời kêu gọi đó. Nhiều người cho rằng sự im lặng của ông Bolsonaro trong vòng 48 giờ sau thất bại bầu cử tổng thống có lẽ là thời gian mà ông ấy tìm cách thương lượng, thăm dò ý định của giới quân nhân xem họ có ủng hộ việc tiến hành đảo chính.

Rõ ràng là Bolsonaro đã không nhận được phản ứng nào từ phe quân đội, lo gìn giữ những lợi lộc mà họ có được trong suốt nhiệm tổng thống Bolsonaro, hơn là lao vào một mưu toan đảo chính vốn dĩ không được dung thứ ở Brazil, cũng như là ở bên ngoài như Hoa Kỳ, châu Âu và nhiều quốc gia khác. »

Chiến lược dung hòa của Lula thất bại ?

Làm thế nào dung hòa với một thể chế quân sự vốn dĩ đã tham gia sâu rộng vào bộ máy nhà nước dưới thời ông Jair Bolsonaro, đứng đầu nhiều bộ ngành, cũng như nhiều vị trí chủ chốt trong chính phủ và doanh nghiệp nhà nước ? Cuộc nổi dậy của những người ủng hộ Bolsonaro đưa Lula trở về với một thực tiễn không được trông đợi, khi ưu tiên hàng đầu của ông là hòa giải một nước Brazil bị chia rẽ sâu sắc, một nhiệm vụ cũng không mấy dễ dàng.

Để cho công cuộc hòa giải với quân đội được thành công, tổng thống Lula da Silva đã chọn ông José Mucio, một chính khách kỳ cựu, thuộc cánh hữu ôn hòa, làm bộ trưởng Quốc Phòng. Nhân vật này được cho là một nhà đàm phán khôn khéo, chưa bao giờ làm phật lòng ai. Quyết định bổ nhiệm ông José Mucio còn được diễn giải rộng rãi như là một cử chỉ của Lula nhằm trấn an quân đội.

« Đó là một người phù hợp để mối quan hệ giữa ông với quân đội luôn nằm trong tầm kiểm soát », như vậy ông có thể chăm lo vấn đề kinh tế mà không phải bận tâm nhiều về mối quan hệ giữa quân đội và dân sự, chí ít là trong những tháng đầu tiên của nhiệm kỳ, theo như giải thích của nhà chính trị học Olivier Stuenkel, Quỹ Getulio Vargas tại Sao Paolo.

Tuy nhiên, chiến lược hòa giải này của tổng thống Lula có lẽ đã thất bại. José Mucio dường như đã tạo thuận lợi, hoặc đã không làm gì nhiều để ngăn chặn cuộc tấn công của những người ủng hộ Bolsonaro.

Lula hay quân đội : Quyền lực bên nào được củng cố ?

Câu hỏi đặt ra : Sau biến cố này, vị thế của ai, Lula hay quân đội, sẽ được củng cố ? Trong vấn đề này, có hai quan sát đối nghịch nhau. Nhà báo David Gormezano lo lắng cho rằng vai trò của quân đội tại Brazil sẽ còn được củng cố trước nhiều nguy cơ xáo động đời sống chính trị ở Brazil.

« Giới quân nhân đã có được nhiều quyền lực mới trong suốt nhiệm kỳ tổng thống Bolsonaro. Họ từng bị gạt ra bên lề đời sống chính trị sau khi chế độ độc tài quân sự chấm dứt. Tuy nhiên, ông Lula có những mối quan hệ thân mật với nhiều lãnh đạo quân đội trong suốt hai nhiệm kỳ tổng thống trong những năm 2000. Nhưng họ lại có nhiều phát ngôn trong đời sống chính trị những năm gần đây. Quân đội đã có nhiều vị trí mới và hơn bao giờ hết quân đội sẽ có một vai trò quyết định trong thời gian sắp tới.

Bởi vì người ta thấy là an ninh ở Brasilia bây giờ do quân đội đảm trách với sắc lệnh do chính tổng thống Lula ban hành tối 08/01. Quân đội kể từ giờ có thể có một vai trò còn quan trọng hơn những gì họ có dưới thời ông Bolsonaro. Bởi vì người ta đã yêu cầu chính quân đội để kiểm soát và ngăn chặn những kẻ cực đoan, những người ủng hộ Bolsonaro hết mình đang tìm cách đảo lộn trò chơi dân chủ và đương nhiên, một lần nữa tìm cách cản trở, gây ra những biến loạn mới trong đời sống chính trị Brazil. »

Ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng, cuộc bạo động vừa qua còn củng cố hơn nữa quyền lực của Lula da Silva. Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình GloboNews hôm 18/01, đương kim tổng thống Brazil mạnh mẽ chỉ trích các lực lượng an ninh : « Chúng tôi đã phạm một sai lầm cơ bản : Cơ quan tình báo của tôi đã không tồn tại (vào ngày đó). Chúng ta có cơ quan tình báo quân đội, cơ quan tình báo không quân và cơ quan phản gián quốc gia, nhưng không ai trong số họ cảnh báo tôi cả. »

Gần hai tuần sau cuộc bạo động, Lula da Silva tiếp tục thanh lọc bộ máy quân sự phục vụ hành pháp. Tờ Công Báo của chính phủ hôm thứ Tư 18/01 thông báo : 13 binh sĩ phụ trách an ninh đã bị sa thải. Những người này trực thuộc Nội các An ninh Thể chế (GSI), một cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm hỗ trợ nguyên thủ quốc gia trong chính sách an ninh và quốc phòng của tổng thống Lula. Tin tức này được đưa ra một ngày sau thông báo sa thải 40 binh sĩ được chỉ định đến bảo vệ Alvorada, dinh thự tổng thống.

Gaspard Estrada, giám đốc Đài Quan Sát Chính Trị Châu Mỹ La-tinh và Vùng Biển Caribê phân tích, những sự kiện này đang đặt Lula trong thế năng động mới, thoát khỏi vị thế mập mờ và có những lập trường rõ ràng hơn với quân đội. Trả lời câu hỏi France 24, ông giải thích : « Lula đang khẳng định quyền lực của mình ông giới quân sự. Từ hôm thứ Hai, 09/01, quân đội quả thật đã bắt đầu giải tán các cuộc tụ tập của những người kêu gọi đảo chính từ nhiều tháng qua. »

Từ những quan sát trên, nhà chính trị học Olivier Stuenkuel, kết luận rằng đặc ân trở lại chính trường của quân đội diễn ra cùng với việc Bolsonaro lên cầm quyền là sản phẩm của những mối quan hệ phức tạp giữa dân sự và quân đội. Theo ông, « Brazil chưa bao giờ có một cái nhìn trung thực về thời kỳ chế độ độc tài quân sự, khi đã không buộc quân đội phải có những lời xin lỗi công khai hay nói ra sự thật về những gì đã diễn ra vào thời điểm đó. Brazil đang hứng chịu một thời kỳ chuyển đổi hài hòa quá mức (từ chế độ độc tài sang dân chủ), mà không có ý chí cần thiết để nhìn lại quá khứ, như tại Achentina ! »

Bài Liên Quan

Leave a Comment