Các tổ chức quốc tế ra chiến dịch kêu gọi phóng thích ông Đặng Đình Bách

20/01/2023


\"Chân
Chân dung ông Đặng Đình Bách đăng trên trang chiến dịch vận động mang tên ông. Photo StandwithBach.org.

Các tổ chức phi chính phủ quốc tế đang hợp lực nhằm đánh động dư luận, trong đó có cả nhóm G-7, để gây áp lực buộc chính phủ Việt Nam trả tự do cho luật sư môi trường Đặng Đình Bách, người đang thụ án tù 5 năm vì cáo buộc “Trốn thuế”.

Nhiều tổ chức xã hội dân sự bao gồm Global Witness (Nhân chứng Toàn cầu), Friends of the Earth US (Bạn hữu của trái đất ở Mỹ), Earthrights International (Quyền trái đất Quốc tế), International Land Coalition (Liên minh Đất đai Quốc tế), Grassroots Foundation (Quỹ cấp cơ sở) và International Rivers (Sông Quốc tế) đang hỗ trợ chiến dịch này và kêu gọi Chính phủ Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho ông Bách.

Coalition for Human Rights in Development (Liên minh vì Nhân quyền đang phát triển), là liên minh gồm các tổ chức nêu trên, vừa ra mắt một trang web mang tên ông Bách standwithbach.org và các đợt vận động truyền thông trên mạng xã hội khi phát động chiến dịch này, nhân dịp đúng một năm ngày ông bị kết án tù tại Việt Nam, ngày 24/1.

Cộng đồng quốc tế đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến ở Việt Nam và sẽ tiếp tục tận dụng mọi cơ hội để gây áp lực lên chính phủ Việt Nam nhằm trả tự do cho những người bảo vệ môi trường đang bị cầm tù và dỡ bỏ các hạn chế đối với xã hội dân sự.

Ông Philip Bedall, Giám đốc Chương trình thuộc tổ chức Grassroots Foundation.

“Với chiến dịch này, chúng tôi muốn cho thấy: Cộng đồng quốc tế đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến ở Việt Nam và sẽ tiếp tục tận dụng mọi cơ hội để gây áp lực lên chính phủ Việt Nam nhằm trả tự do cho những người bảo vệ môi trường đang bị cầm tù và dỡ bỏ các hạn chế đối với xã hội dân sự”, ông Philip Bedall, Giám đốc Chương trình thuộc tổ chức Grassroots Foundation, cho biết trong email gửi cho VOA hôm 20/1.

\"Nhà
Nhà hoạt động môi trường Đặng Đình Bách. Photo StandwithBach.org

Bà Lorena Cotza, lãnh đạo Truyền thông của liên minh Coalition for Human Rights in Development, viết cho VOA qua email: “Sẽ không thể có sự phát triển bền vững nếu những người bảo vệ nhân quyền không được bảo vệ và hỗ trợ”.

“Các cam kết về tính bền vững hoặc chuyển đổi năng lượng chỉ là những lời sáo rỗng, nếu các cộng đồng cơ sở và các nhà hoạt động – những người đang làm một công việc dũng cảm, quý giá để bảo vệ hành tinh của chúng ta và đấu tranh cho nhân quyền – cuối cùng lại bị bỏ tù vì những cáo buộc sai trái”, bà Cotza cho biết thêm.

Nếu chúng ta muốn có một quá trình chuyển đổi năng lượng tốt hơn, thực sự mang lại lợi ích cho mọi người, thì hơn bao giờ hết chúng ta cần bảo vệ, hỗ trợ và sát cánh cùng những người bảo vệ quyền môi trường như ông Bách.

Bà Loren Cotza nhận định với VOA

“Nếu chúng ta muốn có một quá trình chuyển đổi năng lượng tốt hơn, thực sự mang lại lợi ích cho mọi người, thì hơn bao giờ hết chúng ta cần bảo vệ, hỗ trợ và sát cánh cùng những người bảo vệ quyền môi trường như ông Bách”, đại diện truyền thông của liên minh cho biết thêm.

Trong một thông cáo báo chí dự kiến sẽ công bố vào ngày 24/1 mà VOA được xem trước, nhóm này cho biết cũng đang yêu cầu các quốc gia G-7, nhóm các quốc gia tài trợ nhiều tỷ đôla cho quá trình chuyển đổi năng lượng chính đáng của Việt Nam, hãy ủng hộ lời kêu gọi này vì rằng “sẽ không thể thực hiện thành công quá trình chuyển đổi trong khi các nhà lãnh đạo môi trường và khí hậu như Bách còn bị giam cầm”.

“Việc tống giam ông Bách và những người khác không gì khác hơn là một cuộc tấn công chiến lược vào các quyền và tự do của xã hội dân sự ở Việt Nam. Pháp luật về thuế được sử dụng như một vỏ bọc chính trị để tước đi cơ hội tiếp tục công việc của các nhà hoạt động môi trường”, ông Bedall nêu nhận định với VOA.

VOA cố gắng liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra ý kiến về chiến dịch này, nhưng chưa được phản hồi.

Một tòa án ở Hà Nội vào ngày 24/1/2022 xử ông Đặng Đình Bách, giám đốc Trung tâm nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững (LPSD) và một trong những thành viên của nhóm Tư vấn của Việt Nam về Hiệp định Thương mại Tư do với Liên minh châu Âu (EVFTA), và tuyên ông 5 năm tù giam về tội “Trốn thuế”. Một phiên xử phúc thẩm vào ngày 11/8/2022 giữ nguyên bản án này.

Trang vận động cho ông Bách viết rằng bản án này được đưa ra sau khi ông lãnh đạo chiến dịch giảm sự phụ thuộc vào than đá của Việt Nam. “Ông không được xét xử công bằng. Ông chỉ được phép gặp luật sư của mình sau khi bị bắt 7 tháng. Ông bị xét xử trong một phiên tòa kín dẫn đến một bản án khắc nghiệt hơn nhiều so với thông thường đối với những người bị buộc tội trốn thuế ở Việt Nam”, trang này viết.

Ngoài ra, các chuyên gia của Liên Hợp Quốc nhận rằng việc truy tố ông Bách có động cơ chính trị. Bản thân ông khẳng định mình vô tội và đã tham gia nhiều cuộc tuyệt thực để phản đối việc bị giam giữ bất công, vẫn theo thông tin trên trang vận động chiến dịch.

“Tôi không bao giờ tưởng tượng được rằng anh Bách sẽ đi tù vì công việc mà anh ấy làm. Gia đình tôi đã sống trong sự hoang mang, lo lắng đến cực độ về sức khỏe, về tính mạng của chồng tôi”, bà Trần Phương Thảo, vợ ông Bách, nói trong một video được chiến dịch đăng tải.

Bà Maureen Harris, Cố vấn Cấp cao của Tổ chức International Rivers cho biết trong thông cáo báo chí: “Ông Bách là một trong số các nhà lãnh đạo môi trường bị buộc tội “Trốn thuế”, một cáo buộc đang ngày càng được sử dụng để bịt miệng xã hội dân sự ở Việt Nam. Việc hình sự hóa ngày càng tăng đối với các nhà hoạt động môi trường ở Việt Nam phải được chấm dứt”.

Vào tháng 12/2022, nhóm G-7 và Việt Nam đạt thỏa thuận khí hậu trị giá 15,5 tỷ đô la để cắt giảm nguồn sử dụng than đá. Các quốc gia bao gồm Vương quốc Anh, Liên minh châu Âu, Pháp, Đức, Mỹ, Italy, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch, đã thống nhất một chương trình quan hệ đối tác về chuyển dịch năng lượng công bằng với Việt Nam (gọi tắt là JETP), theo đó giúp nước này đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

“Thật sốc khi những người bảo vệ môi trường ở Việt Nam đang bị bỏ tù vì đã làm việc để bảo vệ người dân Việt Nam bình thường khỏi những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu hoặc để đảm bảo Việt Nam nhanh chóng hướng tới quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, giá cả phải chăng”, bà Shruti Suresh, Giám đốc Chiến lược Chiến dịch Bảo vệ Đất đai & Môi trường thuộc tổ chức Global Witness cho biết.

Bà Suresh nhấn mạnh: “Các quốc gia G-7 hỗ trợ chương trình JETP của Việt Nam phải đảm bảo rằng xã hội dân sự và những người bảo vệ môi trường ở Việt Nam có thể tham gia một cách có ý nghĩa vào quá trình này và không bị trừng phạt”.

Bài Liên Quan

Leave a Comment