Đăng ngày: 21/01/2023
Từ Việt Nam, cho đến Trung Quốc, Hàn Quốc hay Singapore, khoảng 2 tỷ người ở nhiều nước ở châu Á chuẩn bị đón giao thừa hôm nay, 21/01/2023. Đây là một trong những dịp lễ lớn nhất của năm, một dịp để hội tụ với người thân, gia đình, trong bối cảnh các hạn chế dịch tễ được dỡ bỏ ở nhiều nơi. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể dự lễ đoàn viên dịp năm mới vì nhiều lý do, trong đó có áp lực từ những câu hỏi « tế nhị ».
Sau 3 năm đại dịch Covid-19 bao trùm trong các dịp lễ đoàn viên cổ truyền, đây là năm đầu tiên người dân từ nhiều nước có thể tự do di chuyển, trở về đoàn tụ cùng người thân mà không phải lo lắng về hạn chế dịch tễ. Tại Hàn Quốc, kỳ nghỉ lễ năm mới, hay còn gọi Seollal, kéo dài từ ngày 21 đến 24 tháng Giêng, tức ngày 30 đến mồng 3 Tết theo lịch âm.
Hôm qua, một ngày trước giao thừa, quan chức nước này đã thông báo dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở các nơi như bệnh viện hay phương tiện công cộng, một trong những hạn chế dịch tễ cuối cùng của nước này, được áp đặt từ năm 2020. Trang Koreaherald cho biết khoảng 5 triệu xe cộ di chuyển từ đường quốc lộ hôm nay, trong đó 500 000 phương tiện rời khỏi thủ đô Seoul, đến các tỉnh thành khác.
Tại Trung Quốc, mặc dù chính sách Zero Covid đã bị dỡ bỏ, người dân có thể tự do di chuyển mà không lo bị cách ly, nhưng nhiều người quyết định không về đoàn viên với người thân trọng dịp này. Thông tín viên RFI Stéphan Lagarde ở Trung Quốc ghi nhận nhiều công nhân trong lĩnh vực giao hàng vẫn tiếp tục ở lại Bắc Kinh làm việc.
Áp lực xã hội của người trẻ mỗi dịp Tết đến xuân về
Tại Bắc Kinh, những tài xế taxi không về quê mà ở lại thủ đô, tất bật với vô số đơn đặt xe vì không có nhiều taxi hoạt động. Ví dụ như trường hợp của một tài xế trẻ, không muốn về vì mệt mỏi với áp lực truyền thống gia đình : « Khi mà bạn có 10 bố mẹ vây quanh và không ngừng đặt câu hỏi : « Con có muốn mọi người giới thiệu cho ai không ? Công việc ra sao, kiếm được bao nhiêu tiền ? Cần phải kết hôn đi ! ».
Không chỉ tại Trung Quốc, những câu hỏi tương tự cũng là áp lực của một số người trẻ ở Việt Nam trong dịp Tết Quý Mão. Cô Trần Linh, vào sinh sống tại Sài Gòn từ năm 2020, đã quyết định không về Hà Nội ăn Tết vào năm nay. Ngoài lý do giá vé máy bay quá cao và bận công việc. Cô Linh cho biết :
« Năm nay tôi 27 tuổi, mà chưa kết hôn ở Việt Nam thì tôi cũng bị cho là người quá lứa lỡ thì, bởi vì có những người bằng tuổi tôi đã có 2 con rồi. Khi về quê, về Hà Nội, thì mọi người sẽ hỏi tôi rất nhiều, những câu hỏi như là bao giờ lấy chồng, bao giờ cưới, bao giờ sinh con, lương tháng thế nào, sắp tới mua nhà mua xe ra sao.
Thực sự là đối với một người trẻ như tôi thì những câu hỏi này là một gánh nặng, khiến Tết trở nên nặng nề hơn. Dù sao thì tôi nghĩ rằng đó là những câu hỏi mà mọi người quan tâm tới mình thôi. Nhưng khi nhiều người hỏi thì đó là áp lực khiến tôi khá là ngại không thoải mái khi tiếp xúc với bạn bè, họ hàng hay là hàng xóm hay những người xung quanh. »
Cô Linh cũng cho biết, dù có khó chịu hay không thoải mái, nhưng khi xét đến sự mong chờ của gia đình bố mẹ khi có đủ đầy thành viên, hay những niềm vui khác khi đón Tết ở quê nhà, cô vẫn mong muốn được trở về nhà đón Tết cùng gia đình vào những năm sau.