Năm mới, chúc… \’Từ năm tới, có sao nói vậy, nói sao làm vậy\’

23/01/2023


\"Về
Về lý, bà Võ Thị Ánh Xuân – Quyền Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN – là nguyên thủ nhưng không đủ tư cách phát thông điệp chúc mừng năm mới. Năm nay, ông Nguyễn Phú Trọng tuy chỉ là Tổng Bí thư của đảng cầm quyền đã giành lấy quyền này.

Nhìn một cách tổng quát, cách thức cũng như nội dung thông điệp chúc mừng năm mới của nguyên thủ nhiều quốc gia ở khu vực Đông Á (bao gồm cả Đông Nam Á) khác hẳn phương thức và nội dung mừng năm mới của giới lãnh đạo Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Cũng đón năm mới âm lịch như Việt Nam nên thời điểm này, nguyên thủ nhiều quốc gia ở khu vực Đông Á cũng gửi thông điệp chúc mừng năm mới đến đồng bào của họ. So sánh những thông điệp đó với diễn văn mừng năm mới của ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư đảng CSVN ắt sẽ thấy vài khác biệt quan trọng…

***

Bà Thái Anh Văn (Tổng thống Đài Loan), ông Lý Hiển Long (Thủ tướng Singapore) có lẽ là những nguyên thủ gửi thông điệp chúc mừng năm mới dài nhất (khoảng 400 chữ).

Sau khi bày tỏ hy vọng “mọi người ở Đài Loan và tất cả bạn bè đang ăn mừng Tết Nguyên đán trên khắp thế giới một năm mới hạnh phúc”. Tổng thống Đài Loan xác nhận: “Năm nay sẽ còn nhiều thách thức như COVID-19, lạm phát toàn cầu, tái cấu trúc chuỗi cung ứng” và cam kết “chính quyền của chúng ta sẽ làm hết sức mình để đương đầu với những thách thức đó”. Cụ thể sẽ “đối mặt với các cuộc xâm nhập thường xuyên chiến hạm và chiến đấu cơ của Trung Quốc cũng như các cuộc tập trận quân sự của họ quanh Đài Loan”. Thay mặt chính phủ Đài Loan, bà Văn hứa sẽ “kiên định với việc bảo vệ hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan cũng như trên toàn khu vực”.

Trong thông điệp mừng năm mới Tổng thống Đài Loan bày tỏ sự biết ơn đối với “quân đội đang làm hết sức mình để duy trì an ninh quốc gia và bảo vệ tổ quốc” , với “anh chị em trong lực lượng vũ trang vì những nỗ lực của họ”, với “tất cả sĩ quan cảnh sát, lính cứu hỏa, nhân viên y tế và nhân viên của các doanh nghiệp nhà nước, cũng như tất cả những người làm việc trong các ngành nghề khác nhau vẫn đang làm nhiệm vụ và những người sẽ tiếp tục phục vụ công chúng”. Bà Thái Anh Văn nhấn mạnh “sự biết ơn với tất cả đồng bào vì những nỗ lực trong năm qua và cam kết “chính phủ của chúng ta sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế, bảo vệ chủ quyền và gìn giữ hòa bình”, đồng thời mời gọi “tham gia cùng chúng tôi trong những nỗ lực không ngừng của chúng tôi để tạo ra một Đài Loan tốt đẹp hơn” (1).

Ông Lý Hiển Long thì bày tỏ sự hoan hỉ vì “sau gần ba năm chiến đấu với đại dịch, chúng ta có thể tiếp tục đón Tết Nguyên đán một cách trọn vẹn”.

Điều đầu tiên Thủ tướng Singapore nêu ra với dân chúng là “đừng quên công sức và sự hy sinh của những người đang chiến đấu ở tuyến đầu chống lại COVID-19 và giữ cho Singapore tiếp tục phát triển”. Theo ông: “Hãy cảnh giác ngay cả khi chúng ta ăn mừng. Sức khỏe là của cải lớn nhất. Chúng ta phải tiếp tục quan tâm đến nhau và thực hiện trách nhiệm xã hội... Trải nghiệm COVID-19 khiến chúng ta trân trọng gia đình và những người thân yêu của mình hơn. Gia đình là cốt lõi của xã hội chúng ta và các gia đình mạnh mẽ là trung tâm của một xã hội ổn định, kiên cường”. Năm 2022 là năm Singapore “tôn vinh các gia đình” và ông Long giới thiệu kế hoạch để năm 2025 trở thành “Singapore – nơi dành cho gia đình” nhằm thúc đẩy toàn quốc hỗ trợ các gia đình trong mọi giai đoạn của cuộc đời.

Theo Thủ tướng Singapore: “Tất cả chúng ta đều có thể góp phần xây dựng một xã hội nơi mọi gia đình đều được coi trọng và hỗ trợ. Các công ty có thể sắp xếp công việc linh hoạt và nuôi dưỡng văn hóa nơi làm việc đáng khích lệ hơn. Các đối tác cộng đồng có thể tập hợp các nguồn lực để chúc mừng và nâng đỡ các gia đình. Mỗi người cũng nên quý trọng thời gian dành cho gia đình và đặt thời gian đó lên hàng đầu”. Ông Long bày tỏ sự vui mừng khi “nhiều người trẻ vẫn coi hôn nhân và làm cha mẹ là những mục tiêu quan trọng trong cuộc sống” và cam kết “chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ các bậc cha mẹ quản lý áp lực nuôi dạy con cái và mang đến cho mỗi đứa trẻ một khởi đầu tốt đẹp”, đồng thời hứa sẽ công bố “những thay đổi tiếp theo trong những tháng tới” và nhắn các cặp vợ chồng “hãy cố gắng hết sức trong năm mới”!

***

Thông điệp mừng năm mới Âm lịch của nguyên thủ Indonesia, Malaysia, Philippines, Nam Hàn ngắn hơn và kêu gọi chú trọng nhiều hơn đến những khác biệt…

Ở Indonesia – quốc gia mới chỉ xem Tết Âm lịch là “Ngày lễ quốc gia” từ 2003 (trước đó, Indonesia cấm đón mừng Tết Nguyên đán vì sợ rằng những thứ có liên quan đến Trung Cộng sẽ tạo ra ảnh hưởng nguy hại cho an ninh quốc gia), Phó Tổng thống Ma\’ruf Amin kêu gọi tất cả mọi người dù có theo Nho giáo hay không cũng hãy nhớ đến tinh thần Tết Nguyên đán, dùng nhiệt huyết, duy trì sự hòa hợp, đoàn kết để cùng nhau vượt qua những khó khăn, thách thức giúp Indonesia thịnh vượng hơn (4).

Tại Malaysia, nơi các công dân gốc Hoa chiếm tỉ lệ đáng kể, đón mừng năm mới âm lịch là lễ hội kéo dài đến 15 ngày (Chap Goh Mei), Quốc vương và Hoàng hậu Malaysia là những người gửi thông điệp đón chào năm mới. Họ cầu chúc dân chúng Malaysia một năm nhiều niềm vui, hạnh phúc, thịnh vượng và khỏe mạnh.Họ cũng bày tỏ hi vọng Chap Goh Mei sẽ giúp gia tăng thiện chí, đoàn kết và sự bao dung giữa các cộng đồng khác nhau ở Malaysia (5).

Tương tự, tại Philippines, trong thông điệp mừng năm mới, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. bày tỏ hi vọng “qua những lễ hội như thế này, chúng ta có thể nhận ra những mối quan hệ ràng buộc chúng ta với nhau như một gia đình, một cộng đồng và một quốc gia. Một bình minh mới tượng trưng cho những ước nguyện vô biên của chúng ta về sự thịnh vượng của mỗi người và cho xã hội của chúng ta”. Ông Marcos kêu gọi dân chúng: “Chú ý đến sự phong phú về văn hóa và lịch sử đã làm cho quốc gia của chúng ta trở thành một xã hội đầy màu sắc và sôi động như ngày nay. Chú tâm vào mối quan hệ cho phép chúng ta chống chọi với mọi thách thức và vượt qua thử thách. Ngày tốt lành này không chỉ nhắc chúng ta về phước phần chúng ta đang có mà còn truyền cảm hứng để chúng ta quan tâm sâu sắc hơn tới những người kém may mắn trong cuộc sống. Hãy cùng hy vọng về một ngày mai tốt đẹp hơn” (6).

Còn Nam Hàn – quốc gia mới chỉ khôi phục việc chào đón Tết Nguyên đán 37 năm (1985), Tết Nguyên đán là dịp để Tổng thống Yoon Suk Yeol tái khẳng định cam kết của ông cải thiện sinh kế của dân chúng và chăm sóc những người dễ bị tổn thương. Ông Yoon nhấn mạnh: Chính phủ sẽ chăm sóc những đồng bào nghèo khó một cách nhiệt thành và tỉ mỉ hơn trong năm mới và sẽ nỗ lực hết mức để có thể tạo ra một “bước nhảy vọt” trong năm mới (7).

***

Nhìn một cách tổng quát, cách thức cũng như nội dung thông điệp chúc mừng năm mới của nguyên thủ nhiều quốc gia ở khu vực Đông Á (bao gồm cả Đông Nam Á) khác hẳn phương thức và nội dung mừng năm mới của giới lãnh đạo Cộng hòa XHCN Việt Nam. Về lý, bà Võ Thị Ánh Xuân – Quyền Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN – là nguyên thủ nhưng không đủ tư cách phát thông điệp chúc mừng năm mới. Năm nay, ông Nguyễn Phú Trọng tuy chỉ là Tổng Bí thư của đảng cầm quyền đã giành lấy quyền này.

Bất kể suốt năm các hệ thống từ trung ương tới địa phương liên tục xáo trộn vì lựa chọn, sắp đặt nhân sự – nhân sự cả mới lẫn cũ cùng tham nhũng – luân phiên tổ chức “họp bất thường” để xử lý – sắp đặt lại nhân sự mới lựa chọn,… vì vậy kinh tế trì trệ hơn, doanh nghiệp lớp phá sản, lớp tạm ngưng hoạt động, còn hoạt động thì chỉ cầm chừng, thất nghiệp tràn lan, nông sản ứ đọng, gửi người đi làm thuê ở ngoại quốc được xem như lối thoát sáng sủa nhất cho kinh tế và xã hội, chưa bao giờ không khí Tết ảm đạm như năm nay… nhưng trong diễn văn mừng năm mới, ông Trọng vẫn khẳng định đó là… “kết quả, thành tích và đóng góp to lớn”, đồng thời ra lệnh “toàn đảng, toàn dân, toàn quân cần tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết thống nhất, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ hơn nữa công cuộc đổi mới” (8).

Khi thực trạng năm vừa qua đã như ai cũng biết mà vẫn xem là “thành tích và đóng góp to lớn”, nếu dựa trên… “nền tảng” đó để hành động trong năm mới theo kiểu tư duy của ông Nguyễn Phú Trọng, chắc chắn “quyết tâm mới, khí thế mới, tiến bộ mới, nhiều thắng lợi mới” chỉ có thể là những hậu quả mới, trầm trọng hơn. Nếu còn đinh ninh phải “trông người, ngẫm đến ta”, điều duy nhất để chúc ông Trọng và hệ thống chính trị, hệ thống công quyền do ông dẫn dắt là: “Từ năm tới, có sao nói vậy, nói sao làm vậy” như… thiên hạ! Chỉ như vậy may ra mới khá. Còn vẫn khăng khăng làm khác thì nên thôi chúc “nhà nhà vui tươi, người người hạnh phúc”.

Bài Liên Quan

Leave a Comment