Các tổ chức quốc tế kêu gọi G7 áp lực Việt Nam trả tự do cho luật sư Đặng Đình Bách

2023.01.24
RFA

\"CácLuật sư Đặng Đình Bách

Ảnh gia đình cung cấp

Một nhóm gồm nhiều tổ chức phi chính phủ quốc tế về môi trường thúc giục Nhóm Bảy quốc gia công nghiệp hóa (G7) ủng hộ lời kêu gọi trả tự do cho ông Đặng Đình Bách vì \”sẽ không thể thực hiện thành công quá trình chuyển đổi (năng lượng sạch-PV) trong khi các nhà lãnh đạo môi trường và khí hậu như ông Bách đang ở trong tù.\”

Sở dĩ có lời kêu gọi này do Chính phủ Việt Nam hồi tháng 12 năm ngoái đồng ý nhận gói ngân sách 15,5 tỷ USD từ G7 để cắt giảm điện than và chuyển dần sang năng lượng sạch.

Tuyên bố chung của các tổ chức đưa ra hôm 24/1/2023, đúng một năm ngày ông Bách bị kết án năm năm tù với tội danh \”trốn thuế\” vì các hoạt động nhằm cổ suý bảo vệ môi trường, giảm nhiệt điện than.

Các tổ chức này, trong đó có Global Witness (Nhân chứng Toàn cầu), Friends of the Earth US (Bạn hữu của trái đất ở Mỹ), Earthrights International (Quyền trái đất Quốc tế), International Land Coalition (Liên minh Đất đai Quốc tế), Grassroots Foundation (Quỹ cấp cơ sở), và International Rivers (Sông Quốc tế),… ra mắt trang web standwithbach.org và chiến dịch truyền thông xã hội với hashtag #StandwithBach kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho ông.

Ông Đặng Đình Bách, 44 tuổi, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD) bị buộc nộp phạt gần 1,4 tỷ đồng liên quan đến các khoản tài trợ quốc tế cho các dự án của trung tâm.

Thông cáo báo chí nói luật sư môi trường Đặng Đình Bách là một trong số nhiều người bị Chính phủ Việt Nam bịt miệng vì các hoạt động cổ suý việc loại bỏ nhiệt điện than và bảo vệ cộng đồng khỏi các mối nguy hại cho sức khỏe cộng đồng.

HRW nói Việt Nam nên sửa sai, trả tự do cho ông Bách

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), cho rằng Chính phủ Việt Nam không hiểu rằng sự tham gia của các nhóm xã hội dân sự, như các tổ chức phi chính phủ về môi trường, là rất quan trọng để thay đổi tư duy của người dân trong việc chấp nhận những cải cách cần thiết nhằm giải quyết biến đổi khí hậu.

Trong tin nhắn gửi tới Đài Á Châu Tự Do (RFA), ông nói các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay bị mắc kẹt trong một kiểu chủ nghĩa Stalin của quá khứ, nơi họ nghĩ rằng các mệnh lệnh từ trên xuống từ Hà Nội là đủ để giải quyết mọi thách thức.

Đặng Đình Bách và các đồng nghiệp của ông đã cố vấn và giúp chính phủ tạo ra một quá trình chuyển đổi công bằng, nhưng những nỗ lực thiện chí của họ đã bị phản bội bởi những nhà lãnh đạo hoang tưởng và toàn trị, những người nhìn thấy kẻ thù ở khắp mọi nơi.

Hà Nội nên nhận ra rằng họ đã phạm một sai lầm cơ bản, và trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Đặng Đình Bạch và các nhà lãnh đạo xã hội dân sự môi trường khác.

Các nhà tài trợ quốc tế, bao gồm cả các chính phủ và các cơ quan của Liên Hiệp Quốc, cần tăng gấp đôi nỗ lực để gây áp lực công khai và riêng tư để Việt Nam chấm dứt những án tù bất công này,” ông Phil Robertson nói.

\”Tết Nguyên Đán này, tôi muốn chồng tôi trở về nhà\”

Bà Trần Phương Thảo, vợ của ông Bách có bài đăng trên fairplanet.org (tổ chức truyền thông độc lập có trụ sở tại Đức) hôm 22/1 với tiêu đề \”Tết Nguyên Đán này, tôi muốn chồng tôi trở về nhà.\”

Bà Thảo bày tỏ hy vọng trong những ngày lễ thiêng liêng của dân tộc, \”chính phủ sẽ thể hiện lòng trắc ẩn đối với gia đình chúng tôi và ghi nhận cam kết của Bách đối với đất nước của anh ấy và hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Hy vọng của tôi là cùng nhau chúng ta có thể mang lại may mắn trong năm mới này, để tất cả người dân Việt Nam có thể có những năm tốt đẹp hơn sắp tới.\”

Hôm 23/1, nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do bà cho biết chồng mình đang bị giam ở Trại giam số 6 (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) trong tình trạng giám sát chặt chẽ.

Bà kể về cuộc gặp lần gần đây nhất, hai vợ chồng chỉ được thăm hỏi sức khoẻ và trao đổi chuyện gia đình.

Lần gặp cuối cùng với anh Bách là vào ngày 15/1, bị giám sát chặt chẽ. Thậm chí có hai người (của trại giam- PV) ngồi ghi chép các nội dung tôi và anh Bách trao đổi với nhau.

i có hỏi anh ở với mấy người, người ở cùng có hoà thuận với anh không thì ngay lập tức người giám sát chặn tôi lại, nói là không được hỏi những gì liên quan đến trong đó.”

Ngoài việc bị buộc thi hành án tù năm năm, ông Đặng Đình Bách còn bị buộc nộp phạt số tiền 1,4 tỷ mà toà án cho rằng ông đã trốn thuế. Tuy nhiên, bà Thảo cho biết ông Bách vẫn kêu oan và gia đình không có ý định nộp số tiền này. 

Cục thi hành án hình sự đe doạ sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế để thu số tiền này, bà Thảo chia sẻ.

\”Không thể chuyển đổi sang năng lượng sạch nếu thiếu những người như ông Bách\”

Cố vấn Cấp cao của Tổ chức Sông ngòi Quốc tế Maureen Harris nói trong thông cáo: “Ông Bách là một trong số những nhà lãnh đạo môi trường bị buộc tội trốn thuế, một tội danh đang ngày càng được sử dụng nhiều để bịt miệng xã hội dân sự ở Việt Nam.”

Trong hai năm vừa qua, có bốn nhà hoạt động xã hội dân sự có đăng ký hợp pháp với chính quyền bị kết án về tội danh này. Ba người còn lại là bà Nguỵ Thị Khanh, Mai Phan Lợi và Bạch Hùng Dương.

Việt Nam phải chấm dứt việc gia tăng hình sự hoá các hoạt động của các nhà hoạt động môi trường, thông cáo nhấn mạnh.

Thật sốc khi những người bảo vệ môi trường ở Việt Nam đang bị bỏ tù vì việc làm nhằm bảo vệ người dân Việt Nam bình thường khỏi những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu hoặc để bảo đảm Việt Nam tiến nhanh tới quá trình chuyển đổi năng lượng sạch,” người phụ trách Chiến lược Chiến dịch Bảo vệ Đất đai & Môi trường của tổ chức Global Witness Shruti Suresh phát biểu.

Các quốc gia G7 hỗ trợ Việt Nam trong việc chuyển đổi sử dụng nhiên liệu hoá thạch sang năng lượng tái tạo cần phải gây sức ép buộc Hà Nội bảo đảm rằng xã hội dân sự và những người bảo vệ môi trường ở Việt Nam có thể tham gia một cách có ý nghĩa vào quá trình này và không bị trừng phạt vì các hoạt động môi trường của mình, bà Shruti Suresh nói trong thông cáo.

Trên trang web StandwithBach.org, các tổ chức này đặt câu hỏi: Các giải pháp biến đổi khí hậu đòi hỏi các chính phủ, doanh nghiệp và xã hội dân sự phải hợp tác với nhau. Vậy tại sao Việt Nam lại cầm tù các chuyên gia hàng đầu như luật sư môi trường Đặng Đình Bách trong khi nhận 15 tỷ đô la Mỹ cho việc chuyển đổi sang năng lượng sạch?”  

Việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch sẽ không thành công nếu những người bảo vệ môi trường như ông Bách không được đóng vai trò quan trọng,” các tổ chức chia sẻ thông điệp.

Các tổ chức kêu gọi Chính phủ Việt Nam trả tự do cho ông Bách và thúc giục Hà Nội phản hồi về những lo ngại của cộng đồng quốc tế và các cơ chế đặc biệt về nhân quyền của Liên Hiệp quốc về tình trạng của ông cũng như tính hợp pháp của việc bắt giữ ông.

Họ cũng nhắc lại việc Các thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc quan ngại về luật thuế mơ hồ của Việt Nam được sử dụng để bỏ tù lãnh đạo xã hội dân sự và những yêu cầu nặng nề một cách vô lý đối với việc báo cáo, đăng ký tài trợ và dự án của các tổ chức xã hội dân sự.

Việt Nam là quốc gia đang phát triển và nền kinh tế hướng xuất khẩu phụ thuộc vào năng lượng hoá thạch.

Tính đến cuối năm 2021, công suất lắp đặt của nhiệt điện than đạt khoảng 24,7 GW, chiếm 32% tổng công suất nguồn điện của hệ thống. Sản lượng điện từ nhiệt điện than chiếm tới 46% tổng lượng điện sản xuất của hệ thống điện trong năm này.

Vào tháng 12 năm ngoái, nhóm G-7 đồng ý hỗ trợ Việt Nam số tiền 15,5 tỷ đô la Mỹ để giúp quốc gia này cắt giảm nguồn sử dụng than đá. Vương quốc Anh, EU, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch, đã thống nhất một chương trình quan hệ đối tác về chuyển dịch năng lượng công bằng với Việt Nam (gọi tắt là JETP), với mục tiêu giúp Hà Nội thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Bài Liên Quan

Leave a Comment