Đăng ngày: 24/01/2023
Năm 2022, khoảng 200.000 nhân viên trên thế giới của ngành công nghệ mất việc. High tech có nguy cơ « vỡ bong bóng » trên các sàn chứng khoán. Các ông chủ GAFAM mất hàng tỷ, hàng chục tỷ đô la. Thung lũng Silicon mạnh tay sa thải nhân viên khiến Ireland rúng động. Dublin mất đi từ 10 đến 20 % thuế doanh nghiệp. Ireland có nguy cơ trở thành miếng mồi ngon của một số tập đoàn công nghệ Trung Quốc ?
Ngay trong những ngày đầu năm mới 2023, Microsoft, rồi Amazon, Google, mỗi tên tuổi trong làng High Tech thông báo sa thải hơn một chục ngàn nhân viên. Hôm 23/01/2022 đến lượt công ty cung cấp dịch vụ nghe nhạc qua streaming Spotyfi của Thụy Điển cho biết sẽ phải chia tay với một phần nhân viên.
Tổng giám đốc của tập đoàn phần mềm Microsoft Satya Nadella phát biểu tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới ở Davos Thụy Sĩ hồi tuần trước nêu lên « nguy cơ ngành công nghệ bị suy thoái » sau khi thông báo cho 5 % nhân viên nghỉ việc. Microsoft trông thấy « tất cả các lĩnh vực khác nhau trong thế giới công nghệ, tại tất cả các khu vực địa lý đều đang thận trọng vào lúc mà một phần thế giới rơi vào suy thoái và tại những nơi khác thì mọi người chờ đợi là sớm muộn gì kịch bản suy thoái cũng sẽ xảy ra ».
Tăng trưởng toàn cầu chậm lại và xung đột Ukraina là hai lý do khiến ông vua trong lĩnh vực phân phối trên mạng là Amazon ngừng hợp đồng với 18.000 nhân viên trên. Khu vực châu Mỹ bị tác động mạnh nhất. Chủ nhân Amazon Jeff Bezos cố gắng đợi sau Tết nguyên đán mới công bố danh sách các nhân viên tại Trung Quốc bị sa thải.
Lãnh đạo cổng tìm kiếm thông tin Google, Sundar Pichai dự trù cắt giảm 6 % thành phần nhân sự vào lúc công ty đang « trải qua những ngày tháng khó khăn nhất » từ khi được thành lập. Thật vậy công ty mẹ của Google là Alphabet đang bị nhiều đối thủ mới nổi lên như Chat GPT, hay YOU cạnh tranh dữ dội.
Trên các sàn chứng khoán, chỉ số Nasdaq gắn liền với hoạt động của các tập đoàn công nghệ Mỹ trượt giá 33 %. Giới trong ngành nói đến hiện tượng « vỡ bong bóng » như vào thời điểm đầu những 2000 trong ngành tin học, rồi 2007-2008 đến lượt ngành địa ốc. Báo tài chính The Wall Street Journal nói tới hiện tượng GAFAM (Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft) « rớt đài ». Nếu tính luôn thêm cả Tesla, hãng xe hơi điện của ông chủ Elon Musk, nhóm 6 đại công ty nói trên trong năm 2022 đã để gần 4.500 tỷ đô la chứng khoán « bốc hơi ».
Hiện tượng đổ dốc kéo dài hay đây là một sự điều chỉnh hiển nhiên ?
Vào lúc dịch Covid hoành hành trên thế giới, các tập đoàn trong ngành công nghệ cao phát đạt hơn bao giờ hết. Doanh thu và chỉ giá chứng khoán tăng mạnh. Để đáp ứng với môi trường trong thời gian đó, các tập đoàn GAFAM liên tục tuyển dụng thêm người. Đội ngũ nhân viên của Microsoft trong hai năm 2020-2021 tăng thêm 36 % đang từ 163.000 đã mở rộng tới 221.000 tính đến trước đợt thông báo sa thải hồi mùa thu vừa qua.
Quá sớm để « chôn » GAFAM
Trước ngần ấy dấu hiệu báo trước ngành công nghệ của Mỹ gặp khó khăn nhưng giới trong ngành đồng loạt cho rằng « tương lai vẫn ở phía trước » đối với nhóm GAFAM và kể cả Tesla : trên các sàn chứng khoán, chỉ riêng hai tập đoàn là Apple và Microsoft nặng ký hơn 40 tập đoàn hàng đầu của Pháp trong chỉ số CAC40 và trong chỉ số DAX 40 của Đức cộng lại. Nhìn đến trường hợp của Meta, dù tài sản cá nhân của sáng lập viên Mark Zuckerberg đã vơi đi hàng tỷ đô la, và 1/3 trị giá chứng khoán của tập đoàn này đã « tan chảy » trong năm 2022 thế nhưng Meta vẫn là một ông khổng lồ nặng đến 310 tỷ đô la. Báo tài chính Pháp Les Echo cho rằng cổ phiếu có mất giá đến 1/3 trong năm qua cũng mới chỉ là những « vết thương nhẹ và rất dễ chóng lành » bởi cùng thời kỳ, mức lãi của nhóm GAFAM không hề giảm sụt. Một chuyên gia về chứng khoán được báo Les Echos hôm 31/10/2022 trích dẫn lưu ý : mặc dù cổ phiếu của Microsoft và Google có mất giá 35 %, nhưng nhóm GAFAM vẫn là những điểm đầu tư « an toàn » nhất.
Hiện tượng mất giá chứng khoán vừa qua theo lời David Older thuộc cơ quan tư vấn Carmignac trụ sở tại Luxembourg, là do « thời buổi khó khăn hơn nên ngay cả các tập đoàn thuộc nhóm được mệnh danh là BIG TECH cũng không là những ngoại lệ ». GAFAM cũng phải thận trọng hơn trong các khoản chi tiêu, trong các dự án đầu tư và nhất là phải « đánh hơi thấy đúng những lĩnh vực chiến lược để chuẩn bị cho những trận đấu sắp tới trong thế giới công nghệ số ».
Kinh tế gia ngân hàng Rothschild Jacques Aurélien Marcireau giải thích thêm : một mình Google chiếm gần một nửa ngân sách quảng cáo trên mạng của thị trường thế giới. Với một môi trường bất thuận lợi đương nhiên tập đoàn này cũng phải cắt giảm chi tiêu »
Tuy nhiên trên hành tinh công nghệ ngoài 5 tên tuổi lớn như nhóm GAFAM thì còn phải kể đến vô số những hãng nhỏ và các công ty khởi nghiệp. Trong số này theo chuyên gia của ngân hàng Rothschild, Jacques Aurélien Marcireau « sẽ có không ít hãng khó mà tồn tại ». Đối với ngành công nghệ « những năm sắp tới đây sẽ không còn thuận lợi » như trong giai đoạn vừa qua
Ireland « lãnh đủ »
Dự phóng ảm đạm đó khiến Ireland lo ngại hơn bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới, có lẽ là kể cả Hoa Kỳ. Theo Trung Tâm Nghiên Cứu Kinh Tế và Xã Hội Ireland (ESRI) trong quý 2/2022 ngành công nghệ và thông tin chiếm đến 18 % GDP. Đây là lĩnh vực tuyển dụng trực tiếp 6 % nguồn lực lao động quốc gia .
Tháng 11/2022 Twitter thông báo sa thải 50 % nhân sự trên toàn cầu : một gáo nước lạnh dội vào 250 trong số 500 nhân viên tại chi nhánh của tập đoàn ở thủ đô Dublin. Chỉ vài ngày sau đến lượt Meta, chia tay với 350 trên tổng số 3.000 cộng tác viên. Ngoài các mạng xã hội, những tên tuổi khác trong thế giới tin học, phần mềm, trong các dịch vụ tài chính hay mua bán trên mạng, trong làng công nghệ kỹ thuật số nói chung như Intel, Stripe hay Amazon… lần lượt cắt giảm nhân sự.
Trả lời thông tín viên đài RFI, Laura Taouchakov tại Dublin, Charlie Brun, một công dân Pháp, 34 tuổi, làm việc cho hãng Stripe của Mỹ trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến cho biết : sau 9 cuộc phỏng vấn liên tiếp anh đã được tuyển vào công ty này. Nhưng rồi vài tuần lễ trước lễ Giáng Sinh 2022, trong chưa đầy 30 phút Charlie đã mất việc :
« Đầu tháng 11 tôi nhận được email của chủ tịch tổng giám đốc trình bày rằng công ty đang phải đối mặt với một môi trường không mấy thuận lợi. Năm phút sau đến lượt ban nhân sự gửi email thứ nhì, thông báo rằng ê-kíp của tôi có thể thuộc diện có thể phải được tổ chức lại. Thế rồi chỉ 5 phút sau đó nữa tôi được chính thức thông báo đến cuối tháng 12, hợp đồng của tôi sẽ không được triển hạn thêm. Tiếp theo đó mọi người hoàn toàn im lặng. Không có thêm bất kỳ một trao đổi nào nữa với ban giám đốc. Một hãng Mỹ hoạt động như vậy đấy ! ».
Trong hai năm đại dịch Covid, Ireland là quốc gia duy nhất tại châu Âu kinh tế vẫn thịnh vượng. Phép lạ đó có được nhờ ngành công nghệ đã « ăn nên làm ra » trong suốt thời gian một phần thế giới bị phong tỏa.
Nhờ có một chính sách thuế khóa ưu đãi – thuế doanh nghiệp 12,5 % được coi là mức thấp nhất trong số các quốc gia ở tây Âu, Ireland trở thành « mảnh đất hứa » của đại đa số các hãng high tech của Mỹ. Theo thẩm định của báo Irish Times 10 tập đoàn Mỹ gồm Apple, Microsoft, Google, Facebook, Intel, Pfizer, Merck, Johnson&Johnson, Medtronic và Coca-Cola bảo đảm 10 % thu nhập cho Dublin.
Trả lời đài RFI, giáo sư Ory O’Farrell đại học Kỹ Thuật Dublin phân tích về tác động đối với kinh tế Ireland khi mà các ông vua trong ngành công nghệ cao làm ăn thất bát :
« Đây là những công việc được trả lương cao và đội ngũ này đã thực sự tăng lên rất mạnh kể từ 2008. Trong hai năm đại dịch Covid, lĩnh vực high tech đã tuyển dụng thêm rất nhiều. Phải nói là lĩnh vực này đã phát triển rất nhanh khối lượng nhân sự tăng lên thêm khoảng 1 phần ba, đang từ 90.000 người nhẩy vọt lên tới hơn 120.000. Giờ đây theo tôi giai đoạn đó đã qua. Vấn đề đặt ra là nhân viên trong ngành công nghệ này được trả lương cao, tức là họ cũng đóng thuế nhiều cho Nhà nước. Thế rồi Ireland là điểm đến của các tập đoàn ngoại quốc trong lĩnh vực tin học và công nghệ kỹ thuật số. Các công ty này thịnh vượng nên là một nguồn đóng thuế doanh nghiệp lớn : ít nhất 20 % thuế doanh nghiệp Ireland thu vào là nhờ các tập đoàn high tech nước ngoài, chủ yếu là của Mỹ. Giờ đây khi gió đã xoay chiều, chính phủ Ireland đột nhiên cũng mất đi một nguồn thu nhập rất lớn. Khó có thể lấp vào chỗ trống khoản thuế doanh nghiệp hàng chục tỷ đô la mà các tập đoàn high tech của Mỹ để lại. Khi được thuận buồm xuôi gió, thì không khác gì tiền trên trời rơi xuống. Tiếc rằng hiện tượng đó đến một lúc nào đó cũng phải dừng ».
Từ hơn 40 năm nay, đầu tư nước ngoài là một trong những cột trụ của kinh tế Ireland. Năm 2021 Apple tuyển dụng thêm 1.300 nhân viên để tăng cường cho đội ngũ vốn đã có hơn 6.000 người đã làm việc cho nhãn hiệu Quả Táo này từ lâu nay tại đây. Intel cùng thời điểm đầu tư thêm 12 tỷ đô la vào nhà máy ở Leixlip gần thủ đô Dublin. Tại một quốc gia với hơn 5 triệu dân này, có tới gần một nửa triệu người lao động làm việc cho các công ty ngoại quốc.
Một khi « gió đã xoay chiều », Dublin dự báo trong tài khóa 2023 ngân sách Nhà nước mất đi từ 8 đến 10 tỷ đô la do các con chim đầu đàn trong thế giới công nghệ lãi ít đi. Bao nhiêu người trong số 6 % dân số Ireland trong tuổi lao động giữ được việc làm ?
Ireland, điểm đến của các nhà đầu tư Trung Quốc ?
Bộ trưởng Thương Mại và Công Nghệ Số Dara Calleary cuối tháng 11/2022 nhận định, là một trong những nền kinh tế mở rộng nhất ra thế giới bên ngoài, Ireland cần liên tục đánh giá lại và cập nhật hóa mô hình phát triển của mình. Dublin nhìn nhận tiến trình « phi toàn cầu hóa » và những khó khăn trong thương mại quốc tế có nguy cơ là những « trở ngại trong chiến lược kinh tế mà tới nay đã giúp Ireland khá thành công ».
Và để cập nhật hóa mô hình phát triển, dường như Ireland bắt đầu chú ý nhiều đến một số dự án của Trung Quốc. Tập đoàn dược phẩm Wuxi quyết định đầu tư vào một nhà máy sản xuất gần biên giới giữa Cộng Hòa Ireland với Bắc Ireland (thuộc Vương Quốc Anh). Hoa Vi đầu tư vào một trung tâm gần Dublin để phát triển « công nghệ cloud » với hứa hẹn tuyển dụng ít nhất 200 nhân viên.
Phó thủ tướng Leo Varadkar khá hài lòng vì theo ông đây là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy quốc tế coi Ireland là một môi trường thuận lợi để làm ăn. Ngoại trưởng Simon Ceveney xua tan mọi nghi vấn Ireland có thể trở thành một mặt trận để Mỹ và Trung Quốc đọ sức. Ông tuyên bố : Trung Quốc quá lớn để có thể bỏ qua những đề xuất đầu tư của nước này. Dublin chủ trương « đối xử với các hãng của Trung Quốc như với bất kỳ một công ty ngoại quốc nào khác ».