Đăng ngày: 25/01/2023
Hôm qua, 24/01/2023, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo hoãn vô thời hạn một cuộc họp ba bên với Thụy Điển và Phần Lan về việc hai quốc gia này xin gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO. Cuộc họp theo dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 2.
Theo hãng tin AFP, ngay sau thông báo nói trên của Ankara, Thụy Điển đã bày tỏ quan ngại trước một tình hình “nghiêm trọng” và cho biết muốn nối lại đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ “sớm nhất có thể được”. Thủ tướng Ulf Kristersson thì lên án hành động của “những kẻ gây rối” nhằm phá hỏng tiến trình gia nhập NATO của Thụy Điển.
Nhưng thứ Hai vừa qua, tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã báo trước là Thụy Điển “đừng trông chờ sự ủng hộ” của Ankara cho việc gia nhập NATO, sau khi một thành viên phe cực hữu bài Hồi Giáo đốt một quyển kinh Coran tại Stockholm. Mặc dù chính phủ Thụy Điển đã lên án hành động đốt kinh Coran và đã bày tỏ thiện cảm với người Hồi Giáo, đồng thời nhấn mạnh Hiến pháp Thụy Điển không cho phép cấm một hành động như vậy, nhưng vụ này đã khiến chính quyền Ankara phẫn nộ. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cáo buộc Thụy Điển dung túng những “kẻ khủng bố” người Kurdistan.
Sau lời cảnh cáo của tổng thống Erdogan, hôm qua, lần đầu tiên Phần Lan đã nêu lên khả năng nước này sẽ gia nhập NATO mà không có Thụy Điển, tuy vẫn hy vọng là việc hai quốc gia Bắc Âu này cùng được thâu nhận vào Liên minh Bắc Đại Tây Dương vẫn là phương án duy nhất hiện nay. Cho tới nay, Helsinki vẫn từ chối dự trù đến khả năng gia nhập NATO một mình, vì đối với họ, việc gia nhập Liên minh cùng lúc với nước láng giềng Thụy Điển có rất nhiều mối lợi.
Khác với trường hợp của Thụy Điển, trong những tháng qua, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nói là họ không có lý do nào quan trọng để chống lại việc NATO thâu nhận Phần Lan.
Với tư cách thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ phải phê chuẩn việc thâu nhận thành viên mới và như vậy có quyền phủ quyết trên vấn đề này. Cho tới nay, ngoài Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có Hungary là chưa phê chuẩn, nhưng Budapest thì đã nói sẽ không ngăn cản Thụy Điển và Phần Lan vào NATO.