January 26, 2023
Nhà quan sát nói, về Hiệp định Paris, kênh đàm phán bí mật và riêng tư góp phần chung quyết Hiệp định Paris. Vì không có ai khác ngoài Kissinger và Lê Đức Thọ nên không có lý do gì để tuyên truyền. Không có lý do gì để thị uy. Vì thế, các cuộc đàm phán đó mang tính xây dựng hơn nhiều so với các cuộc đàm phán bán công khai mà chủ yếu là để tuyên truyền.
50 năm trước, Chiến tranh Việt Nam đạt tới một bước ngoặt lịch sử vào ngày 27 tháng 1 năm 1973 khi bốn bên gồm Mỹ, Việt Nam Cộng Hòa, Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa (Bắc Việt Nam), Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Việt Cộng) ký kết Hiệp định Paris với mục đích chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam.
Theo các điều khoản, Mỹ đồng ý đình chỉ ngay lập tức mọi hoạt động quân sự và rút toàn bộ quân nhân còn lại trong vòng 60 ngày. Bắc Việt Nam đồng ý ngừng bắn ngay lập tức và trả tự do cho tất cả tù binh Mỹ trong vòng 60 ngày. Hơn 100.000 binh sĩ Bắc Việt Nam đang ở trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa được phép ở lại. Việt Nam vẫn bị chia cắt.
Sự kiện này được chính quyền cộng sản của Việt Nam mô tả là một “chiến thắng vĩ đại” về ngoại giao mở ra cục diện mới tiến tới thống nhất hoàn toàn đất nước vào năm 1975. Nhưng các học giả nghiên cứu Chiến tranh Việt Nam ở ngoài nước nói rằng thực tế lịch sử phức tạp hơn những gì được tuyên truyền một chiều.
Pierre Asselin, Giáo sư Lịch sử tại Đại học San Diego State ở Mỹ, người từng viết một cuốn sách về tiến trình dẫn tới Hiệp định Paris, làm sáng tỏ một số vấn đề lịch sử.
Nhìn lại Hiệp định Paris năm 1973, ông có suy nghĩ gì về ý nghĩa của nó trong cả cuộc Chiến tranh Việt Nam?
Tôi nghĩ nó là một sự kiện cực kì quan trọng trong lịch sử Chiến tranh Việt Nam. Hệ quả chính của hiệp định là đưa lực lượng chiến đấu cuối cùng của Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam và sau đó nó cũng dẫn đến việc chấm dứt các hành động thù địch của Mỹ chống lại Bắc Việt Nam. Vì vậy trên thực tế, Hiệp định Paris đặt dấu chấm hết cho cái gọi là cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Và tôi nghĩ ở cấp độ đó, nó rất, rất quan trọng.
Nhưng đồng thời tôi không nghĩ chúng ta nên phóng đại tầm quan trọng của nó bởi vì đối với chính người Việt Nam, hiệp định này không thay đổi gì mấy theo nghĩa là mặc dù người Mỹ đã rời đi, cuộc nội chiến ở Việt Nam bắt đầu vào năm 1945 vẫn chưa kết thúc. Đó là một trong những lý do tại sao Hiệp định Paris chưa bao giờ thực sự có cơ hội mang lại một nền hòa bình lâu dài và sau này bị vi phạm và phá vỡ bởi cả miền Bắc lẫn miền Nam chỉ trong vài tuần sau khi được ký kết.
Xin ông cho biết bối cảnh lịch sử xung quanh hiệp định này. Các cuộc đàm phán hòa bình đã khởi sự kể từ năm 1968 nhưng sau đó lâm vào bế tắc. Sự đột phá xảy ra khi nào và điều gì dẫn tới sự đột phá đó?
Hiệp định Paris thực sự là sản phẩm của sự mệt mỏi vì chiến tranh ở cả phía Mỹ và Bắc Việt Nam. Và điều quan trọng cần hiểu là đây là một thỏa thuận về cơ bản gạt Việt Nam Cộng Hòa khỏi tiến trình đàm phán. Hiệp định Paris sau này được kí bởi miền Bắc, miền Nam và Mỹ. Nhưng điều chúng ta cần ghi nhớ là, chính xác là trong tiến trình đàm phán bí mật và riêng tư, Việt Nam Cộng Hòa đã bị Mỹ và Bắc Việt Nam gạt ra ngoài một cách có chủ đích. Vì vậy, về căn bản đây là một thỏa thuận giữa Washington và Hà Nội. Và điều thực sự đưa tới thỏa thuận này là sự mệt mỏi vì chiến tranh ở phía Mỹ và giới lãnh đạo Bắc Việt Nam sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân.
Vào đầu cuộc chiến, cả hai bên đều tự tin vào khả năng của mình chiến thắng kẻ thù. Nhưng rồi đến năm 1968-1969, cả Hà Nội và Washington đều nhận ra rằng kiểu thắng lợi mà họ hi vọng đạt được là rất khó xảy ra. Về phía Mỹ, Tổng thống Richard Nixon cho rằng một thắng lợi như vậy là hoàn toàn không thực tế. Về phía Hà Nội, họ nhận ra sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân rằng việc giành được cái gọi là thắng lợi toàn diện có lẽ là bất khả dĩ. Và tôi nghĩ rằng những nhận thức này là yếu tố chính mà cuối cùng thúc đẩy Hà Nội và Washington bắt đầu nỗ lực hướng tới một sự dàn xếp thông qua thương thuyết.
Nhưng đối với tôi, đây không phải là một thỏa thuận cho thấy chiến thắng của bên này hay bên kia. Thỏa thuận này là sản phẩm của hoàn cảnh và cụ thể đó là sản phẩm của sự mệt mỏi vì chiến tranh của cả Washington và Hà Nội. Bạn hỏi về những bước ngoặt. Tôi nghĩ cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân là một bước ngoặt lớn. Nhưng một bước ngoặt thực sự quan trọng khác là cuộc tiến công mùa xuân năm 1972, thường được biết tới với tên gọi ‘Mùa hè đỏ lửa’. Điều lạ là chúng ta luôn coi cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân là sự kiện lớn nhưng theo nhiều cách, cuộc tiến công mùa xuân 1972 là một chiến dịch thậm chí còn lớn hơn. Và giống như Tết Mậu Thân, về mặt quân sự, đó là một thảm họa đối với Hà Nội.
Hà Nội thua to trong cuộc tiến công mùa xuân, nhưng Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa cũng chịu nhiều tổn thất. Đối với phía Mỹ, nó rất tổn hại về mặt chính trị vì nó dẫn đến việc tái tục ném bom miền Bắc Việt Nam vốn luôn bị phản đối. Và việc tái tục ném bom làm cho phong trào phản chiến càng bùng lên thêm. Vì thế, dù Hà Nội liểng xiểng vì thất bại quân sự nặng nề này vào năm 1972, Mỹ và chính quyền Nixon nói riêng lại điêu đứng với hậu quả chính trị của việc leo thang chiến tranh vào năm 1972 vào thời điểm mà Mỹ lẽ ra phải đang kết thúc chiến tranh. Đến tháng 1 năm 1973, hai bên Hà Nội và Washington về cơ bản vì những lý do khác nhau đều nóng lòng kết thúc chiến tranh và đạt được thỏa thuận cuối cùng thông qua thương lượng.
Những cuộc đàm phán bí mật đó đóng vai trò lớn tới mức nào trong việc mở đường cho Hiệp định Paris? Tại sao Mỹ lại cố tình loại Việt Nam Cộng Hòa ra khỏi các cuộc đàm phán bí mật với Hà Nội?
Có hai đợt đàm phán hòa bình diễn ra sau năm 1968. Đợt đầu tiên là cuộc đàm phán bán công khai. Ban đầu là giữa Mỹ và Bắc Việt Nam và sau đó là giữa Mỹ, Bắc Việt Nam, Việt Nam Cộng Hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, tức Việt Cộng. Nhưng bởi vì những cuộc đàm phán đó công khai nên chúng chủ yếu nhằm mục đích tuyên truyền và không bao giờ thực sự đạt được bất cứ điều gì. Và đây là điều mà cả Hà Nội và Washington đều hiểu.
Vì vậy vào năm 1969, khi Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Henry Kissinger tiếp cận Hà Nội về việc mở một kênh bí mật để đôi bên dễ dàng trình bày thẳng thắn quan điểm của mình về triển vọng kết thúc chiến tranh thì lúc đó Hà Nội mới cởi mở hơn. Thực sự nhờ kênh liên lạc bí mật này, chỉ trở thành riêng tư vào năm 72, mà tất cả những phần cho phép thỏa thuận được hoàn tất mới được sắp xếp ổn thỏa. Kênh đàm phán bí mật và riêng tư góp phần chung quyết Hiệp định Paris. Vì không có ai khác ngoài Kissinger và Lê Đức Thọ nên không có lý do gì để tuyên truyền. Không có lý do gì để thị uy. Vì thế, các cuộc đàm phán đó mang tính xây dựng hơn nhiều so với các cuộc đàm phán bán công khai mà chủ yếu là để tuyên truyền.
Về câu hỏi thứ hai, tại sao họ gạt Việt Nam Cộng Hòa ra? Tôi nghĩ người Mỹ từ lâu hiểu rằng Sài Gòn sẽ không bao giờ chấp nhận một giải pháp ngoại giao trừ phi nó giải quyết được tương lai chính trị của miền Nam Việt Nam. Và Mỹ nhận ra rằng nếu họ đưa Việt Nam Cộng Hòa vào các cuộc đàm phán bí mật thì việc này có nhiều phần chắc sẽ làm chệch hướng các cuộc đàm phán đó hoặc làm cho nó kéo dài lê thê. Vì vậy Mỹ quyết định gạt Sài Gòn ra khỏi tiến trình này bởi vì sẽ dễ dàng hơn rất nhiều cho Mỹ đưa ra những nhượng bộ thay mặt Việt Nam Cộng Hòa hơn là để chính Việt Nam Cộng Hòa đưa ra nhượng bộ.
Và tôi nghĩ việc này cho thấy rất nhiều điều về chính quyền Sài Gòn là một chính quyền như thế nào. Đối với tôi, việc loại bỏ Sài Gòn là bằng chứng rõ ràng nhất mà chúng ta có cho thấy rằng chế độ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu không phải là một chế độ bù nhìn. Đó là một chế độ rất độc lập. Đó là một chế độ có tính chính danh. Nền cộng hòa ở miền Nam, mà Hà Nội vẫn luôn mô tả là một chế độ bù nhìn và nhiều người Mỹ cũng cho là vậy, luôn là một thực thể chính trị có tính chính danh. Và người Mỹ nhận ra rằng nếu họ cho phép Sài Gòn tham gia đàm phán hòa bình thì Sài Gòn sẽ khẳng định quyền tự chủ của mình. Họ sẽ khẳng định chủ quyền của mình và thậm chí từ chối đàm phán với miền Bắc.
Vì vậy, để đơn giản hóa, và phần lớn vì những lý do vị kỉ, Mỹ đã chọn loại Sài Gòn ra khỏi tiến trình này và sau đó chỉ chia sẻ với Sài Gòn nội dung của các cuộc đàm phán bí mật sau khi một thỏa thuận đã được chung quyết. Ông Thiệu vì những lý do rất chính đáng đã bác bỏ hoàn toàn thỏa thuận này.
(Theo VOA)