26 tháng 1 2023
Sau khi đạt được thành công với cam kết cung cấp xe tăng hiện đại từ Đức và Hoa Kỳ, chính phủ Ukraine nay muốn được hỗ trợ chiến đấu cơ, loại như F-16 từ Phương Tây.
Ông Yuriy Sak, cố vấn cho Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, Oleksiy Reznikov, nói hôm 25/01 rằng \”chướng ngại vật cần vượt qua tới đây là chiến đấu cơ\”.
Hiện Không quân Ukraine chỉ có các phi đội máy bay thời Liên Xô cũ đã có trên 31 tuổi. Các phi công Ukraine chủ yếu xuất kích để ngăn chặn các vụ máy bay Nga xâm nhập bầu trời Ukraine, hoặc để tấn công vị trí mặt đất của quân thân Nga tại vùng Donbas.
Khả năng của Ukraine chống trả Không quân Liên bang Nga trong những trận không chiến- chưa xảy ra – là không cao, vì sự chênh lệch số lượng máy bay và chỉ số kỹ thuật.
Reuters trích lời ông Yuriy Sak nói \”Nếu chúng tôi nhận được các chiến đấu cơ của Phương Tây thì ưu thế trên chiế trường sẽ rất cao, mà không chỉ F-16, chúng tôi cần phi cơ chiến đấu thế hệ thứ tư…\”
Ông Justin Bronl, một nhà nghiên cứu tại Viện RUSI ở London, tin rằng Không quân Ukraine sẽ \”hưởng lợi nhiều từ chiến đấu cơ Phương Tây, trong các trận không chiến cũng như hoạt động không đối đất\”.
Tuy thế, ông cũng cho rằng phi cơ hiện đại nếu được Ukraine sử dụng, sẽ chịu rủi ro cao từ tên lửa đất đối không của Nga, khiến chúng \”phải bay thấp ở gần chiến trường, và vì thế sẽ giảm đi nhiều khả năng triển khai hỏa tiễn tầm xa\”, theo hãng tin Anh Reuters trích lời ông trong bản tin hôm 25/01.
Sức ép quốc tế và nhu cầu chiến trường
Tuần này, các nhà bình luận quốc tế đều cho rằng việc Hoa Kỳ và Đức cuối cùng đã cung cấp xe tăng hạng nặng cho Ukraine là chuyển biến quan trọng.
Nga đã lên án quyết định của Phương Tây đồng ý giúp Ukraine xe tăng, điều mà lâu nay Nato chia rẽ, không thống nhất được về mục tiêu, và hệ quả.
Nhiều tháng trước, Hoa Kỳ và các đồng minh Tây Âu gần như không muốn cung cấp cho Ukraine vũ khí sát thương, chưa nói đến các loại súng, hỏa tiễn, xe tăng hiện đại, vì sợ \”đẩy cao căng thẳng với Nga\”.
Nhưng dần dần, các nước chủ chốt ở Phương Tây chịu sức ép từ dư luận, từ các đồng minh Nato phía Đông nên đã cung cấp nhiều vũ khí hiện đại cho Kyiv mà quan trọng bậc nhất là dàn pháo phản lực HIMARS.
Việc sử dụng pháo phản lực có độ cơ động cao HIMARS đã làm thay đổi cán cân lực lượng ở một số vùng phía Đông Ukraine, giúp Ukraine bắn chặn, bắn phá các cơ sở hậu cần, kho đạn, bộ chỉ huy của quân ly khai và quân xâm lăng Nga ở cự ly xa.
Các hoạt động này tạo đà cho những chiến thắng của Ukraine trong việc giành lại ít nhiều lãnh thổ.
Nay một số quan chức Ukraine như ông Yuriy Sak tin rằng \”ngoài vũ khí hạt nhân, cuối cùng thì Ukraine sẽ nhận được tất cả các loại vũ khí mong muốn\”.
Ưu thế của Leopard 2
Xe tăng Leopard 2 của Đức, có tầm tác xạ chính xác 5km, lại chạy bằng dầu diesel – thuận lợi hơn cho việc cung cấp nhiên liệu so với xe tăng M1 Abrams của Mỹ dùng động cơ turbine đa nhiên liệu – có thể sẽ giúp Ukraine phản công tốt hơn.
Tuy thế, xe tăng Abrams lại có hệ thống dẫn đạn pháo bằng tia hồng ngoại, tầm xa 4km, rất hiệu quả cho việc truy tìm, bắn phá xe tăng đối phương trong đêm. Cả hai xe tăng Đức và Mỹ cùng có nòng pháo 120mm.
Cùng lúc, xe tăng Challenger mà Anh cung cấp cho Ukraine một số lượng nhỏ, có thể chỉ mang tính biểu tượng, vì loại thiết giáp này có nòng pháo nhỏ, cỡ đạn khác nên khó chia sẻ với các loại xe tăng kia.