Kỷ lục Guinness thế giới: Wim Hof ‘người băng\’ tìm ra phương pháp ‘trị liệu lạnh’ và thở chữa sang chấn tinh thần 

\"Kỷ

Wim Hof, còn được gọi là \’Người băng\’. (Enahm Hof/IcemanWimHof.com)

 Bình luậnThùy Minh • 28/01/23

Có lẽ chúng ta đã từng nghe những câu chuyện về những nhân vật có cơ thể và trí óc “thách thức” tri thức của khoa học. Họ chắc hẳn phải sở hữu thứ gì đó mà chúng ta không có.

Wim Hof, còn được gọi là “người băng”, là một người như thế. Ông nổi tiếng nhờ khả năng chịu đựng trong điều kiện nhiệt độ lạnh giá. Ông được ghi vào Kỷ lục Guinness Thế giới về những kỳ tích sức bền và tinh thần thể thao, nhờ khả năng chịu đựng trong điều kiện nhiệt độ đóng băng. Ông cho rằng mình có được khả năng này là nhờ các bài tập thở sâu và liệu pháp lạnh (tiếp xúc với cái lạnh mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe). Ông cho rằng con người có khả năng bẩm sinh này.

Vậy các bài tập thở sâu và liệu pháp lạnh của ông là gì? Liệu chúng ta có thể làm được như ông không?

Phương pháp Wim Hof ​​được xây dựng trên ba “trụ cột”: hơi thở, liệu pháp lạnh và cam kết. Áp dụng phương pháp này đã khiến Hof có thể làm được những điều mà trước đây khoa học cho rằng không thể.

Ông đã đạt được một số kỷ lục Guinness thế giới như sau:

  • Ông đã leo lên đỉnh Everest cao tới khoảng 7.315 mét chỉ với chiếc quần đùi của mình.
  • Năm 2000, ông lập kỷ lục bơi quãng đường dài nhất dưới băng – tổng cộng 57m – khoảng cách xa hơn nửa sân bóng đá.
  • Vào năm 2011, ông chạy hết một quãng đường marathon ở sa mạc Namib mà không có thức ăn hay nước uống mang theo. Có lẽ đáng chú ý nhất là, Hof đã giữ nhiệt độ cơ thể ở mức 37 độ C, điều chưa từng có trong điều kiện này. Theo bác sĩ giám sát, mặc dù bị mất nước sau khi chạy nhưng sau khi uống một ít nước và vài cốc bia, ông vẫn ổn.

Có lẽ điều hấp dẫn nhất về khả năng của Hof, nhờ việc áp dụng các phương pháp này, là ông đã có thể làm chủ được sinh lý học của chính mình. Hof đã chứng minh rằng bản thân có thể làm chủ nhiệt độ cơ thể trong bất kể điều kiện bên ngoài nào. Ông cũng có thể tự kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm và ảnh hưởng đến phản ứng miễn dịch của bản thân.

Hof cũng đã học cách làm chủ hơi thở của bản thân. Chỉ trong vài tháng tập luyện, ông hít nhiều oxy đến mức có thể ở dưới băng từ 5 đến 7 phút mà không cần thở.

Trong một nghiên cứu tại Đại học Radboud ở Hà Lan được xuất bản trên PNAS vào năm 2014, 12 nam thanh niên tập theo các phương pháp của Hof (nhóm 1) và được tiêm nội độc tố từ thành tế bào của vi khuẩn. Mười hai thanh niên khác không được huấn luyện theo phương pháp này (nhóm 2) cũng được tiêm cùng một loại nội độc tố nói trên và họ được coi là nhóm đối chứng. Nội độc tố này thường gây ra phản ứng miễn dịch và các triệu chứng như sốt và đau đầu. Nhóm 1 có ít triệu chứng hơn nhóm 2. Nhóm 2 chịu những tác dụng phụ dữ dội và khó chịu mà nội độc tố thường gây ra – suy nhược toàn thân, sốt, ớn lạnh và đau đầu.

Các kỹ thuật thở của Hof cũng có thể tạo ra lượng hormone epinephrine dồi dào (còn được gọi là adrenaline) thậm chí gấp đôi lượng hormone sản sinh ra sau cú nhảy bungee đầu tiên. Trong nghiên cứu, nhóm 1 có thể sản xuất lượng epinephrine gấp đôi bình thường vào thời điểm họ được tiêm nội độc tố, cũng trùng với thời điểm họ bắt đầu thực hành các kỹ thuật thở.

Epinephrine là một loại hormone gây căng thẳng, được tiết ra khi hệ thống thần kinh giao cảm được kích hoạt—khi chúng ta sợ hãi hoặc gặp nguy hiểm. Khi hệ thống thần kinh giao cảm được kích hoạt, nó sẽ ức chế phản ứng miễn dịch, đó là lý do tại sao những người được huấn luyện các kỹ thuật của Hof trong nghiên cứu nói trên có thể giảm bớt khả năng giải phóng các protein gây viêm và họ ít có triệu chứng giống cúm hơn.

Kết quả nói trên là rất quan trọng vì giới khoa học hiện nay có chung quan điểm rằng chúng ta không thể kiểm soát được một số chức năng nhất định của cơ thể người. Hệ thống miễn dịch và hệ thống thần kinh là hai ví dụ. Hof đang chứng minh, trong thí nghiệm này và các thí nghiệm khác, rằng không phải như vậy.

Ông nói rằng bằng cách thực hiện phương pháp của ông, mọi người có thể đạt được nhiều lợi ích sức khỏe khác nhau, bao gồm:

  • Tăng năng lượng
  • Tăng hiệu suất
  • Làm giảm các triệu chứng của bệnh tự miễn dịch và chứng đau cơ xơ hóa
  • Hạ huyết áp
  • Cải thiện giấc ngủ
  • Tăng cường hệ thống miễn dịch
  • Cải thiện sức khỏe tinh thần
  • Làm giảm các triệu chứng trầm cảm
  • Cải thiện khả năng sáng tạo
  • Tăng ý chí, nghị lực

Nhiều năm qua, Hof đã dạy cho các cá nhân và chuyên gia trên toàn thế giới cách kiểm soát cơ thể và tâm trí bằng phương pháp của mình. Vậy thì, liệu chúng ta thực sự có thể học cách kiểm soát hệ thống thần kinh tự chủ và phản ứng miễn dịch của mình không?

Trước hết, hãy cùng nhìn lại đặc điểm và chức năng của hệ thống miễn dịch và hệ thống thần kinh tự chủ.

Hệ thống miễn dịch bẩm sinh

Hệ thống miễn dịch là một mạng lưới phức tạp gồm các tế bào, cơ quan và mô hoạt động cùng nhau để bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của mầm bệnh và bệnh nội khoa. Có hai loại miễn dịch chính, hệ thống miễn dịch bẩm sinh và hệ thống miễn dịch thích nghi.

Hệ thống miễn dịch bẩm sinh là hệ thống mà chúng ta sinh ra đã có và là tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể chúng ta chống lại mầm bệnh xâm nhập. Thành phần chính của nó là các rào cản vật lý như da và màng nhầy ngăn vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, nơi chúng có thể gây bệnh cho chúng ta.

  • Trải nghiệm bí ẩn thiền định qua lớp học online miễn phí tại đây.

Hệ thống miễn dịch thích nghi là hệ thống miễn dịch học tập. Nó xây dựng một cơ sở kiến ​​thức về vi trùng hoặc kháng nguyên để nhận biết và giải phóng các kháng thể chống lại chúng. Các phản ứng miễn dịch thích nghi phát triển chậm khi lần đầu tiên tiếp xúc với mầm bệnh mới và chúng ta dựa vào hệ thống miễn dịch bẩm sinh để bảo vệ chúng ta khỏi bị nhiễm trùng. Sức mạnh của hệ thống miễn dịch thích nghi của chúng ta tăng lên theo thời gian khi nó gặp phải ngày càng nhiều mầm bệnh và phát triển các kháng thể chống lại chúng, làm cho nó hiệu quả hơn theo thời gian.

Hệ thống thần kinh tự chủ

Hệ thống thần kinh tự chủ cũng được cho là nằm ngoài tầm kiểm soát có ý thức của chúng ta. Cho đến gần đây, nó được cho là hoạt động bên dưới mức độ nhận thức có ý thức của chúng ta và hoạt động ở chế độ nền, giúp chúng ta an toàn trước những mối nguy hiểm có thể nhận thức được và đảm bảo chúng ta phản ứng phù hợp với các kích thích bên ngoài mà không cần phải suy nghĩ về nó.

Trên thực tế, từ “tự chủ” đã gợi lên rằng hệ thống thần kinh này nằm ngoài sự kiểm soát tự nguyện của chúng ta và được định nghĩa là tự động hoặc vô thức.

Hệ thống thần kinh tự chủ có hai nhánh: giao cảm và đối giao cảm.

Hệ thống thần kinh giao cảm đôi khi còn được gọi là \’hệ thống nghỉ ngơi và tiêu hóa\’, hệ thống này hoạt động khi chúng ta nghỉ ngơi và hoạt động để bảo tồn năng lượng của cơ thể cũng như phục hồi sau một lần đối diện với nguy hiểm hoặc tình huống khẩn cấp – khi hệ thống thần kinh giao cảm đang hoạt động.

Hệ thống thần kinh giao cảm còn được gọi là phản ứng \’chiến đấu hay bỏ chạy\’ được kích hoạt khi nhận thấy có mối đe dọa đối với sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta. Những hệ thống này rất quan trọng khi tổ tiên của chúng ta phải đối mặt với việc bị ăn thịt bởi những con vật hung dữ và cần cảnh giác về sự an toàn cá nhân. Ngày nay, các mối đe dọa đối với phúc lợi của chúng ta ít nghiêm trọng hơn, mặc dù không kém phần quan trọng. Chúng ta có thể kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm từ việc lo lắng về một cuộc họp ở nơi làm việc hoặc suýt tông phải ai đó trong giờ cao điểm. Căng thẳng là nguyên nhân và là một vấn đề phổ biến trong xã hội có nhịp độ nhanh và áp lực cao như hiện nay.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng căng thẳng kéo dài, liên tục có thể dẫn đến nhiều hậu quả về thể chất và tinh thần, đồng thời góp phần phát triển các bệnh như tiểu đường Loại 2, huyết áp cao và bệnh tim.

Việc ông Hof có thể tác động đến các hệ thống này gần như theo ý muốn là điều mà khoa học vẫn đang cố gắng tìm hiểu. Ông Hof rất sẵn lòng làm việc với các nhà khoa học mong muốn nghiên cứu cách ông đã thực hiện. Có nhiều nghiên cứu khoa học đa chiều đăng trên trang web của Wim Hof.

Bài học từ nỗi đau

Điều mà một số người có thể không biết về Wim Hof ​​là lý do tại sao ông lại \’phát hiện ra\’ khả năng này trong chính mình (mà theo ông thì ai cũng có khả năng đó).

Ở tuổi 22, Hof, một thanh niên có lối sống phóng túng ở Amsterdam, đã gặp một cô gái Tây Ban Nha xinh đẹp tên là Olaya. Ông yêu người phụ nữ ấy và họ có với nhau 4 người con. Hof nói rằng ông gọi bà ấy là “loài bướm” vì tính cách sôi nổi, hướng ngoại và khả năng nói chuyện với bất kỳ ai của bà. Nhưng ông kể rằng bà đã phải vật lộn với điều mà ông nghĩ là chứng trầm cảm nhẹ khi mới bước vào hôn nhân. Khi bốn đứa con ra đời, chứng trầm cảm dường như tồi tệ hơn, và theo ông mô tả, nó giống như “một cái bóng bước vào cuộc sống của họ, và cô ấy bắt đầu trôi theo cái bóng đen ấy”.

Olaya cuối cùng bị chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt. Hof giải thích rằng các bác sĩ và bác sĩ tâm thần sử dụng nhiều loại thuốc và phương pháp điều trị khác nhau nhưng vẫn không thể giúp bà ấy, và trạng thái tinh thần của bà ấy ngày càng trở nên tồi tệ.

Vào một buổi sáng sớm năm 1995, ở tuổi 35, Olaya hôn bốn đứa con của mình – lúc đó từ 7 đến 12 tuổi – và nhảy từ lầu tám, tự kết liễu đời mình.

Sự kiện thảm khốc này đã ném cuộc sống của Hof vào hỗn loạn và nỗi đau tưởng như có thể nuốt chửng ông. Tuy nhiên, như ông giải thích tại một số cuộc phỏng vấn về chủ đề này, ông không có thời gian để đau buồn hay đối mặt với nỗi đau tinh thần mà mình đang trải qua, vì lúc đó, ông chỉ có một mình với rất ít tiền và bốn đứa con nhỏ cần được chăm sóc.

Nhiều năm trước, ở tuổi 17, ông đã phát hiện ra tác dụng của nước lạnh, nhưng chỉ sau khi vợ ông qua đời, ông mới bắt đầu nhận ra tiềm năng trị liệu của nó.

Một ngày nọ, khi đang đi bộ qua một công viên, ông bị thu hút bởi một hồ nước tự nhiên với một lớp băng mỏng bao phủ ở trên bề mặt, và ông đã xuống nước. Ông đã đi sâu vào bên trong chính mình, và điều này đã khiến ông “tĩnh lặng”. Sau đó ông nhận ra rằng những gì đang xảy ra là mối liên hệ với những phần sâu hơn trong não, những điều bản nguyên hơn. Điều đó khiến ông cảm thấy thực sự dễ chịu, ông không những không cảm thấy lạnh mà còn cảm thấy mạnh mẽ.

Kể từ sau cái chết của vợ, lần đầu tiên nội tâm ông đạt đến sự tĩnh lặng bất ngờ. Khi chìm trong làn nước băng giá, nỗi đau buồn dày vò ông bấy lâu biến mất và ông đã cảm thấy bình yên. Ông nói rằng dòng nước lạnh đã đưa ông tới sự tĩnh lặng, và sự tĩnh lặng trong tâm trí khiến trái tim ông có cơ hội được nghỉ ngơi và hồi phục. Ông tin rằng nước lạnh đã giúp ông chữa lành trái tim tan vỡ của mình.

Hof cho biết chính tại thời điểm ấy, ông đã hiểu được lợi ích sâu sắc của các chiến lược mà ông đang sử dụng – nước lạnh, kỹ thuật thở và tư duy tích cực. Con trai cả của ông, Enahm, là người đã khuyến khích cha mình biến những hiểu biết sâu sắc của mình thành công việc kinh doanh, và vì muốn giúp đỡ người khác nên ông đã đồng ý.

Hof đau lòng khi trả lời các cuộc phỏng vấn rằng ông đã không thể giúp vợ mình, rằng khi ấy ông chưa tìm đến phương pháp này. Giá như lúc ấy ông biết đến chúng, ông đã có thể chữa lành bệnh cho vợ. Giờ đây, ông tự nhận mình là \”người giản dị\” – đang truyền dạy các phương pháp của mình cho các bác sĩ tâm thần, bác sĩ và giáo sư, trên toàn thế giới, để chữa lành trái tim và tâm trí cho nhiều người.

Có vẻ như Hof, qua nhiều năm luyện tập và phát triển, đã đạt được khả năng kiểm soát gần như siêu phàm đối với tâm trí và cơ thể của mình. Ông khám phá ra một điều mà lĩnh vực tâm thần học và y học không có được – một cách tự nhiên để thoát khỏi nỗi đau buồn và một con đường để phát triển cái mới vượt ra khỏi khả năng của con người.

Trong khi nhiều người kinh ngạc trước sự cống hiến và sự kiên trì bền bỉ của ông khi đạt được những kỳ tích to lớn về thể chất và tinh thần trong điều kiện băng giá, Hof nói rằng đau khổ chẳng là gì so với nỗi đau của trái tim tan vỡ.

Mặc dù hầu hết mọi người có thể biết đến ông với biệt danh \’người băng\’ nhờ khả năng siêu phàm trong việc kiểm soát tâm trí và cơ thể, nhưng Hof mang đến những bài học ngoài kiểm soát nhiệt độ và hơi thở. Tất cả chúng ta đều sẽ gặp bi kịch trong đời mình. Tất cả chúng ta sẽ phải đối mặt với nghịch cảnh, và khi điều đó xảy ra, chúng ta có một sự lựa chọn. Chúng ta có thể bị suy sụp trước những trải nghiệm đó nhưng cũng có thể biến chúng thành một điều gì đó đẹp đẽ.

Trong trường hợp của Hof, ông đã lựa chọn cách thứ hai. Những gì ông đã tạo ra là mở rộng hiểu biết khoa học về cơ thể và tâm trí con người và cho chúng ta thấy khả năng phục hồi của tinh thần con người.

Theo The Epoch Times tiếng Anh
Thùy Minh biên dịch

Bài Liên Quan

Leave a Comment