31 tháng 1 2023
Các diễn biến liên quan đến Ukraine và địa chính trị khu vực hôm đầu tuần được nhắc đến nhiều là câu trả lời của Tổng thống Joe Biden, bác bỏ ý tưởng cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine.
Thủ tướng Đức, Olaf Scholz trước đó đã nói lời tương tự, cho rằng đem F-16 cho Kiev là “bất cẩn”.
Tuy thế, xu hướng tăng cường quốc phòng và tìm kiếm đồng minh bảo vệ Ukraine và đề cao dân chủ tại Đông Âu vẫn đang tăng lên.
Ba Lan tuyên bố sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên gần 100 tỷ zloty, gần đạt 4% GPD, cao nhất trong Nato.
Cùng ngày 30/01, Tổng thống vừa đắc cử hôm 29/01 của CH Czech đã điện đàm trực tiếp với nữ Tổng thống Đài Loan bất chấp sự khó chịu của Bắc Kinh.
Cho xe tăng, không cho F-16
Trả lời câu hỏi từ một nhà báo hôm 30/01/2023 rằng liệu Hoa Kỳ có ủng hộ cho không quân Ukraine bằng chiến đấu cơ hiện đại F-16 hay không, ông Biden đáp ngắn gọn ‘No’ (Không).
Từ một thời gian qua, các nhà lãnh đạo Ukraine kêu gọi “lập liên minh chiến đấu cơ” để các nước đồng minh giúp Kyiv bảo vệ bầu trời chống lại không quân Nga.
Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine, ông Andrii Melnyk nói một “liên minh phi cơ chiến đấu” sẽ gồm các nước đóng góp Eurofighter, Tornado, Rafale và Gripen, bên cạnh F-16 của Mỹ.
Hiện chưa rõ quan chức các nước kia, như Thụy Điển nằm ngoài Nato nhưng có phi cơ Gpipen nổi tiếng, hay các nước trong Nato: Pháp có dòng Rafale, Anh có Tornado…phản ứng ra sao.
Chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon sản xuất tại Preston, Anh Quốc là sản phẩm chung của các tập đoàn vũ khí Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha.
Hôm Chủ Nhật, Thủ tướng Scholz nói Đức sẽ không cung cấp F-16 cho Ukraine.
Hoa Kỳ cho rằng các quốc gia đồng minh trong và ngoài Nato cần tập trung “hỗ trợ Ukraine ở các lĩnh vực quốc phòng khác”, ngoài không quân, theo Reuters.
Ba Lan xây dựng lục quân \’mạnh nhất châu Âu\’
Ba Lan, quốc gia đi đầu ở Đông Âu trong việc hợp tác với Ukraine, vừa công bố ngân sách quốc gia năm 2023, nâng chi tiêu quốc phòng lên 97,4 tỷ zloty (hơn 22 tỷ USD), gần bằng 4% GDP.
Đây là mức tăng đáng kể, so với khoản chi tiêu 37 tỷ zloty năm 2015.
Theo Thủ tướng Mateusz Morawiecki phát biểu về ngân sách quốc phòng mới khi đến thăm Sư đoàn Cơ giới 18 tại Siedlce, kinh tế Ba Lan phát triển đều và thu ngân sách cao hơn, cho phép chính phủ tăng đầu tư “hiện đại hóa các quân binh chủng”, theo báo Ba Lan.
GDP của Ba Lan tăng ấn tượng trong 10 năm qua, từ khoảng 495 tỷ USD năm 2012 tới 717 tỷ năm ngoái, theo một số ước tính.
Các báo quốc tế nói Ba Lan có tham vọng xây dựng binh chủng lục quân mạnh nhất EU, với tổng quân số các quân binh chủng hiện nay đã đạt 164 nghìn, từ khoảng 95 nghìn hồi 2015.
Theo trang Politico, Ba Lan đặt mục tiêu tăng số quân lên 300 nghìn, trên tổng dân số 40 triệu, so với Đức hiện có khoảng 180 nghìn trên 83 triệu dân.
Học thuyết quốc phòng của Ba Lan lấy bộ binh làm nòng cốt nhưng tăng cường không quân, thiết giáp, pháo binh, hỏa tiễn bắn chặn để bảo vệ lãnh thổ.
Đa số các nước Nato khác, ngoài Mỹ và Hy Lạp đang chật vật chi 2% hoặc 2,4% GDP cho quân sự.
Cuộc chiến ở Ukraine tạo động lực cho Ba Lan tăng cường quân bị, bỏ dần các vũ khí thời Khối Hiệp ước Warsaw và mở rộng các quan hệ quốc phòng, quân khí xa, gần.
Ví dụ, năm 2022, Warsaw ký hợp đồng trị giá 23 tỷ zloly (4,9 tỷ euro) mua 250 xe tăng Abrams từ Hoa Kỳ, để thay thế cho 240 tăng thời Liên Xô nay gửi tặng Ukraine.
Ba Lan đã đặt mua F-16 của Mỹ cho không quân và đến năm 2020 làm châu Âu sửng sốt với hợp đồng 4,6 tỷ USD mua 32 chiếc F-35.
Warsaw còn ký với Seoul các hợp đồng 12 tỷ USD để hợp tác chế tạo hoặc đặt mua nhiều xe tăng, phi cơ chiến đấu, pháo tự hành và súng cối.
Với quan điểm xuyên suốt là không quá tin vào các đồng minh \’gần nhà\’ như Pháp, Đức, Ba Lan tìm đến Hàn Quốc để mở rộng phạm vi cung cấp vũ khí.
Con số xe pháo mà Hàn Quốc sẽ cung cấp cho Ba Lan đã làm nhiều nhà quan sát chóng mặt: 1000 xe tăng K2 và 600 pháo tự hành K9, hơn 200 giàn phóng rocket Chunmoo.
Czech chọn tân tổng thống chống Nga, thân Đài Loan
Cuộc bầu cử tổng thống vừa qua tại CH Czech đã thay thế nhân vật thân Nga, Milos Zeman bằng cựu tướng Nato Petr Pavel.
Từ 2014, ông Zeman là một trong số ít các lãnh đạo EU và Nato liên tục kêu gọi tránh phê phán Vladimir Putin, và gần như coi việc Nga sáp nhập Crimea là sự đã rồi, cần công nhận.
Tháng 4/2021, chính phủ Czech đặt câu hỏi có phải Nga đứng đằng sau hai vụ nổ ở miền Đông CH Czech, nhưng ông Zeman nhanh chóng gạt đi.
Chỉ sau khi Nga xâm lăng Ukraine tháng 2/2022, Milos Zeman mới thay đổi quan điểm và có lúc đòi “đem Putin ra tòa xử”.
Năm nay, ông Zeman không ra tranh cử mà cuộc chạy đua thuộc về hai ông Petr Pavel, cựu quân nhân 61 tuổi và nguyên Thủ tướng Andrei Babis, một tỷ phú theo đường lối dân tuý.
58% cử tri CH Czech đã chọn ông Petr Pavel, người gia nhập quân đội Tiệp Khắc thời XHCN và từng vào Đảng Cộng sản (1985) làm tân tổng thống.
Sau khi Czech thay đổi thể chế, ông theo đường lối ủng hộ Phương Tây, đã học tại King’s College, London và trở thành chỉ huy một ủy ban tại Đại bản doanh khối Nato ở châu Âu.
Chức vụ cuối cùng của ông trong quân đội Czech là Tổng tham mưu trưởng. Ông ra ứng cử với tư cách độc lập và chủ trương ủng hộ Ukraine chống lại Nga.
Động tác đầu tiên của ông Pavel với châu Á là có cuộc điện đàm với nữ Tổng thống Đài Loan, Thái Anh Văn, bất chấp sự khó chịu của Bắc Kinh hôm 30/01.
Không chỉ khẳng định sự ủng hộ của chính quyền Czech cho Đài Loan, ông Pavel và bà Thái Anh Văn còn công khai đề xuất việc phối hợp bảo vệ các giá trị tự do, dân chủ và nhân quyền trên thế giới. Ông cũng bày tỏ mong muốn hội kiến bà trong tương lai.
CHND Trung Hoa đã lên tiếng trước đó, bày tỏ hy vọng CH Czech “tôn trọng chính sách Một nước Trung Hoa”.