Đăng ngày: 01/02/2023
Trong khi một số nước phương Tây tuyên bố sẵn sàng cấp máy bay tiêm kích cho Ukraina, thì nhiều đồng minh của Kiev, trong đó có Hoa Kỳ, e ngại làm như vậy sẽ đẩy nước Nga leo thang quân sự. Nguy cơ xung đột với Nga chỉ là một trong nhiều trở ngại cho việc đáp ứng yêu cầu của Ukraina về chiến đấu cơ
Vừa mới được phương Tây hứa cấp chiến xa hạng nặng, hôm 25/01/2023, tổng thống Volodymyr Zelensky đã kêu gọi các đồng minh viện trợ luôn cả chiến đấu cơ để chống trả quân xâm lược Nga. Thứ Hai vừa qua, trên mạng Twitter, quân đội Ukraina còn gợi ý với Hà Lan: “ Chúng tôi thật sự rất cần những chiếc F-16!” Đây là loại chiến đấu cơ được trang bị cho không quân nhiều nước thành viên khối NATO.
Mặc dù chính quyền Kiev khẩn thiết kêu gọi, các nước đồng minh của Ukraina cho tới nay vẫn chưa đồng nhất ý kiến và chưa thể đưa ra quyết định chung. Các nước như Hà Lan, Ba Lan, hay Slovakia thì cho biết đang “ ráo riết xem xét” việc cấp chiến đấu cơ cho Kiev. Những nước khác, như Pháp, thì tỏ ra rất thận trọng. Ngày 30/01 vừa qua, tại La Haye, khi được hỏi về vấn đề này, tổng thống Emmanuel Macron chỉ trả lời: “ Về nguyên tắc thì không có gì cấm cản”. Về phần Hoa Kỳ, tổng thống Joe Biden đã thẳng thừng từ chối giao chiến đấu cơ Mỹ F-16 cho Ukraina.
Trở ngại chính cho việc giao máy bay tiêm kích cho Kiev đó là nguy cơ leo thang trong cuộc chiến tranh Ukraina. Đây là lập luận mà Đức đưa ra để biện minh cho quyết định không cấp thiết bị quân sự này cho Ukraina. Trả lời báo chí Đức hôm Chủ nhật 29/01, thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố: “ Vấn đề thậm chí không được đặt ra”. Ông còn trấn an: “ Không hề có chiến tranh giữa NATO và Nga”. Sau khi Đức bật đèn xanh cho việc cấp chiến xa hạng nặng Leopard 2 cho Ukraina, đại sứ Nga tại Berlin đã tuyên bố trên mạng Telegram: “ Đây là một quyết định cực kỳ nguy hiểm, sẽ đưa cuộc xung đột lên một cấp độ cao hơn”.
Về phần mình, Pháp cũng không tính đến việc giao chiến đấu cơ Rafale hay Mirage 2000 cho Kiev, với lý do là nhu cầu thiết yếu của quân đội Ukraina hiện nay là các khẩu pháo, hệ thống phòng không và xe thiết giáp.
Ngoài nguy cơ leo thang quân sự với Nga, lý do thứ hai khiến nhiều nước phương Tây không muốn giao chiến đấu cơ cho Kiev, đó là sẽ rất khó mà bù đắp lại các phi đội, chẳng hạn như đối với Hoa Kỳ, sẽ không thể nhanh chóng sản xuất những chiếc F-16 để thay thế cho những chiếc được cấp cho Kiev.
Một lý do khác, đó là chiến đấu cơ chưa hẳn sẽ giúp quân đội Ukraina giành lợi thế nhiều trước quân Nga. Trả lời nhật báo Le Parisien ngày 26/01/2023, chuyên gia về vũ khí Stéphane Audrand lưu ý là cả hai bên Ukraina và Nga đều có một hệ thống phòng không dày đặc, cho nên bay trên một máy bay tiêm kích “khá là nguy hiểm”.
Mặt khác, còn phải tính đến việc đào tạo phi công để lái các chiến đấu cơ của phương Tây và bảo trì các máy bay đó. Trên tờ Le Monde ngày 30/01/2023, Jean-Christophe Noel, một nhà nghiên cứu nguyên là phi công máy bay tiêm kích, cho biết học lái chiến đấu cơ lâu hơn nhiều so với học lái xe tăng. Theo ông, tùy kinh nghiệm của phi công, điều khiển F-16 không phức tạp lắm, nhưng để làm chủ được hệ thống vũ khí của loại phi cơ này, phải mất từ 6 đến 8 tháng luyện tập.
Nói chung, cấp chiến đấu cơ cho Ukraina sẽ rất tốn kém, huy động những nguồn tài chính mà theo lẽ có thể được dùng cho việc tăng cường các phương tiện khác, chẳng hạn như hệ thống phòng không, quân xa, đạn dược …