Đăng ngày: 06/02/2023
Chủ Nhật, ngày 05/02/2023, những biện pháp trừng phạt mới của Liên Hiệp Châu Âu nhắm vào dầu lửa Nga bắt đầu có hiệu lực. Đây là chuỗi trừng phạt thứ sáu của Liên Âu nhắm vào Nga từ khi chiến tranh bùng nổ ở Ukraina. Sau lệnh cấm nhập khẩu dầu thô Nga bằng đường biển ban hành hồi tháng 12/2022, từ nay Matxcơva có nguy cơ không bán được các loại sản phẩm tinh chế từ dầu của Nga cho 27 nước thành viên Liên Âu.
Cụ thể, theo Le Figaro, đối với dầu thô, bên mua dầu của Nga nếu muốn được hưởng các dịch vụ có liên quan đến vận tải đường biển (bảo hiểm, vận chuyển…) hiện chủ yếu do phương Tây cung cấp, thì không được mua vượt quá mức giá trần 60 đô la/thùng. Giá dầu thô của Nga trên thị trường thế giới hiện nay là 50 đô la/thùng, thấp hơn 1/3 so với Brent, tham chiếu quốc tế.
Đối với các sản phẩm tinh chế từ dầu Nga, Liên Hiệp Châu Âu và nhóm G7 đồng thuận áp mức giá trần kép : 100 đô la/thùng đối với các loại phẩm đắt tiền như diesel (giá thị trường thế giới là 120 đô la) và 45 đô la cho các dòng sản phẩm thấp hơn như dầu sưởi.
Mục tiêu của lệnh cấm vận và áp mức giá trần rất rõ ràng : Làm suy giảm nguồn tài trợ cỗ máy chiến tranh của điện Kremlin. Phương Tây hy vọng có thể hạn chế nguồn xuất khẩu dầu hỏa và làm sụp đổ nguồn thu này của Nga, vốn chiếm đến 30% doanh thu trước khi có chiến tranh.
Nhưng theo nhiều nhà quan sát, những biện pháp này của EU khó có những tác động đáng kể trên thị trường thế giới cho dù đã có một số biến động trong năm 2022 khi Nga phát động cuộc chiến xâm lược. Không những nạn khan hiếm nhiên liệu đã không xảy ra, mà thị trường thế giới đã tự điều chỉnh, định hướng dòng trao đổi mậu dịch, theo như quan sát của nhà nghiên cứu về năng lượng, Francis Perrin, giám đốc nghiên cứu Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược, được tờ Le Figaro trích dẫn.
Hiện tượng này cũng sẽ xảy ra tương tự đối với biện pháp áp mức giá trần vừa có hiệu lực. Ano Kuhanathan, phụ trách mảng nghiên cứu tại Allianz Trade, dự báo, « từ vài tuần nay, Nga xuất khẩu sang thị trường châu Á nhiều hơn là sang châu Âu. » Xuất khẩu dầu hỏa Nga sang châu Âu bị giảm đến gần một nửa, trong khi mức cung cấp từ các nhà khai thác dầu hỏa từ Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục. Và trong một chừng mực nào đó, lệnh cấm vận các sản phẩm tinh chế từ dầu Nga có nguy cơ làm xáo trộn thương mại nhiều hơn là so với dầu thô.
Nếu như một bộ phận lớn các nhà quan sát dự báo giá dầu hỏa sẽ lại tăng lên trong năm 2023 sau khi sụt giảm nhẹ trong 6 tháng cuối năm 2022, thì mức tăng này, sẽ không đến từ các lệnh trừng phạt, mà có thể đến từ việc Trung Quốc đột ngột mở cửa biên giới sau ba năm đóng chặt phòng dịch bệnh Covid-19.
Là quốc gia tiêu thụ dầu hỏa lớn hàng thứ hai trên thế giới, Trung Quốc mở cửa trở lại cũng đồng nghĩa với việc tiêu thụ vàng đen sẽ phải tăng lên, đặc biệt là thông qua việc tăng tiêu dùng trong vận tải chẳng hạn, và nhất là phải củng cố lại kho dự trữ dầu hỏa của đất nước.
Một số chuyên gia còn cho rằng nhu cầu dầu lửa của Trung Quốc sẽ tăng trở lại một khi nước này đạt được miễn dịch cộng đồng hậu Covid-19. Chuyên gia Francis Perrin, khẳng định « thị trường sẽ cân bằng giữa cung và cầu. Sự năng động của Trung Quốc sẽ là một trong số các điểm mấu chốt cho tiến triển giá cả dầu thô thế giới trong năm 2023 ».
Về phía Nga, nếu như các biện pháp trừng phạt và cấm vận của phương Tây phần nào làm giảm sụt nguồn thu của Nga, thì nhìn chung, giới quan sát đều có chung một nhận xét, hiệu quả của những biện pháp này hiện khó đo lường. Thị trường thế giới dầu lửa trước đây đồng nhất thì giờ đây bị phân mảnh « tùy theo những nước nào có quan hệ giao dịch với Nga hay không », ông Patrice Geofron, giáo sư kinh tế trường đại học Paris Dauphine giải thích.
Nhiều con đường dầu hỏa mới được hình thành, cho dầu thô cũng như dầu tinh chế. Một số nước như Ấn Độ hay Trung Quốc mua dầu lửa nhiều hơn so với nhu cầu, để bán lại, thì cùng lúc, những cơ sở hạ tầng vận chuyển và tài chính « ma » đã được củng cố và mở rộng. The Economist, cảnh báo, « Thay vì biến mất, thị trường chợ đen sẽ nở rộ khi một chuỗi trừng phạt mới sẽ được áp dụng ! »