Đăng ngày: 06/02/2023
Công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) ChatGPT vừa mới được tung ra công chúng chưa được bao lâu đã gây ra cơn sốt ở khắp nơi trên thế giới. Nếu như nhiều người sử dụng cảm thấy thú vị, phấn khích thì cũng có không ít người lo ngại về khả năng gần như không giới hạn của trí tuệ nhân tạo. Sử dụng ChatGPT đang đặt ra nhiều vấn đề cho giáo dục và pháp lý.
Vì những lo ngại có thể trở thành một công cụ để gian lận hay đạo văn, Chat PGPT và một số thiết bị trí tuệ nhân tạo khác giờ đây ngày càng gây nhiều tranh cãi. Ở khắp nơi trên thế giới nhiều trường học, đặc biệt hệ thống Đại học đang tính đến việc cấm công cụ trí tuệ nhân tạo.
Tháng 11-2022, OpenAI,công ty khởi nghiệp nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, có trụ sở tại San Francisco, bang California, Hoa Kỳ đã ra mắt sản phẩm thử nghiệm chatbot ChatGPT, mô phỏng cuộc trò chuyện giữa người với người. ChatGPT có thể xử lý hầu hết những yêu cầu từ bài viết mang tính hàn lâm cho đến một công thức nấu ăn đơn giản hay những câu chuyện phiếm.
Sự thông minh của ChatGPT đã tạo ra một cơn sốt người dùng khi vừa trình làng. Cụ thể, chatbot đã có 1 triệu người dùng chỉ sau năm ngày ra mắt. Để đạt được con số này, mạng xã hội Instagram phải mất 2,5 tháng, trong khi dịch vụ cung cấp âm thanh kỹ thuật số Spotify và dịch vụ lưu trữ tập tin trực tuyến miễn phí Dropbox phải mất lần lượt là năm và bảy tháng, theo trang thống kê Statista. Thành công của Công ty công nghệ OpenAI cũng nhanh chóng trở thành mối lo lắng của ngày càng nhiều ngành nghề lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục. Nhiều cơ sở trường học đã nhận thấy mặt trái tiềm ẩn của công cụ trí tuệ nhân tạo, tìm cách hạn chế và thậm chí cấm các học sinh sinh viên sử dụng ChatGPT trong thi cử cũng như làm bài tập ở nhà.
Elon Musk, một trong những nhà đầu tư cho OpenAI tạo ra ChatGPT, hồi đầu tháng Giêng vừa qua đã hân hoan viết trên Twitter : « Đây là thế giới mới. Vĩnh biệt các bài tập về nhà ! ».
Trường đại học lớn đầu tiên ở châu Âu đã có nỗ lực ngăn chặn làn sóng ChatGpt đó là trường Science-Po, Paris (Trường Khoa học Chính trị). Cuối tháng Giêng, trường đã ra quy định cấm sinh viên sử dụng ChatGPT trong tất cả các bài viết hoặc trình bày miệng, nếu vi phạm sẽ bị đuổi khỏi trường.
Bộ trưởng Giáop Dục Pháp, Pap Ndiaye, hôm 02/02 vừa qua trên đài phát thanh France Inter đã nhấn mạnh cần phải can thiệp ngay trước sự xuất hiện của công nghệ mới này.
Tại bốn trong sáu bang của nước Úc, trong hệ thống các trường phổ thông công lập, ChatGPT đã bị cấm sử dụng từ hồi tháng Giêng nhờ một hệ thống tường lửa, tức một ứng dụng riêng được cài đặt bắt buộc vào điện thoại của các học sinh trong giờ học tại trường. Các trường đại học danh tiếng của nước Úc cũng như nhiều trường khác ở Mỹ đang tính toán đến khả năng tăng cường các bài kiểm tra tại chỗ bằng « giấy và bút » hoặc tìm biện pháp giám sát đối với các sinh viên từ xa.
Thành phố New York thậm chí đã ra quy định cấm ChatGPT trong các trường công trên tất cả các thiết bị học sinh sử dụng và của trường vì lý do lo ngại tình trạng sao chép, đạo văn, làm cho người học trở nên thiếu tinh thần phê bình sáng tạo. Gần đây đã có nhiều trường học ở các thành phố như Seatle và Los Angeles làm theo.
Tại Ấn Độ, Đại học RV.University của Bangalor đã cấm sử dụng ChatGPT tại trường và dự trù tổ chức nhiều kỳ kiểm tra bất ngờ cho sinh viên. Tại Anh Quốc, Cơ quan quản lý các kỳ thi sát hạch muốn soạn thảo một hệ thống quy định mới cho các trường học. Hồi tháng 12 năm ngoái, một nghị sĩ của nước này đã gây ấn tượng khi đọc một bài diễn văn do ChatGPT viết ra bằng giọng văn của Churchill.
Đại học Strasbourg, Pháp, mới đây đã phát hiện khoảng hai chục sinh viên đã gian lận với sự trợ giúp của công cụ trí tuệ nhân tạo trong một bài kiểm tra làm từ xa. Số sinh viên này sau đó đã phải làm lại bài thi tại chỗ.
Cuộc hội thảo về Machine Learning (học tự động) diễn ra tại Mỹ hồi tháng Giêng vừa qua đã từ chối các phần trình bày do ChatGPT thực hiện. Trước làn sóng tẩy chay đang nổi lên, OpenAi vừa thông báo ra một chương trình giúp phân biệt văn bản do ChatGPT viết với một văn bản do con người soạn thảo. Nhưng hiện tại, công ty thừa nhận, chương trình này « không hoàn toàn tin cậy ».
Tuy nhiên những người hâm mộ công cụ mới, như Sébastien Bubek, nhà nghiên cứu lĩnh vực Machine Learning tại Micosoft đã chỉ trích những người chống ChatGPT là « thiển cận », rằng « ChatGPT là tương lai, cấm không phải là giải pháp ». Nhiều người phản bác việc cấm đoán ChatGPT đã nhắc lại những biện pháp sử dụng máy tính hay tra cứu trang Wikipedia đã từng bị cấm trong trường học nhưng cuối cùng đã phải bỏ. Nhìn chung các trường Đại học chủ trương quản lý chặt hơn là cấm. Ông Bernardino Leon, nhà nghiên cứu của trường Science-Po trên một diễn đàn của nhật báo Le Monde còn khẳng định trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ sức sáng tạo của con người.
Khung pháp lý chưa có
Như vậy chỉ sau hơn hai tháng được tung ra sử dụng rộng rãi, công cụ ChatGPT đã trở thành một ứng dụng có sự phát triển nhanh nhất trong lịch sử phát triển công nghệ hiện đại, theo một nghiên cứu của công ty dịch vụ tài chính tại Thụy Sĩ UBS, dựa trên cơ sở những dữ liệu phân tích của công ty phân tích Similarweb.
Nhưng ứng dụng này cũng nhanh chóng lộ rõ những góc khuất của công nghệ trí tuệ nhân tạo, còn quá mới mẻ chưa có khung pháp lý nào để điều chỉnh từ các nhà quản lý.
Mới đây trả lời phỏng vấn của Reuters, ông Thierry Breton, ủy viên châu Âu về thị trường nội địa của EU đã nhận định rằng, quy định trong tương lai về trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ phải nhằm trả lời được những lo lắng liên quan đến các nguy cơ mà ChatGPT đang đặt ra. Các nguy cơ cho thấy rõ ràng cần phải khẩn cấp có các quy định. Mục đích là làm sao thiết lập được một chuẩn mực thế giới về trí tuệ nhân tạo. Công nghệ trí tuệ nhân tạo, đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong các loại điện thoại thông minh, xe ô tô tự hành, mua bán trên mạng, và trong các ngành công nghiệp khác nhau. Nhất là trong điều kiện đến giời hai cường quốc Hoa Kỳ và Trung Quốc đang thống trị lĩnh vực này.
Ông Thierry Breton tuyên bố với Reuters: “ Như ChatGPT đã cho thấy, các giải pháp của trí tuệ nhân tạo có thể mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp và công dân,nhưng nó cũng có thể tạo ra những rủi ro. Vì thế chúng ta cần một khung pháp lý vững chắc để bảo đảm AI xứng đáng có được độ tin cậy trên cơ sở những dữ liệu chất lượng cao ». Đây là một bình luận đầu tiên của một quan chức cao cấp Liên Hiệp Châu Âu về ChatGPT.
Theo dự thảo quy định của EU, ChatGPT được coi là một hệ thống trí tuệ nhân tạo ứng dụng rộng có thể sử dụng vào nhiều mục đích, bao gồm cả một số mục đích có tính rủi ro cao, chẳng hạn như trong đánh giá các rủi ro khi vay mượn tài chính. Với hệ thống quy định mới rất có thể sẽ khiến nhiều công ty trong lĩnh vực này phải giảm tốc độ phát triển trí tuệ nhân tạo vì sẽ phải tuân thủ theo các chuẩn mực ngặt nghèo dẫn đến giá thành sản phẩm bị đội cao.
Ủy viên châu Âu về thị trường nội địa Thierry Breton cũng cho biết Ủy Ban Châu Âu đã hợp tác chặt chẽ với Hội Đồng và Nghị Viện Châu Âu để làm sáng rõ các quy định về trí tuệ nhân tạo trong các hệ thống rủi ro cao. Riêng đối với ChatGPT, các quy định đặt ra các yêu cầu rất khắt khe về tính minh bạch trong vấn đề sử dụng.
AI, trí tuệ nhân tạo đang tạo ra một áp lực ngày càng lớn đối với nhiiều lĩnh vực đời sống của con người.