Nga nỗ lực gia tăng ảnh hưởng tại châu Phi để chống phương Tây

Đăng ngày: 08/02/2023

\"\"
\"\"
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mali Abdoulaye Diop họp báo sau cuộc hội đàm tại Bamako,Mali, ngày 07/02/2023. © Ministère russe des Affaires étrangères/ via REUTERS

Thanh Phương

Chuyến thăm Mali của ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov hôm qua, 07/02/2023, đã được hai nước mô tả là một chuyến thăm “lịch sử”, vì đây là lần đầu tiên một lãnh đạo ngoại giao Nga đến thăm Mali. Nhưng đây không chỉ là một chuyến đi có ý nghĩa về quan hệ song phương, mà còn cho thấy Matxcơva đang nỗ lực gia tăng ảnh hưởng tại châu Phi để chống phương Tây.

Tại thủ đô Bamako, ngoại trưởng Lavrov đã ca ngợi liên minh mới giữa Mali và Nga để chống quân thánh chiến Hồi Giáo đang hoành hành trong khu vực. Ngoại trưởng Nga hứa sẽ tiếp tục viện trợ cho Mali vũ khí và nhân lực, cụ thể là sẽ gởi hàng trăm người đến quốc gia châu Phi này. Theo các nguồn tin khác nhau, đó có thể là các sĩ quan huấn luyện Nga, hoặc lính đánh thuê của tập đoàn tư nhân Nga Wagner. 

Không chỉ đối với Mali, ông Lavrov còn hứa là Matxcơva sẽ giúp toàn bộ các quốc gia khu vực Sahel và vùng Vịnh Guinea để chống khủng bố Hồi Giáo. Không những thế, ngoại trưởng Nga còn cam kết Matxcơva “sẽ hỗ trợ để giải quyết các vấn đề ở lục địa châu Phi, dựa trên nguyên tắc là phải giải quyết các vấn đề châu Phi bằng các giải pháp của châu Phi”.

Ông Lavrov còn khẳng định “những hành động của phương Tây ở châu Phi cũng giống như ở toàn bộ những nơi khác trên thế giới, kể cả tại châu Âu, nơi mà họ dùng Ukraina như một đầu cầu để tiến hành một cuộc chiến tranh chống Nga”.

Cộng thêm Mali, như vậy là chỉ trong vòng 7 tháng, từ tháng 7 năm ngoái đến nay, ngoại trưởng Lavrov đã đi thăm tổng cộng 9 quốc gia châu Phi. Sắp tới đây, lãnh đạo ngoại giao Nga sẽ công du các nước Mauritania, Maroc và Tunisia. Có thể nói là không có nơi nào mà Matxcơva cảm thấy “thoải mái” như ở châu Phi, bởi  vì nhiều quốc gia của châu lục này, trong đó có Mali, vẫn không lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraina. 

Ngoại trưởng Mali thì không ngần ngại nói đến một trục “Bamako-Matxcơva ”. Hôm qua, lãnh đạo ngoại giao hai nước đã bác bỏ các chỉ trích của phương Tây về liên minh Nga-Mali, cũng như về những vụ vi phạm nhân quyền do đồng minh Nga gây ra tại Mali. Chưa tới 48 tiếng đồng hồ trước khi ông Lavrov đến thăm, tập đoàn quân sự cầm quyền ở Mali đã trục xuất giám đốc đặc trách nhân quyền của phái bộ Liên Hiệp Quốc (MINUSMA). 

Đà gia tăng ảnh hưởng của Nga đang gây lo ngại càng nhiều cho các nước phương Tây. Kể từ năm 2020 đến nay, các vụ đảo chánh quân sự đã xảy ra không chỉ ở Mali, mà cả ở Guinea và Burkina Faso, các quốc gia đều ở vùng Sahel. Tình hình mất ổn định tại khu vực này có lợi cho Nga, nhất là vì sau Mali, đến lượt Burkina Faso cũng yêu cầu quân Pháp rút khỏi nước này, cắt giảm hơn nữa sự hiện diện của phương Tây tại châu Phi.  Trong một vùng mà trước đây dưới sự kiểm soát của Pháp, Matxcơva bị tố cáo là đang huy  động cả một cỗ máy tuyên truyền chống Pháp, quốc gia bị xem là có những tham vọng “tân thực dân”. 

Theo các chuyên gia, ngoài Mali, ảnh hưởng của Nga còn được thấy rõ ở Trung Phi, một trong quốc gia nghèo nhất và mất ổn định nhất ở châu Phi. Ngay sau khi quân đội Pháp rút đi, quân Nga đã thay thế, cung cấp vũ khí cho chính quyền Trung Phi. Hiện nay tại Trung Phi có đến 1.500 lính đánh thuê của Wagner. Dĩ nhiên là có qua thì phải có lại. Đổi lấy sự yểm trợ quân sự, Trung Phi phải để cho Nga tham gia khai thác các mỏ vàng và kim cương.

Nói chung, tại những nước châu Phi mà họ đang cố gia tăng hiện diện, Matxcơva đều tranh thủ khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản và năng lượng dồi dào của châu lục này, đồng thời thông qua châu Phi, Nga có thể lách các trừng phạt mà phương Tây ban hành do cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina. 

Nói tóm lại, châu Phi ngày càng trở thành một mặt trận thứ hai của Nga trong cuộc đối đầu với phương Tây.

Bài Liên Quan

Leave a Comment