Đăng ngày: 10/02/2023
Với số nạn nhân tử vong lên đến ít nhất 21.700 người tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, theo số liệu sáng hôm nay 10/02/2023, trận động đất 7,8 độ Richter xảy ra tại hai nước hôm 06/02 đứng thứ 8 trong số 10 vụ động đất gây chết chóc nhiều nhất tính từ đầu thế kỷ XXI đến nay.
Theo đánh giá của cơ quan thẩm định tài chính Fitch, thiệt hại kinh tế do động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có thể lên tới hơn 4 tỉ đô la. Ngân hàng thế giới hôm 09/02/2023 thông báo tài trợ ngay lập tức 1,78 tỉ đô la cho Thổ Nhĩ Kỳ, để hỗ trợ công tác cứu nạn, đồng thời phục vụ công cuộc tái thiết đất nước. Mỹ thông báo tài trợ cho hai nước 85 triệu đô la. Theo AFP, bộ Ngoại Giao Pháp, ngày 09/02 thông báo tài trợ khẩn cấp 12 triệu euro, thông qua các tổ chức phi chính phủ và Liên Hiệp Quốc, cho các vùng của Syria hứng chịu thảm họa.
Trên Twitter, chủ tịch Ủy ban Hồng thập Tự quốc tế Mirjana Spoljaric, tối hôm qua, cho biết đã đến Alepo, Syria, nơi bà cho rằng đang bị tê liệt vì trận động đất kinh hoàng, nhất là sau nhiều năm chiến tranh ác liệt.
Cũng hôm qua, tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Tedros Adhanom Ghebreyesus, đang trên đường đến Syria. Tổ Chức Y Tế Thế Giới hiện giờ lo ngại một cuộc khủng hoảng y tế lớn sau động đất sẽ còn gây ra nhiều thiệt hại hơn cả chính vụ động đất hôm 06/02. Các tổ chức nhân đạo đặc biệt lo ngại về sự lây lan của dịch tả, vừa xuất hiện trở lại tại Syria.
Trước tình hình khó khăn tại Syria, Liên Hiệp Quốc kêu gọi không chính trị hóa viện trợ nhân đạo.
Từ New York, thông tín viên Carrie Nooten giải thích :
“Người đứng đầu Liên Hiệp Quốc, ông Antonio Guterres, đã nói rất rõ ràng : do quy mô thảm họa và các nhu cầu, không một lệnh trừng phạt nào được phép cản trở việc viện trợ cho người dân. Ông Guterres cũng đã cử Martin Griffiths, người được xem là trợ giúp đắc lực nhất cho ông về các vấn đề viện trợ nhân đạo, trực tiếp đến khu vực có liên quan. Martin Griffiths đã đến nơi vào sáng hôm nay, đặc biệt ông sẽ đến Aleppo và Damas.
Mặc dù quan chức này không thể nói đến các mục tiêu, nhưng chắc chắn ông sẽ đề nghị chính phủ Syria cho mở thêm các cửa khẩu để chuyển hàng viện trợ. Đó cũng là điều mà chính quyền Ankara đang yêu cầu. Bởi vì kể từ khi triển khai viện trợ xuyên biên giới cho người dân Syria từ hồi năm 2014, 3 trong số 4 cửa khẩu đã bị đóng do áp lực của Nga tại Hội Đồng Bảo An, trong khi tại vùng Idlib, miền tây bắc Syria, 4 triệu người chỉ biết trông chờ vào viện trợ nhân đạo.
Một đoàn gồm 6 xe tải, chuyên dùng để phân phối hàng cứu trợ thường xuyên của Liên Hiệp Quốc, đã vượt qua biên giới vào hôm qua, chở theo chăn, đèn chạy bằng năng lượng mặt trời và các bộ dụng cụ vệ sinh 5.000 người. Đây là những hàng cứu trợ đầu tiên họ nhận được từ khi xảy ra động đất. Tuy nhiên, các chuyến xe không chở theo nước hay thực phẩm”.