Tương kế tựu kế: Mỹ dùng vụ ‘‘khinh khí cầu’’ tố cáo tham vọng của Bắc Kinh

Đăng ngày: 11/02/2023

\"\"
\"\"
Ảnh trào phúng: nước Mỹ tràn ngập khính khí cầu Trung Quốc. REUTERS – DADO RUVIC

Trọng Thành

Mỹ tương kế tựu kế, dùng vụ khinh khí cầu xâm nhập để tố cáo với thế giới tham vọng bá chủ của Bắc Kinh, thách thức chủ quyền nhiều quốc gia. Rộ tin lãnh đạo tình báo Ukraina – một chỉ huy quân sự có quan điểm giành lại toàn bộ lãnh thổ bị Nga chiếm đóng – sẽ trở thành bộ trưởng quốc phòng. Tin đưa ra ngay trước chuyến công du châu Âu của tổng thống Zelensky.

Trừng phạt của Liên Âu phát huy tác dụng: Thu nhập dầu khí của Nga bắt đầu sụt giảm phân nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Phong trào đặt hoa tưởng niệm người Ukraina chết do tên lửa Nga có mặt tại khoảng 60 thành phố Nga, chính quyền nhiều nơi nhắm mắt làm ngơ. Trên đây là các chủ đề chính của tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.

Vụ khinh khí cầu Trung Quốc bay vào không phận Hoa Kỳ là tâm điểm thời sự quốc tế đầu tháng 2/2023 này. Vào thời điểm vụ việc được Washington loan báo ngày 02/02, Bắc Kinh dường như không coi là quan trọng. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc tỏ ý ‘‘lấy làm tiếc’’ về vụ việc, nhưng cho rằng đây chỉ là một ‘‘khinh khí cầu nghiên cứu khí tượng’’ dân sự, di chuyển tự động, bị lạc vào đất Mỹ. Một bài viết trên Hoàn Cầu Thời Báo ấn bản Anh ngữ, của đảng Cộng Sản Trung Quốc, thậm chí còn châm biếm nước Mỹ, việc để cho một khinh khí cầu xâm nhập không phận cho thấy ‘‘hệ thống phòng không của Mỹ chỉ để làm cảnh, chứ không đáng tin’’ (dẫn lại theo nhà báo Pierre-Antoine Donnet, thành viên trang mạng chuyên về thời sự chính trị châu Á Asialyst).

Bản thân nhà báo Pierre-Antoine Donnet, trong một cuộc trả lời phỏng vấn RFI ngay sau khi Washington loan báo về vụ việc, cũng phủ nhận là biến cố này có khả năng dẫn đến khủng hoảng ngoại giao Mỹ – Trung, và không thể có chuyện chuyến đi dự kiến của ngoại trưởng Antony Blinken bị hủy bỏ. Nhà báo Asialyst giải thích:

‘‘Không, không, việc này chắc chắc sẽ không xảy ra. Hai việc này không thể đặt trên cùng một cấp độ. Tôi nghĩ rằng có sự chia sẻ một mong muốn chung, giữa Washington và Bắc Kinh, về việc cần hạ nhiệt căng thẳng… Không, Blinken vẫn sẽ đi. Ông ấy sẽ đến Bắc Kinh ngày Chủ nhật. Ông ấy có kế hoạch không chỉ gặp đồng nhiệm Trung Quốc, mà còn cả lãnh đạo Tập Cận Bình. Tôi cho rằng kết quả của cuộc gặp này sẽ không mang lại gì nhiều cho phía Mỹ, bởi họ cũng không trông đợi gì nhiều ở Trung Quốc, nhưng ít nhất thì đây cũng là việc đối thoại được tái lập, kể từ cuộc hội kiến Tập Cận Bình – Joe Biden ở thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia’’.

Thế rồi sự việc diễn biến như chúng ta đã biết. Chuyến đi Trung Quốc của ngoại trưởng Mỹ bị hủy. Quân đội Mỹ bắn hạ khinh khí cầu. Chính quyền Biden tổ chức nhiều cuộc họp với giới ngoại giao quốc tế tại Washington và Bắc Kinh, với đại diện của khoảng 40 quốc gia. Mỹ tố cáo Trung Quốc duy trì một đội khinh khí cầu gián điệp quân sự trên toàn cầu, ngang nhiên xâm phạm chủ quyền hàng chục quốc gia.

Về phía Trung Quốc, lẽ dĩ nhiên Bắc Kinh đã phản ứng dữ dội, lên án Washington chuyện bé xé ra to. Hoàn Cầu Thời Báo hôm 09/02/2023 dẫn lời một cựu sĩ quan tình báo thủy quân Mỹ, ông Scott Ritter, khẳng định tính chất không đáng sợ của khinh khí cầu nói trên, và khẳng định đây là một nỗ lực đã được lên kế hoạch để kích động ‘‘tình cảm sợ hãi Trung Quốc’’.

‘‘Làm mất mặt giới lãnh đạo Trung Quốc’’

Ý đồ thực sự của Trung Quốc đằng sau vụ khinh khí cầu là gì? Vì sao Mỹ lại phản ứng như vậy? Ắt hẳn còn nhiều vấn đề mà phải với thời gian mới có thể làm sáng tỏ hơn. Nhưng trước mắt, theo một số nhà quan sát, dù giả thiết nào là đúng, và gạt ra một bên các tranh cãi trong nội bộ nước Mỹ, vụ việc này vẫn là một ‘‘thất bại với Tập Cận Bình’’.

Nhà bình luận Luc de Barochez của tuần báo Pháp Le Point nhận định: vụ việc khinh khí cầu Trung Quốc xuất hiện trên đất Mỹ thoạt tiên có vẻ như mang lại lợi thế cho Bắc Kinh trong cuộc cạnh tranh với Washington, nhưng ‘‘hành trình ly kỳ và bất thường’’ (son odyssée) của khinh khí cầu sau đó ‘‘rút cục lại đặc biệt có ích cho Mỹ’’. Việc Không quân Mỹ bắn hạ khinh khí cầu bị cáo buộc gián điệp đã ‘‘làm mất mặt ban lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc’’. Hình ảnh Trung Quốc trong công luận Mỹ vốn đã xuống cấp càng thêm xuống cấp.

Trong khi đó, chính quyền Mỹ đã đưa ra hàng loạt thông điệp cho thấy vụ khinh khí cầu hoàn toàn nằm trong vòng kiểm soát. Theo một số giới chức tình báo quân đội Mỹ, khinh khí cầu đã bị phát hiện ngay từ ngày 27/01, tức một ngày trước khi phương tiện này xâm nhập vào bang miền tây bắc Alaska. Còn theo bộ Quốc Phòng Mỹ, Hoa Kỳ đã có các biện pháp ngăn cản khinh khí cầu thu thập thông tin. Đây cũng không phải là lần đầu tiên Mỹ phát hiện khinh khí cầu Trung Quốc xâm nhập lãnh thổ những năm gần đây. Đài CNN hôm 10/02 cho biết ‘‘cộng đồng tình báo’’ Mỹ đã hoàn thiện phương thức cho phép theo dõi phi đội khinh khí cầu giám sát của Trung Quốc ‘‘theo thời gian thực’’, kể từ năm ngoái. Phát biểu hôm 08/02, người phát ngôn Lầu Năm Góc, tướng Pat Ryder cũng khẳng định, việc để cho khinh khí cầu nói trên xuyên qua lãnh thổ Mỹ là ‘‘một cơ hội duy nhất’’ để nắm bắt thêm nhiều thông tin về ‘‘chương trình khinh khí cầu do thám của Trung Quốc’’.

Mỹ phản công ngoại giao, tố Trung Quốc bán thiết bị quân sự cho Nga

Chính quyền Mỹ đã tỏ ra rất chủ động, và khinh khí cầu Trung Quốc không thực sự đe dọa an ninh quốc gia. Vậy vì sao Hoa Kỳ lại làm lớn chuyện? Phải chăng chỉ duy nhất nhằm tố cáo tham vọng do thám quân sự của Bắc Kinh?

Cuộc xâm lăng Ukraina của Nga và thái độ mập mờ của Trung Quốc trong quan hệ với Nga ắt hẳn đóng vai trò quan trọng trong vụ khủng hoảng ngoại giao khinh khí cầu gián điệp và việc chuyến đi của ngoại trưởng Mỹ bị hủy. Trở lại với các diễn biến chính trong quan hệ tay ba Mỹ – Trung – Nga trước khi bùng lên vụ khinh khí cầu, có thể thấy chuyến công du của ngoại trưởng Antony Blinken, nếu diễn ra, không những khó mang lại kết quả cụ thể, mà có thể khiến Mỹ lâm vào thế bất lợi. Như chúng ta biết, chuyến đi của ông Blinken mang lại một số hy vọng hãm lại đà xuống cấp của quan hệ Mỹ – Trung, với một số diễn biến ít nhiều mang lại lạc quan trước đó.

Thế nhưng chỉ ba ngày trước chuyến công du đã lên kế hoạch, ngày 30/01, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh (Mao Ning) lên án Mỹ đã ‘‘kích phát’’ cuộc khủng hoảng Ukraina. Ngày 31/01, Matxcơva thông báo lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình công du Nga những tuần tới. Đúng vào dịp tròn một năm Trung Quốc và Nga tuyên bố tình hữu nghị ‘‘không giới hạn’’ (ngày 04/02/2022), ít tuần sau là cuộc xâm lăng của Nga chống Ukraina, Bắc Kinh vẫn bị nghi ngờ là đã ngầm ủng hộ chính quyền Putin trong quyết định tấn công Ukraina. Washington ắt hẳn không thể làm ngơ trước lập trường gần như ngang nhiên ủng hộ cuộc can thiệp quân sự Nga của Bắc Kinh.

Mỹ đã tỏ rõ thái độ bất bình về quan hệ Trung – Nga. Ngày 04/02, tức một ngày sau khi chuyến đi của ngoại trưởng Blinken bị hủy, nhật báo Mỹ Wall Street Journal loan tải một kết quả điều tra của C4ADS, tổ chức phi chính phủ Mỹ chuyên về các đe dọa an ninh quốc gia. Dựa trên các dữ liệu của hải quan Nga, C4ADS cho biết : bất chấp các trừng phạt quốc tế, nhiều công ty nhà nước Trung Quốc vẫn tiếp tục cung cấp cho Nga hàng chục nghìn lô hàng lưỡng dụng, tức hàng hóa có thể sử dụng cho quân sự, trong đó bao gồm phụ tùng máy bay chiến đấu, thiết bị định vị, thiết bị gây nhiễu sóng…

Tố cáo phi đội khinh khí cầu do thám Trung Quốc, tố cáo Bắc Kinh tiếp tục hậu thuẫn Nga về quân sự trong cuộc chiến Ukraina. Trong cuộc phản công ngoại giao đầu tháng 2/2023, chiến tranh Ukraina tiếp tục là đầu mối chủ yếu của căng thẳng Mỹ – Trung.

Trừng phạt châu Âu có kết quả: Thu nhập dầu khí của Nga sụt phân nửa

Phương Tây không chỉ hậu thuẫn Ukraina về phương tiện quân sự trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Nga. Cắt giảm các nguồn thu của Nga, đặc biệt về năng lượng, như dầu, khí, than đá, là mặt trận thứ hai. Nhiều người cho rằng các nỗ lực của châu Âu cắt giảm dầu khí xuất khẩu của Nga chưa thu được mấy kết quả. Tuy nhiên, có một sự thật mà chính Matxcơva cũng buộc phải thừa nhận là thu nhập từ dầu khí của Nga đã bắt đầu sụt giảm mạnh.

Theo số liệu của bộ Tài Chính Nga, được báo Pháp La Tribune dẫn lại hôm 10/02, thu nhập dầu khí trong tháng 1/2023 của Nga sụt đến giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái, tiếp theo tháng 12 thất thu. Tình hình tài chính ắt sẽ thêm tồi tệ với Nga sau biện pháp ngừng nhập khẩu các sản phẩm dầu tinh chế, trong đó có diesel, mà Liên Âu vừa thông qua hôm 05/02.

Trước chiến tranh, tiền thu từ dầu khí chiếm 45% ngân sách công của Nga. Theo La Tribune, bán được ít dầu khí hơn, dự trữ ngoại tệ của Nga đang sụt mạnh. So với cùng kỳ năm ngoái, dự trữ của Nga sụt 15% (dự trữ ngoại tệ của Nga hiện gần 150 tỉ đô la, tương đương 7,8% GDP). Nhìn về tổng thể, thu nhập từ dầu khí trong năm 2022 vừa qua của Nga tăng khá nhiều so với năm trước 2021 (tăng 28%), do giá dầu khí tăng. Nhưng với xuất khẩu dầu khí giảm mạnh như hai tháng qua, điện Kremlin ắt sẽ phải đau đầu trong những tháng tới.

Đặt hoa tưởng niệm người Ukraina tại 70 đô thị Nga

Trong lúc quân đội Nga bị kìm chân trên các chiến trường tại Ukraina, ở trong nước bắt đầu bùng lên một phong trào chống chiến tranh âm thầm, nhưng có mặt khá rộng khắp. Đó là phong trào đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân Ukraina trong cuộc can thiệp quân sự Nga. Theo số liệu được báo mạng độc lập Moscow Times cập nhật hôm 08/02, việc đặt hoa tưởng niệm diễn ra tại khoảng 70 đô thị Nga.

\"\"
Một người phụ nữ cầm tấm bảng \’\’Ukraina không phải là kẻ thù, mà là anh em của chúng ta\’\’, trước tượng đài nhà văn người Ukraina Lesya Ukrainka, nơi nhiều người đặt hoa tưởng nhớ các nạn nhân cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga vào một khu chung cư ở thành phố Dnipro (Ukraina), Matxcơva, ngày 21/01/2023. © REUTERS – STRINGER

Phong trào bùng lên sau vụ nhà dân ở thành phố miền trung Ukraina Dniepro bị tên lửa tấn công, khiến ít nhất 40 người chết giữa tháng 1/2023. Vụ tấn công nhà chung cư ở Dniepro khiến tình cảm căm thù chính quyền Nga tăng thêm một nấc. Dniepro vốn là một thành phố đông đảo dân cư nói tiếng Nga, và cư dân ở đây có nhiều thân nhân ở bên kia biên giới.

Hoa tưởng niệm, đồ chơi cho trẻ em để tưởng nhớ những em nhỏ bất hạnh…, được đặt trước các tượng đài danh nhân người Ukraina, như hai văn hào Taras Shevchenko và Lesya Ukrainka cũng như các tượng đài khác, trong có tượng đài nạn nhân thời chế độ toàn trị cộng sản. Tại nhiều nơi, có thể thấy những ruban xanh da trời và vàng, mầu quốc kỳ Ukraina. Nhiều người cũng biểu tình với khẩu hiệu chống chiến tranh. Theo nhà báo Nga Anastasia Tenisheva, phong trào đặt hoa tưởng niệm này có thể so với phong trào tương tự bùng lên sau vụ sát hại nhà đối lập nổi tiếng Boris Nemtsov, cựu phó thủ tướng bị bắt chết ngay sát điện Kremlin hồi 2015, và hiện thời vẫn tiếp tục lan tỏa.

Điểm đáng chú ý, theo nhà báo Anastasia Tenisheva, là đàn áp của cảnh sát không mạnh bằng các cuộc trấn áp nhắm vào những người chống chiến tranh hồi chiến dịch quân sự vừa bắt đầu, hay sau đợt động viên một phần hồi tháng 9. Theo một số quan sát tại chỗ, nhiều điểm đặt hoa tưởng niệm tại thành phố Saint Petersbourg đã không bị chính quyền dẹp bỏ.

Bài Liên Quan

Leave a Comment