Đăng ngày: 15/02/2023
Mức tiêu thụ dầu lửa của thế giới vào cuối năm 2022 đã vượt ngưỡng cùng kỳ năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Theo số liệu được công bố ngày 14/02/2023, tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa – OPEC dự kiến nhu cầu năm 2023 sẽ đạt mức kỷ lục do Trung Quốc phục hồi hoạt động sản xuất.
Cụ thể, trong quý 4 năm 2022, nhu cầu của thế giới là 101,17 triệu thùng dầu/ngày, cao hơn mức 100,79 triệu thùng so với cùng kỳ năm 2019. Nhu cầu tiêu thụ dầu lửa của thế giới giảm mạnh trong giai đoạn đại dịch, sau đó đã tăng trở lại trong năm 2022 nhờ « hoạt động kinh tế vững chắc của các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCDE và ngoài OCDE, trừ Trung Quốc ».
Theo thẩm định của OPEC, trong năm 2023, « tăng trưởng chủ yếu sẽ nhờ vào các nước không phải là thành viên của OCDE », nơi cần thêm 2 triệu thùng dầu/ngày. Như vậy, trong năm thứ hai liên tiếp, nhu cầu « sẽ vượt các ngưỡng trước đại dịch, nhờ vào Trung Quốc, châu Á và Trung Đông ».
Trung Quốc sẽ cần khối lượng dầu lửa lớn trong năm 2023 để đáp ứng nhu cầu sản xuất sau khi chấm dứt chính sách Zero Covid. Một trong những dấu hiệu đầu tiên là hai tập đoàn PetroChina và Sinopec đã mua lại dầu thô của Nga với giá rẻ sau thời gian tạm ngừng vào cuối năm 2022, trước khi Liên Hiệp Châu Âu ban hành cấm vận đối với dầu lửa Nga.
Theo Reuters ngày 15/02, hai công ty lọc dầu Nhà nước đã được trụ sở cho phép mua dầu thô của Nga từ các nhà giao dịch với mức chiết khấu lớn. Nhiều nguồn tin thương mại và dữ liệu theo dõi tầu từ Refinitiv và Kpler cho rằng đến cuối tháng 01, PetroChina sẽ nhận khoảng 1,5 triệu thùng dầu thô Ural từ các tầu chở dầu Aframax NS Artic và Crudemed ở nhà máy lọc dầu có công suất 200.000 thùng mỗi ngày ở Khâm Châu (Qinzhou), tỉnh Quảng Tây.