Đăng ngày: 15/02/2023
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan ví trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria như « một quả bom nguyên tử ». Số người chết đã lên đến gần 40.000, theo thẩm định ngày 15/02/2023, trong đó có hơn 35.000 nạn nhân thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Liên Hiệp Quốc kêu gọi các nước thành viên quyên góp gần 400 triệu đô la cho Syria.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, gần 5 triệu người Syria « cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp », trước mắt là « nơi ở, chăm sóc y tế, lương thực ». Sắp tới, Liên Hiệp Quốc cũng sẽ kêu gọi quyên góp tương tự cho Thổ Nhĩ Kỳ, vì « nhu cầu rất lớn ». Phía Tổ Chức Y Tế Thế Giới đánh giá quy mô của « thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong vùng quản lý của tổ chức ở châu Âu ».
Ngày 14/02, lần đầu tiên kể từ năm 2020, một đoàn cứu trợ của Liên Hiệp Quốc vào được những khu vực do quân nổi dậy kiểm soát ở miền bắc Syria. Theo thông tín viên RFI trong khu vực, đoàn xe gồm 11 xe tải của Tổ chức Di trú Quốc Tế chở lều, đệm, chăn gối, đi qua cửa khẩu Bab Al Salam nằm trong số hai cửa khẩu mới (cùng với Al Ra’ee) được tổng thống Syria Bachar Al Assad chấp thuận mở cho viện trợ nhân đạo quốc tế với thời hạn 3 tháng.
Trả lời RFI, đại sứ Pháp tại Thổ Nhĩ Kỳ Hervé Magro « hoan nghênh thông báo của chính phủ Syria mở thêm hai điểm trung chuyển mới » và « hy vọng (hai cửa khẩu này) sẽ giúp cứu trợ nhân đạo được triển khai trong những điều kiện tốt nhất ». Ông nhấn mạnh là « không dễ để hoạt động trong vùng chiến tranh », nhưng « Liên Hiệp Quốc, thông qua các tổ chức phi chính phủ, đã có mặt trên thực địa » và sẽ « gia tăng hỗ trợ cho Syria ».
Trước đó, cứu trợ quốc tế chỉ có thể đi qua cửa khẩu duy nhất Bab Al Hawa, ở vùng Idlib (đông bắc Syria) do quân nổi dậy kiểm soát. Trong cuộc họp báo ngày 13/02, một nhân viên phụ trách hoạt động nhân đạo của Liên Hiệp Quốc thừa nhận là hoạt động hỗ trợ cho người bị nạn là « không đủ ». Nguyên nhân chậm trễ là do công tác hậu cần và sự nghi ngờ giữa các bên trong cuộc xung đột Syria. Quân nổi dậy từ chối đề xuất của Damas đưa viện trợ nhân đạo qua các vùng do chính phủ kiểm soát, để chuyển tới các nơi bị thiên tai.