Đăng ngày: 15/02/2023
Moldova, quốc gia tí hon nằm lọt giữa Ukraina và Rumani, phải chăng sắp lọt vào tay nước Nga? Kịch bản này có vẻ ngày càng có khả năng xảy ra, nhất là sau khi đích thân tổng thống Maia Sandu hôm 13/02/2023 công bố chi tiết một âm mưu của Matxcơva nhằm gây mất ổn định Moldova, lật đổ chính phủ thân phương Tây ở nước này và dựng lên một chính quyền thân Nga.
Hôm qua 14/02, Matxcơva đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc đó, khẳng định chính Ukraina đã đưa ra thông tin “sai lạc” này để gây căng thẳng giữa Moldova và Nga. .
Trong bối cảnh căng thẳng như vậy, hôm qua, Moldova đã đóng cửa không phận trong vài tiếng đồng hồ sau khi phát hiện một vật thể bay « giống một quả bóng khí tượng » trên bầu trời nước này.
Chỉ có 2,6 triệu dân, Moldova nguyên là một nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, nhưng trong những năm gần đây đã nghiêng hẳn về phương Tây, khiến Nga bất bình. Ngoài việc nằm sát bên Ukraina, Moldova có nhiều lý do để lo ngại cho toàn vẹn lãnh thổ của nước này. Trước hết, Moldova bị tác động trực tiếp của cuộc chiến tranh Nga-Ukraina kéo dài từ gần một năm qua.
Vốn phụ thuộc rất nhiều vào nước Nga, Moldova còn đang gặp khủng hoảng năng lượng. Cụ thể là nước này thường xuyên bị cúp điện trên diện rộng do các vụ oanh kích của Nga vào những cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraina. Không những thế, tập đoàn Gazprom của Nga đã cắt giảm rất nhiều lượng khí đốt cung cấp cho Moldova. Lý do là từ cuối tháng 6 năm ngoái, Moldova đã nộp đơn xin gia nhập Liên Hiệp Châu Âu để thoát khỏi vòng ảnh hưởng của Matxcơva.
Không những thế, quốc gia nhỏ bé này còn phải đối mặt với các mối đe dọa quân sự. Hôm thứ sáu tuần trước, 10/02, bộ Ngoại Giao Moldova đã triệu đại sứ Nga lên để phản đối, sau khi một tên lửa hành trình bay bên trên nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này trước khi rơi xuống Ukraina.
Nhưng mối đe dọa quân sự này không phải là nhất thời mà là thường trực, do sự hiện diện của lính Nga ngay trên lãnh thổ Moldova, cụ thể là tại Transnistria, vùng ly khai thân Nga. Có diện tích chỉ khoảng 4.100 km2 và dân số 465.000 người, Transnistria đã tuyên bố độc lập sau một cuộc nội chiến vào lúc Liên Xô tan rã. Nền độc lập của vùng ly khai này chưa bao giờ được cộng đồng quốc tế công nhận. Nay thấy Moldova muốn gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, Transnistria lại đòi độc lập, hoặc được sát nhập vào Nga, gây thêm áp lực lên chính quyền thân phương Tây.
Kể từ năm 1993, tức là sau khi nội chiến ở Moldova chấm dứt, quân đội Nga triển khai một lực lượng « gìn giữ hòa bình » với gần 2.000 quân tại Transnistria, trên thực tế là nhằm hỗ trợ cho lực lượng của vùng ly khai . Chính sự hiện diện của lực lượng này khiến ngay từ đầu cuộc chiến Ukraina, chính quyền Moldova đã lo ngại là xung đột sẽ lan sang nước này.
Theo tờ Courrier International, trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình nhà nước Rossia 24 ngày 02/02/2023, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đã cảnh cáo phương Tây đừng biến Moldova thành một « Ukraina thứ hai », gián tiếp đe dọa là Nga sẽ tấn công vào cả quốc gia nhỏ bé này.
Tờ báo mạng Delo của Ukraina nhắc lại là theo lãnh đạo cơ quan tình báo Moldova, Matxcơva đã dự trù mở rộng « chiến dịch quân sự đặc biệt » sang Moldova vào năm 2023, nhưng việc thực hiện kế hoạch này tùy thuộc vào diễn tiến tình hình chiến sự tại Ukraina. Tờ báo cũng nhắc lại là vào tháng 12 năm ngoái, thứ trưởng Ngoại Giao Nga Mikhaïl Galouzine đã từng tuyên bố Moldova sẽ gánh chịu « những hậu quả tàn khốc » nếu nước này thắt chặt quan hệ với khối NATO giống như Ukraina.