Trung Quốc phản ứng thế nào với vụ khinh khí cầu do thám?

  • Tessa Wong & Fan Wang
  • BBC News

15 tháng 2 2023

\"Picture
Chụp lại hình ảnh,Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Mao Ninh nói rằng Hoa Kỳ đã hành động \”vô trách nhiệm\”

Việc Trung Quốc tuyên bố rằng Hoa Kỳ đã thả khinh khí cầu vào không phận của họ đánh dấu động thái mới nhất trong một loạt các thay đổi lập trường mà nước này đã thể hiện xoay quanh vụ việc gây chấn động thế giới.

Đã gần hai tuần kể từ lần đầu tiên Mỹ cáo buộc Trung Quốc thả khinh khí cầu do thám trên lãnh thổ Mỹ.

Vụ việc đã gây ra nhiều luồng phản ứng – từ phẫn nộ đến bàn tán sôi nổi – từ chính phủ và người dân Trung Quốc.

Im lặng, sau đó thừa nhận

Sau khi Lầu Năm Góc lần đầu tiên thông báo về sự tồn tại của khinh khí cầu vào ngày 2/2, các quan chức Trung Quốc đã kiềm chế không đưa ra phản ứng ngay lập tức, chỉ lên tiếng vào tối hôm sau.

Trong một tuyên bố, Trung Quốc thừa nhận vật thể thuộc về họ, nhưng nói thêm rằng đó là một \”khí cầu dân sự được sử dụng cho mục đích nghiên cứu, chủ yếu là khí tượng\” đã bị thổi lệch hướng.

Với giọng điệu gần như xin lỗi – điều hiếm thấy ở Bắc Kinh – Trung Quốc mô tả đây là một tai nạn, nói rằng họ \”rất tiếc về việc khinh khí cầu xâm nhập ngoài ý muốn vào không phận Hoa Kỳ vì lý do bất khả kháng\”.

Nhưng các phương tiện truyền thông nhà nước, hầu như không đưa tin về vụ việc cho đến khi chính phủ thừa nhận, đã trở nên bao biện hơn.

China Daily tuyên bố \”lời bịa đặt về khinh khí cầu không thể ràng buộc trách nhiệm cho Trung Quốc\”, trong khi Global Times kêu gọi Mỹ \”chân thành hơn trong việc hàn gắn quan hệ với Trung Quốc thay vì thực hiện các hành động khiêu khích nhắm vào nước này\”.

Cư dân mạng đã không phí thời gian cho việc cười nhạo, với nhiều người gọi vật thể này là \”khí cầu lang thang\” – ám chỉ đến tiểu thuyết và bộ phim khoa học viễn tưởng nổi tiếng của Trung Quốc The Wandering Earth.

Sáng hôm sau, chính quyền Trung Quốc đưa ra lời biện hộ dài hơn, mạnh mẽ hơn khi có tin Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã hủy bỏ chuyến đi dự kiến ​​tới Trung Quốc, tuyên bố rằng \”một số chính trị gia và phương tiện truyền thông ở Mỹ đã thổi phồng vụ việc lên để tấn công và bôi nhọ Trung Quốc\”.

Cùng ngày hôm đó, Mỹ đã bắn rơi khinh khí cầu khiến Trung Quốc nổi giận.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mao Ninh gọi đó là \”một phản ứng thái quá\” và \”không thể chấp nhận và vô trách nhiệm\”.

\”Khinh khí cầu không thuộc về Mỹ. Nó thuộc về Trung Quốc\”, bà nói khi được hỏi liệu Trung Quốc có yêu cầu trả lại những mảnh vỡ của khinh khí cầu hay không.

Các quan chức đã gửi đơn khiếu nại chính thức tới đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh.

Trên mạng, những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc phẫn nộ lên án Mỹ. Nhà bình luận nổi tiếng Hu Xijin (Hồ Tích Tiến), cựu tổng biên tập Global Times, cho rằng Mỹ \”phải chấm dứt\” tình hình bằng cách sử dụng tên lửa, bởi vì người Mỹ \”không làm nổi việc giải quyết một tai nạn bằng cách tìm kiếm sự thật từ thực tế, thay vào đó họ chính trị hóa nó\”.

Trong khi đó, một khinh khí cầu thứ hai được phát hiện trôi dạt qua Mỹ Latinh, mà chính quyền Trung Quốc cũng nhận là của họ.

Suy đoán tăng lên

Trên mạng Internet Trung Quốc có cơn sốt suy đoán về việc chính xác ai đã phóng khinh khí cầu, trong khi không có thông tin chi tiết về nguồn gốc của nó.

Nhiều người bị thu hút khi các bài báo gần đây đề cập đến một công ty địa phương, Viện nghiên cứu và thiết kế cao su Zhuzhou của ChemChina, là một trong những nhà sản xuất khinh khí cầu tầm cao chính ở Trung Quốc.

Một số blogger cho rằng ChemChina Zhuzhou, công ty con của một doanh nghiệp nhà nước, đã chế tạo khinh khí cầu. Nhưng không có bằng chứng móc nối công ty này với chiếc khinh khí cầu kia.

Sự hoang mang ngày càng gia tăng khi vào hôm 12/2, một báo cáo được đưa ra trên tờ báo The Paper về một vật thể không xác định được cho là đang bay ngoài khơi bờ biển phía đông tỉnh Sơn Đông.

Nó cho biết các quan chứ cquản lý nghề cá đã gửi cảnh báo tới ngư dân địa phương rằng chính quyền Trung Quốc đang chuẩn bị bắn hạ vật thể này.

Báo cáo đã được một số cơ quan Trung Quốc đăng lại, nhưng các phương tiện truyền thông nhà nước và các cơ quan chính phủ vẫn im lặng. Tuy nhiên, nó đã khiến các nền tảng mạng xã hội tràn ngập thông tin, với một số tài khoản thậm chí còn phát trực tiếp hình ảnh vệ tinh của khu vực.

Nhưng một số cư dân mạng đã phản ứng với sự nghi ngờ và đặt câu hỏi liệu đó có phải là sự thật hay không, chất vấn vì sao tin tức không được công bố trên các kênh chính thức hơn.

Chuyển hướng câu chuyện

Hôm 13/2, chính phủ Trung Quốc có một tuyên bố mới – rằng bóng bay của Mỹ đã xâm phạm không phận của họ ít nhất 10 lần trong năm qua.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: \”Điều đầu tiên phía Mỹ nên làm là bắt đầu với một khởi đầu mới, tự kiểm điểm bản thân thay vì bôi nhọ và cáo buộc Trung Quốc\”.

Mỹ đã phủ nhận cáo buộc.

Đồng thời, phương tiện truyền thông nhà nước đã bắt đầu hướng chú ý vào một câu chuyện khác – một chuyến tàu trật bánh chở vật liệu nguy hiểm ở Ohio.

Mặc dù vụ việc xảy ra vào đầu tháng 2, các hãng tin Trung Quốc hiện đang đưa tin một cách đáng kể về chủ đề này, trích dẫn thông tin từ phương tiện truyền thông Hoa Kỳ. Các quan chức Mỹ đã thực hiện việc giải phóng các hóa chất độc hại có kiểm soát khỏi đoàn tàu để ngăn ngừa nhiễm độc.

Nó đã trở thành trọng điểm thảo luận trên phương tiện truyền thông xã hội. Trên Weibo, tương đương với Twitter của Trung Quốc, hashtag bắt đầu bằng tàu Ohio đã được xem hơn 690 triệu lần kể từ cuối tuần, với hơn 40 hashtag được tạo ra về chủ đề này.

Nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã bày tỏ lo lắng rằng vụ việc sẽ trở thành một cuộc khủng hoảng môi trường toàn cầu, đồng thời tức giận trước việc các phương tiện truyền thông Mỹ đưa tin về vụ tàu hỏa tương đối ít so với vụ khinh khí cầu.

\”Hóa ra khinh khí cầu lang thang đã được sử dụng đỡ trách nhiệm cho vụ Ohio,\” một bài đăng có gần 3.000 lượt thích.

Bài Liên Quan

Leave a Comment