- George Wright
- BBC News
16 tháng 2 2023
Khi nhà báo Mech Dara biết mình bị mất việc vào Chủ nhật, lại một lần nữa ông thấy mình rơi vào tình huống trước đây.
VOD, hay Tiếng nói Dân chủ, là tòa soạn độc lập thứ ba của Campuchia mà Dara làm việc đã bị bịt miệng – dưới hình thức này hay hình thức khác – trong sáu năm qua.
Tờ báo tiếng Khmer và tiếng Anh này được coi là một trong những ranh giới cuối cùng của tự do báo chí ở Campuchia cho đến khi nhà lãnh đạo Hun Sen ra lệnh đóng cửa, sau khi tuyên bố tờ báo này đã xuất bản một câu chuyện làm \”tổn hại\” danh tiếng của chính phủ ông.
Một bài báo trên VOD ngày 9/2 về hoạt động viện trợ của Campuchia đối với trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cho biết gói viện trợ trị giá 100.000 USD đã được con trai lớn của Hun Sen – ông Hun Manet ký duyệt. Ông là một chỉ huy quân đội và có thể là người kế nhiệm. Hun Sen cho rằng VOD đã đi quá giới hạn vì các gói viện trợ nước ngoài chỉ có thể được ký thủ tướng ký.
Dara nói: \”Tôi đã tiên liệu điều đó, nhưng tôi không bao giờ ngờ rằng nó lại đến nhanh như vậy.
Hai cơ quan báo chí trước đây của ông cũng có cùng số phận.
Năm 2017, The Cambodia Daily đóng cửa sau khi nhận một hóa đơn thuế khổng lồ, một động thái được nhiều người coi là có động cơ chính trị. Năm sau, tờ Phnom Penh Post được bán cho một công ty PR từng làm việc cho chính phủ.
Hành trình để Dara trở thành một trong những phóng viên được kính trọng nhất là một chặng đường dài.
\”Tôi là một cậu bé nhà quê. Ở xã của tôi, bạn hiếm khi thấy ai tốt nghiệp trung học\”, nhà báo 35 tuổi nói.
Khi còn đi học ở tỉnh Kandal, Dara đôi khi thức dậy lúc 3 giờ sáng và đi bộ 10km đến nơi nông dân thu hoạch lúa. Anh mót lúa rơi vãi và mang về nhà cho bà ngoại trước khi đi học. Những ngày khác, có khi ông nghỉ học để đi kiếm cái ăn.
\”Tôi thường trốn học để đi bắt cá, từ sáng đến tối. Đôi khi tôi suýt ngất [vì đói]. Đó là một phần của cuộc sống ở nông thôn\”, ông nói.
Khi bà qua đời, anh phải sống trong chùa một thời gian.
Nhưng Dara nhớ lại khi còn nhỏ đã nhiều lần người ta nói với ông rằng một ngày nào đó anh sẽ trở thành một nhà báo vì bản tính ham học hỏi của mình. Khi đó, ông không biết điều này có nghĩa là gì.
Cuối cùng, ông chuyển đến thủ đô Phnom Penh, nơi ông sống với nhiều thành viên trong gia đình trong nhiều năm. Ông bắt đầu học tiếng Anh và nghe nói về Cambodia Daily, một trong hai tờ báo tiếng Anh của nước này.
Sau giờ học, ông đạp xe đến tòa soạn Cambodia Daily để đọc những trang được dán trên bảng phía ngoài để mọi người đọc miễn phí.
Một ngày nọ, ông được gọi vào hỏi chuyện và được giao phụ trách mảng dữ liệu. Nhưng Dara sớm quyết định rằng ông muốn đi thực địa để theo đuổi những câu chuyện của chính mình – chứ không phải chỉ đăng những câu chuyện do người khác viết.
\”Tôi không bao giờ ngừng đề nghị, ngừng yêu cầu được đi viết. Tôi đã đề nghị hàng trăm lần\”, ông nói. Và rồi một ngày cơ hội đến với ông.
Giống như hầu hết các phóng viên tân binh, Dara lần đầu tiên được giao viết chủ đề tội phạm. Nhưng không lâu sau đó, ông bắt tay vào những chủ đề lớn hơn: về chính trị, lao động và nhân quyền.
Một cựu quản lý của Daily cho biết: \”Nhờ ý chí và sự chăm chỉ tuyệt đối, anh ấy đã biến từ một đứa trẻ nhìn qua cửa sổ một tòa soạn trở thành nòng cốt của tòa soạn đó\”.
Năm 2016, Dara đã đưa ra quyết định khó khăn khi chuyển từ Cambodia Daily sang đối thủ của tờ này, Phnom Penh Post.
Cả hai hãng tin này đều được hưởng các quyền tự do mà các hãng tin tiếng Khmer địa phương không có.
Hai hãng tin này thường đưa tin về các chủ đề gây tranh cãi như tham nhũng, phá rừng và cưỡng chế đất.
Một số nhà quan sát tin rằng sự khoan dung này đối với báo chí tiếng Anh một phần là do chính phủ Campuchia cần xoa dịu các nhà tài trợ phương Tây. Họ nói rằng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Campuchia trong thập kỷ qua đã thay đổi điều này.
Ngay sau khi chuyển đến Phnom Penh Post, Dara phải chứng kiến tòa soạn cũ thân yêu của mình đóng cửa.
Chính phủ đã tấn công tờ Cambodia Daily với hóa đơn thuế trị giá 6,3 triệu USD. Thủ tướng Hun Sen gọi các tòa báo này là \”những tên trộm\” và nói nếu hóa đơn không được thanh toán trong vòng 30 ngày, tờ báo nên \”thu dọn đồ đạc và rời đi\”. Tòa soạn đóng cửa một tháng sau đó.
Sau đó một năm, Post được bán cho một công ty PR có quan hệ chặt chẽ với chính phủ. Nhiều nhà báo đã rời đi sau khi chủ sở hữu mới sa thải tổng biên tập và yêu cầu xóa bài báo về vụ mua bán khỏi trang web.
Dara cuối cùng cũng ra đi: \”Tôi không thể chịu đựng được nữa.\”
Với việc Cambodia Daily đóng cửa và Phnom Penh Post bị vô hiệu hóa một cách hiệu quả, VOD bắt đầu lấp chỗ trống.
VOD được thành lập vào năm 2003 với tư cách là một hãng tin độc lập chủ yếu tập trung vào các chương trình phát thanh. Vào năm 2017, VOD đã đóng cửa các đài trong cuộc đàn áp rộng báo chí rộng lớn hơn của chính phủ Campuchia.
Dara bắt đầu làm việc tự do cho website của VOD vào năm 2020 và tham gia với tư cách phóng viên chính thức khoảng một năm sau đó. Sau khi lo sợ sự nghiệp của mình sẽ kết thúc, ông nói rằng tòa soạn VOD đã tiếp thêm sinh lực cho ông.
\”Tôi rất phấn khích. Tôi nhớ rất nhiều người mà tôi từng làm việc cùng, nhưng chúng tôi đã có những người mới,\” ông nói.
Chính tại VOD, nơi Dara theo đuổi câu chuyện có lẽ là lớn nhất của mình – cách các trung tâm buôn người ở Campuchia buộc các nạn nhân thực hiện các vụ lừa đảo trực tuyến toàn cầu.
Câu chuyện đã được VOD kiên trì đăng tải và thu hút sự chú ý toàn cầu khi các tòa soạn lớn bao gồm cả BBC đưa tin về nó.
Dara bị cảnh sát tạm giữ khi đang đưa tin tại thành phố biển Sihanoukville.
Một số người cho rằng điều này có thể đóng một vai trò trong việc VOD bị nhắm đến.
Một số ý kiến khác nói đó là do cuộc tổng tuyển cử sắp tới của Campuchia vào tháng Bảy.
Hun Sen, 70 tuổi, là một trong những nhà lãnh đạo độc tài tại vị lâu nhất thế giới, đã cai trị Campuchia từ năm 1985. Ông hiện đang giữ nhiệm kỳ thủ tướng thứ sáu ở một quốc gia độc đảng. Ông đã buộc một số chính trị gia đối lập phải ngồi tù hoặc phải sống lưu vong.
Sophal Ear, một học giả về chính trị và phát triển Campuchia tại Đại học bang Arizona, cho biết: \”Việc giữ VOD cho phép ông ta lập luận rằng vẫn còn dấu tích của một nền báo chí độc lập\”.
\”Tuy nhiên, sau khi nhận được nhiều hỗ trợ tài chính hơn từ Trung Quốc và thấy rằng cuộc bầu cử đang đến gần, ông ta đã quyết định xóa bỏ VOD.\”
Hun Sen đã nói với nhân viên VOD rằng họ có thể nộp đơn xin làm việc cho chính phủ nếu muốn.
Đó không phải là một lựa chọn cho Dara, người đã bị ảnh hưởng nặng nề khi mất đi một công việc khác mà ông yêu thích.
\”Tôi đã không thể ngủ trong hai, ba đêm,\” ông cũng rằng ông có thể phải chấp nhận rằng sự nghiệp báo chí của mình đã kết thúc.
\”Tôi cảm thấy rất buồn,\” ông nói. \”Ba nơi đã bị đóng cửa. Đôi khi bạn đến một ngưỡng và bạn nói – thế là đủ rồi.\”
(George Wright làm việc cho Cambodia Daily từ 2013 đến 2017)