Đăng ngày: 16/02/2023
Hôm nay, 16/02/2022, Nghị Viện Châu Âu bỏ phiếu về một nghị quyết nhằm đưa ra kế hoạch hỗ trợ ngành công nghiệp châu Âu. Đây sẽ là cách mà châu Âu đáp trả luật Giảm lạm phát (Inflation Reduction Act – IRA) được cho là có tính chất bảo hộ mậu dịch của Hoa Kỳ. Luật hứa hẹn những khoản hỗ trợ khổng lồ nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào Mỹ, nhưng đe dọa đến sự cạnh tranh của ngành công nghiệp của âu Âu.
Từ trụ sở của Nghị Viện Châu Âu tại Strasbourg, đặc phái viên RFI Daniel Vallot tường trình :
« Làm sao để đáp lại thách thức về khoản hỗ trợ khổng lồ của chính quyền liên bang Hoa Kỳ theo quyết định của Nhà Trắng ? Tại Nghị Viện Châu Âu, câu hỏi này không phải chỉ là lý thuyết mà rất cụ thể. Nghị sĩ Châu Âu của nhóm Renew, bà Valérie Hayer, cho rằng các hậu quả từ chính sách của Hoa Kỳ đã có thể cảm nhận được ở châu Âu.
Bà tuyên bố : « Có những dự án đã được dự trù triển khai ở châu Âu nhưng lại bị trì hoãn. Ví dụ như tập đoàn Safran đã có dự án ở Lyon, nhưng lại hoãn lại vì sức hấp dẫn từ Mỹ và cũng bởi vì giá năng lượng ở châu Âu cao gấp từ 4 đến 6 lần so với Hoa Kỳ. Ngoài ra, có những ví dụ về các kế hoạch đầu tư cụ thể khác, vốn đã được dự trù triển khai ở châu Âu nhưng lại di dời sang Hoa Kỳ. »
Đối với một số nghị sĩ Châu Âu, phản ứng đối với kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp của Hoa Kỳ là một cơ hội vàng để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi năng lượng bảo vệ khí hậu, và qua đó triển khai một chính sách công nghiệp chung. Đây cũng chính là mong muốn của nghị sĩ đảng Xanh Yannick Jadot:.
« Chúng ta đã xây dựng một thị trường chung, chúng ta đã xây dựng chính sách bảo hộ người tiêu dùng, nhưng chúng ra chưa xây dựng một lợi ích công nghiệp chung để bảo vệ các nhà công nghiệp châu Âu. »
Ưu đãi về thuế và hỗ trợ hào phóng hơn cho các ngành công nghiệp chuyển đổi năng lượng nằm trong số những giải pháp được đưa ra tại Bruxelles. Các đề xuất này được sự hưởng ứng của những người chủ trương nhà nước can thiệp nhiều hơn ở châu Âu, nhưng cũng gây khó chịu cho những người muốn thúc đẩy tự do thương mại. »