2023.02.16
Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hôm 10/2/2023
Vừa qua là lần gặp nhau thứ hai giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Hun Sen trong vòng ba năm trở lại đây. Và cũng như lần trước, chuyến thăm lần này cũng diễn ra đúng vào thời điểm Trung Quốc tái bùng phát COVID-19. Cả hai chuyến thăm đều tạo nên bối cảnh cho một bức tranh lớn hơn.
____________
Theo AP, ngày 10/2/2023, tại Bắc Kinh, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm quốc gia đồng minh của ông, nhấn mạnh các mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa hai nước. Campuchia là một đối tác ngoại giao quan trọng của Trung Quốc, giúp giảm bớt sự chỉ trích đối với Bắc Kinh trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á gồm 10 thành viên, một số thành viên đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông. Không có thông tin chi tiết nào được công bố ngay lập tức về cuộc họp tại Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài diễn ra vào giữa chuyến thăm ba ngày của Hun Sen. (1)
“Cộng đồng chung vận mệnh”
Tại cuộc gặp trên, theo Tân Hoa Xã, ông Tập chỉ ra rằng ba năm trước, Thủ tướng Hun Sen đã đến thăm Trung Quốc như một biểu hiện sát cánh cùng người dân Trung Quốc trong cuộc chiến chống lại COVID-19. Năm nay đánh dấu năm đầu tiên Trung Quốc thực hiện đầy đủ các nguyên tắc chỉ đạo của Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ và cũng là năm kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Campuchia, ông Tập Cận Bình lưu ý. “Tôi rất vui mừng khi được cùng làm việc với các bạn để hiện thực hóa cuộc hẹn ba năm trước của chúng ta và mở ra một kỷ nguyên mới xây dựng cộng đồng Trung Quốc – Campuchia với một tương lai chung vào đầu mùa xuân,” ông Tập nhấn mạnh. (2)
Điều khác biệt là truyền thông Việt Nam khi đưa tin về chuyến thăm, đã tránh đưa lại nguyên văn cụm từ Campuchia và Trung Quốc “cùng xây dựng cộng đồng chung vận mệnh”. Hoặc với phát biểu tại cuộc hội kiến với Hun Sen nói trên thì Hà Nội dùng uyển ngữ Campuchia và Trung Quốc “chung tay xây dựng quan hệ hợp tác song phương mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho nhân dân hai nước” chứ không dịch nguyên văn “xây dựng tương lai chung…” (3). Điều này không phải ngẫu nhiên, vì hiện nay Trung Quốc cũng đang “o bế” Việt Nam đưa khái niệm “cộng đồng chung vận mệnh” vào quan hệ song phương như đối với Campuchia và với Lào nhưng Việt Nam còn khá dè dặt. Nguyên nhân chính vẫn là thiếu vắng một “lòng tin chiến lược” thực sự.
Trong Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc (1/11/2022) vẫn không hề thấy bóng dáng của “cộng đồng chung vận mệnh”. Kể cả một hình thức linh hoạt hơn như trong Tuyên bố chung Campuchia – Trung Quốc (12/2/2023), hai bên “kiên định làm sâu sắc mối quan hệ sắt son, tiến hành hợp tác thực tế có lợi cho đôi bên và thúc đẩy thiết lập một cộng đồng với chia sẻ cùng một tương lai” – cũng không xuất hiện. Có lẽ hơn ai hết, các nhà lãnh đạo Việt Nam, kể cả TBT Nguyễn Phú Trọng, hiểu rằng người dân Việt Nam thật khó thấy có một “tương lai chung” hay một “cộng đồng chung vận mệnh” (CĐCVM) nào với Trung Quốc! Dù khái niệm này được lặp đi lặp lại trong diễn văn chính sách đối ngoại của Trung Quốc và đã được đưa vào Hiến pháp Trung Quốc. (4)
Lần đầu tiên TBT, CTN Tập Cận Bình sử dụng thuật ngữ CĐVM tại Diễn đàn Bác Ngao tháng 4/2013. Khi đó ông nhấn mạnh: “Là các thành viên của cùng một ngôi làng toàn cầu, chúng ta nên nuôi dưỡng cảm giác về CĐCVM…” Đây thực chất phản ánh tầm nhìn của Bắc Kinh đối với trật tự khu vực mà BRI có thể đem đến, cả về phương diện phân phối sức mạnh quốc lực bên trong lẫn các chuẩn mực Trung Quốc sẽ cai trị cộng đồng Á – Âu tương lai. Tuy nhiên, chủ thuyết này hiện vẫn thiếu tính cụ thể và kế hoạch hành động. Ngay cả tính chất “tư bản sơ khai” của đầu tư hợp tác trong khuôn khổ BRI buộc Bắc Kinh phải điều chỉnh. Các nước ngày càng hiểu ra rằng, phụ thuộc về kinh tế, ắt sẽ dẫn đến các nhượng bộ khác, như đất đai lãnh thổ, hạ tầng, tài nguyên thiên nhiên… những thứ không mua được bằng tiền. (5)
Bối cảnh của bức tranh lớn hơn
Theo giới quan sát, sự phụ thuộc về chính trị và kinh tế của Campuchia vào Trung Quốc có thể khiến Việt Nam sẽ chịu áp lực ngày càng lớn, nhất là khi Trung Quốc tìm kiếm sự ủng hộ của Campuchia trong vấn đề Biển Đông. Trong lịch sử gần đây, đã hai lần ASEAN đã không thể ra được tuyên bố chung về Biển Đông, vì bị Campuchia chống lại. Lần đầu tiên vào năm 2012 và lần thứ hai vào năm 2016. Việt Nam đang đối mặt với tình huống khó xử không chỉ đối với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, mà ngay cả đối với người anh em Campuchia, vấn đề phân định lãnh thổ biên giới giữa Việt Nam và Campuchia vẫn rất phức tạp. Phân định biên giới trên biển giữa hai quốc gia, từ sau năm 1999 đến nay, vẫn chưa có tiến triển nào đáng chú ý. Tình cảm dân tộc của người dân Campuchia đối với Việt Nam, nhất là tính chất “nước lớn – nước nhỏ” và chủ nghĩa dân tộc cực đoan, vẫn chi phối quan hệ song phương. (6)
Dư luận còn nhớ cuộc “mini cấp cao” Việt – Miên – Lào diễn ra ngày 26/9/2021, theo yêu cầu của Việt Nam. Cuộc họp bất thường của những người đứng đầu mỗi đảng nói lên mối quan ngại đang gia tăng ở Hà Nội rằng, “hai ông em” của họ đang bị thu hút từ từ vào quỹ đạo ngày càng mở rộng của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Lào và Campuchia đã trở thành những thỏi nam châm cực mạnh hút vốn và doanh nhân Trung Quốc ở các mức độ khác nhau. Chính giới doanh nhân này đã thiết lập mối quan hệ gắn bó với giới tinh hoa cầm quyền tương ứng của hai nước. Điều này đã được thể hiện rõ ràng bởi mối quan hệ ngày càng chặt chẽ với chính phủ Trung Quốc, vốn đã dành cho Campuchia và Lào những khoản tài chính và phát triển cơ sở hạ tầng “không ràng buộc”. (7)
Các nhà hoạch định chính sách ở Hà Nội dần dà hiểu ra được một tâm lý phổ quát: Việt Nam muốn “thoát Trung” như thế nào thì CPC và Lào cũng muốn “thoát Việt” như thế. Cho nên, “đừng làm với người khác điều anh không muốn người khác làm cho mình!”. Lời dạy của Không Tử thiết nghĩ phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay. Trong quốc tế chỉ có hai sự lựa chọn. Cứ lao theo cách thức vừa phụ thuộc, vừa sợ sệt Trung Quốc như hiện nay, thì không những bản thân phải “lệ thuộc”, mà anh sẽ mất luôn cả “đồng minh chí cốt” một thời. Phải tạo ra các cơ sở mới về an ninh và phát triển mỗi nước sao cho cả ba thực sự là đối tác sòng phẳng của nhau. Nếu làm gì mà tổn hại đến “độc lập tính” của CPC hay Lào, chắc chắn sẽ thất bại. (8)