Thứ Tư, 15 Tháng Hai 2023
MỹSpaceX phóng 53 vệ tinh Internet Starlink lên quỹ đạo trên tên lửa Falcon 9 vào sáng sớm ngày 2/2, đánh dấu chuyến bay thứ 200 của tên lửa chở hàng này.
Tên lửa Falcon 9 chở 53 vệ tinh Starlink phóng từ Trung tâm vũ trụ Kennedy của NASA ở Florida vào 19h58 ngày 2/2 theo giờ Hà Nội sau một khoảng thời gian trì hoãn ngắn. Hoạt động nhờ động cơ đẩy ở tầng đầu tiên trong nhiệm vụ thứ 5, tên lửa cất cánh trơn tru và tách rời khỏi tầng đầu tiên khoảng 2 phút 30 giây sau khi phóng. Tầng đầu tiên sau đó hạ cánh thành công trên tàu không người lái A Shortfall of Gravitas của SpaceX khoảng 8 phút 45 giây sau khi phóng. Khoảng một giờ sau, tầng thứ hai giải phóng tất cả 53 vệ tinh.
Trước đó, tên lửa này từng phóng một nhóm vệ tinh Starlink khác, tham gia nhiệm vụ chở hàng CRS-24 của SpaceX lên Trạm Vũ trụ Quốc tế vào tháng 12/2021, chở vệ tinh viễn thông Hotbird 13F của Eutelsat vào tháng 10/2022 và thực hiện chuyến bay OneWeb 1 vào tháng 12/2022.
OneWeb 1 đưa 40 vệ tinh Internet lên quỹ đạo cho nhà vận hành chòm siêu vệ tinh OneWeb, đối thủ chính của Starlink. Công ty ở London ký hợp đồng phóng với SpaceX và bộ phận thương mại của cơ quan vũ trụ Ấn Độ sau khi thương vụ phóng bằng tên lửa Soyuz thất bại năm ngoái do chiến tranh Nga – Ukraine. Hiện nay, SpaceX đã phóng hai nhiệm vụ cho OneWeb; nhiệm vụ thứ hai diễn ra vào ngày 9/1.
Tính đến nay, SpaceX đã phóng hơn 3.800 vệ tinh Starlink. Nhưng công ty được cấp phép phóng 12.000 vệ tinh Internet và đã xin cấp phép triển khai thêm 30.000 vệ tinh Starlink. Tất cả vệ tinh Starlink đều bay lên quỹ đạo trên tên lửa Falcon 9. Tuy nhiên, Elon Musk, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành SpaceX, cho biết công ty sẽ dựa vào phương tiện Starship khổng lồ để phóng vệ tinh Starlink 2.0 thế hệ tiếp theo lớn hơn. Starship vẫn đang trong quá trình phát triển và có thể cất cánh trong thử nghiệm lên quỹ đạo vào cuối tháng 2.
An Khang (Theo Space)