Pháp trước nhu cầu \”khẩn cấp\” tái lập các kho đạn dược

Đăng ngày: 17/02/2023

\"\"
\"\"
Ảnh minh họa : Quân nhân Anh chuẩn bị đạn pháo tự hành AS-90 trong đợt Huấn luyện mùa đông của NATO kéo dài 2 tuần, có Pháp, Estonia, Đan Mạch và Anh tham gia, gần Tapa, Estonia, ngày 07/02/2023. AP – Sergei Grits

Thanh Hà

Thêm một báo động đáng lo ngại về khả năng phòng thủ của Pháp. Paris « bắt buộc phải khẩn cấp » tái lập, bổ sung các kho đạn dược, và « hoạch định một chiến lược mới » từ các khâu sản xuất đến tích trữ các thiết bị quân sự trong bối cảnh xung đột Ukraina và tình hình thế giới hiện nay. Trên đây là kết luận từ hai bản báo cáo của Hạ Viện Pháp công bố hôm 15/02/2023. 

Vào lúc công luận tập trung vào những tranh cãi không hồi kết của dự luật cải tổ chế độ hưu bổng tại Pháp, Ủy ban Quốc Phòng của Hạ Viện cách nay hai ngày công bố hai bản báo cáo đáng lo ngại về khả năng phòng thủ quốc gia. Báo cáo thứ nhất liên quan đến « tình trạng các kho đạn dược » còn văn bản thứ nhì tập trung vào « các phương tiện phòng thủ địa đối không » của Pháp. Cả hai đang trong tình trạng « báo động » sau 3 thập niên « thiếu đầu tư » nghiêm trọng. 

Về kho đạn dược, tác giả bản báo cáo là các dân biểu Vincent Bru và Julien Rancoule lưu ý : Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, Pháp cũng như rất nhiều các nước phương Tây khác đã yên tâm thấy viễn cảnh chiến tranh bị đẩy lùi vào bóng tối. Trang bị và dự trữ đạn dược đã trở thành một « biến số » và ngân sách được điều chỉnh tùy theo hoàn cảnh. Số lượng đạn dược hiện có đương nhiên là một « bí mật quốc gia », nhưng theo báo cáo của Hạ Viện, thì quá ít để Pháp có thể đảm nhiệm vai trò một cường quốc quân sự. 

Tương tự, các khả năng phòng thủ « địa đối không » cũng bị mai một. Những căng thẳng địa chính trị trên thế giới và nhất là chiến tranh Ukraina buộc nước Pháp phải suy tính lại. Thực ra Pháp có trong tay nhiều công cụ mà các báo cáo viên đánh giá là khá « đầy đủ và đa dạng ». Quân đội Pháp có từ tên lửa tầm ngắn đến tầm trung và tầm xa, nhưng với một « khối lượng quá ít để cầm cự một cách lâu dài trong trường hợp xảy ra xung đột ở cường độ cao ».  

Mặt khác, Pháp tương đối bị chậm trễ trong lĩnh vực sản xuất drone, mà hiệu quả của loại vũ khí này đã được chứng minh qua các cuộc xung đột từ ở Ukraina đến vùng Thượng Karabakh. 

Thêm một khó khăn khác liên quan đến thời gian cần thiết để bổ sung đầy đủ các kho đạn dược và tên lửa  cho nước Pháp. Hiện nay, mỗi ngày Ukraina cần từ 5 đến 6 ngàn quả đạn đại bác để chống chọi với 20 ngàn từ phía Nga bắn sang. Pháp là một trong số các nước phương Tây viện trợ quân sự cho Ukraina, nhưng cần từ 10 đến 20 tháng, tùy theo khối lượng, để sản xuất đạn đại bác cỡ 155 ly. Các tập đoàn sản xuất vũ khí Pháp cũng cần khoảng 24 tháng để chế tạo tên lửa tầm trung ; cần từ 4 đến 5 năm để chế tạo tên lửa chống hạm Exocet… Điều đó cho thấy khâu sản xuất đòi hỏi nhiều thời gian và thời gian cần thiết này, theo các tác giả bản báo cáo của Hạ Viện Pháp, « sẽ rất dài » trong trường hợp nổ ra chiến tranh. 

Trên phương diện « chiến lược », các báo cáo chỉ ra rằng Pháp cần nhanh chóng « tăng cường nền tảng công nghiệp và kỹ thuật » trong lĩnh vực sản xuất vũ khí đạn được. Thứ nhất, khâu sản xuất đòi hỏi nhiều thời gian, và các tập đoàn của Pháp cần « được bảo đảm có được đơn đặt hàng một cách lâu dài ». Bằng chứng cụ thể là từ khi nổ ra chiến tranh Ukraina, ngày 24/02/2022 cho tới nay, các nhà máy sản xuất vũ khí của Pháp vẫn chưa hoạt động « hết công suất »

Thứ hai là cần đưa các cơ sở sản xuất về lại lãnh thổ Pháp. Có như vậy mới mong bảo đảm « tính tự chủ ». Các tác giả nêu ra hai thí dụ : Các nhà sản xuất Pháp đang phải nhập khẩu thuốc súng của Đức và lệ thuộc vào chíp điện tử chủ yếu là của Đài Loan. Trong trường hợp hàng không về kịp, chuỗi sản xuất của Pháp lại bị chậm trễ thêm. Do vậy, Pháp cũng cần hạn chế tối đa mức độ lệ thuộc vào một số nguyên vật liệu mang tính chiến lược, bao gồm từ kim loại hiếm đến linh kiện bán dẫn, chíp điện tử… 

Hai báo cáo của Ủy ban Quốc Phòng Hạ Viện Pháp so sánh tình trạng thiếu hụt đạn dược hiện nay với khủng hoảng khẩu trang hồi mùa xuân 2020 để đối phó với dịch Covid vừa qua. Cảnh nước Pháp trông đợi từng chuyến bay chở khẩu trang nhập từ Trung Quốc cách nay ba năm cho thấy « giới hạn của những tính toán thuần túy về mặt tài chính » với lập luận đơn giản rằng « tích lũy » đạn dược hay những sản phẩm mang tính chiến lược là việc làm « không cần thiết »

Bài Liên Quan

Leave a Comment