Đăng ngày: 17/02/2023
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi kết thúc chuyến thăm « cố nhân » Trung Quốc kéo dài ba ngày từ 14-16/02/2023. Ông về nước với 20 hợp đồng thương mại, cùng với những lời hứa của chủ tịch Tập Cận Bình « ủng hộ Iran chống lại chủ nghĩa đơn phương và hành vi bắt chẹt », ngụ ý nói Hoa Kỳ. Có chung đối thủ là Washington, Iran và Trung Quốc « thể hiện tương ái và khẳng định hợp tác, hỗ trợ nhau ».
Mở rộng mạng lưới làm đối trọng với phương Tây
Chính quyền Teheran ngày càng bị phương Tây cô lập với cáo buộc hỗ trợ quân sự cho Nga tấn công Ukraina, trong khi vẫn chưa thoát khỏi hàng loạt trừng phạt kinh tế do phát triển chương trình hạt nhân. Chuyến đi của ông Raisi là chuyến công du đầu tiên của một tổng thống Iran đến Trung Quốc kể từ hơn 20 năm nay và được cho là « mang đầy ý nghĩa chính trị ». Trả lời đài RFI ngày 14/02/2023, giáo sư Emmanuel Lincot, Viện Công giáo Paris, nhà nghiên cứu cộng sự của Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp – IRIS, đánh giá :
« Một mặt, chuyến công du là sự tiếp nối mối quan hệ song phương vốn có, nhất là từ năm 2021 với hai điểm cần lưu ý. Thứ nhất là Iran gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Thứ hai, Bắc Kinh và Teheran đã ký một thỏa thuận thương mại trị giá 400 tỉ đô la. Phải triển khai những hợp đồng và những cam kết đó, cho nên ông Raisi đến Bắc Kinh. Nhưng đây cũng là cách để Trung Quốc hình thành một mặt trận mới. Về cơ bản đã có ba mặt trận, hai mặt trận đầu chính là Nga và Trung Quốc, mặt trận thứ ba là Bắc Triều Tiên, giờ có thêm Iran là mặt trận thứ tư. Tất cả những điều này, trực tiếp hay gián tiếp, góp phần làm suy yếu phương Tây ».
Năm 2021 là cột mốc quan trọng cho quan hệ song phương. Bắc Kinh và Teheran ký thỏa thuận chiến lược quy mô lớn kéo dài 25 năm, bao gồm rất nhiều lĩnh vực từ năng lượng, an ninh, đến cơ sở hạ tầng và truyền thông. Tiếp theo, Iran gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organisation), tại thượng đỉnh lần thứ 21 của tổ chức ở thủ đô Dushanbe của Tajikistan. Nhìn rộng hơn, kéo Iran vào vòng ảnh hưởng là thành công của Bắc Kinh trong việc mở rộng « mạng lưới đồng minh » làm đối trọng với phương Tây. Giáo sư Emmanuel Lincot giải thích :
« Sự kiện gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải đã là một dấu hiệu. Đó là một trong những tổ chức lớn mà Iran tham gia. Việc này cho phép Nga và Trung Quốc thâm nhập vào Trung Đông. Mặt khác, việc ký những thỏa thuận thương mại cách đây hơn một năm cũng là một dấu hiệu khác cho thấy từ giờ tương lai của Iran nằm ở châu Á, trong mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc, chứ không phải là với phương Tây, bên vẫn áp đặt trừng phạt đối với Teheran từ hơn 40 năm nay. Điều thú vị là chúng ta thấy một tuyến Á-Âu đang được hình thành, mà Trung Quốc là trọng tâm, dù phải thừa nhận rằng lớp thành trì đó rất dễ vỡ ».
Trung Quốc giúp Iran lách trừng phạt kinh tế của phương Tây
Tổng thống Iran dẫn đầu một phái đoàn hùng hậu, gồm nhiều bộ trưởng và chủ doanh nghiệp. Hôm 14/02, ông Ebrahim Raisi cùng với chủ tịch Tập Cận Bình dự lễ ký hơn 20 thỏa thuận về du lịch, nông nghiệp, thương mại, bảo vệ môi trường, y tế, cứu nạn trong trường hợp thảm họa thiên tai, văn hóa và thể thao. Hiện tại, Iran trông cậy chủ yếu vào Nga và Trung Quốc để khôi phục phần nào nền kinh tế. Ông Clément Therme, chuyên gia về Iran, giảng viên Đại học Montpellier – Paul Valéry (Pháp), phân tích với RFI :
« Hai nước muốn phát triển trao đổi thương mại mà không sử dụng đô la Mỹ, và dùng tiền của mỗi nước hoặc tiền ảo. Chúng ta thấy rõ ý định lách trừng phạt và hình thành một không gian tài chính, trong đó mối liên hệ ngân hàng không phải chịu những tiêu chuẩn pháp lý của Mỹ. Teheran và Matxcơva đã tìm ra giải pháp với hệ thống thanh toán Mir của Nga. Iran định tìm phương án tương tự với Trung Quốc. Viễn cảnh phát triển quan hệ thương mại cũng có thể thông qua hình thức hàng đổi hàng, ví dụ Iran đổi dầu lấy hàng hóa Trung Quốc để tránh các biện pháp trừng phạt. Tôi cho rằng kế hoạch hiện nay của nước Cộng Hòa Hồi Giáo Iran là phát triển trao đổi tài chính mà không cần thông qua đô la ».
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Iran, theo cơ quan thông tấn IRNA trích dẫn thống kê hải quan trong vòng 10 tháng. Trong giai đoạn này, Iran đã xuất sang Trung Quốc 12,6 tỉ đô la hàng hóa và nhập 12,7 tỉ đô la sản phẩm Trung Quốc. Bắc Kinh từng là một trong số khách hàng dầu lửa lớn nhất của Teheran cho đến khi tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt năm 2018 và đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA). Tuy nhiên, theo giáo sư Emmanuel Lincot, hiện giờ Ả Rập Xê Út mới là nhà cung cấp dầu lửa chính của Trung Quốc.
« Nhưng Bắc Kinh luôn trung thành với chính sách của họ là biết cân bằng các mối quan hệ. Vì thế, họ không muốn liên kết với Ả Rập Xê Út hay Iran nên mua dầu lửa của cả Riyadh lẫn Teheran. Cũng có thể coi đó là một chiến lược trả đũa Ấn Độ vì New Delhi rất chú ý đến các biện pháp trừng phạt của Mỹ về vấn đề hạt nhân Iran, cũng như việc Ấn Độ cải tạo, nâng cấp cảng Chabahar của Iran ở vịnh Persic, được cho là nằm trong chiến lược thâm nhập đến Trung Á của chính quyền New Dehli. Vì thế, sát cánh với Teheran còn nhằm tách Iran khỏi Ấn Độ, song song với việc ủng hộ Pakistan, một nhân tố chủ đạo khác trong chiến lược của Trung Quốc, nhưng lại là đối thủ từ lâu của New Delhi ».
Iran giúp Trung Quốc cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ ở Trung Đông ?
Tuy nhiên, liệu Teheran có chấp nhận việc Bắc Kinh muốn làm bạn với tất cả các nước ở Trung Đông, nơi Teheran có nhiều kẻ thù hơn là bạn ? Nhật báo Pháp Le Monde nhắc lại rằng Iran từng khó chịu khi ông Tập Cận Bình thăm Ả Rập Xê Út vào tháng 12/2022 và dự thượng đỉnh với các nước vùng Vịnh nhân dịp này. Thượng đỉnh nhấn mạnh rằng các nước trong vùng phải đàm phán với Iran về tranh chấp chủ quyền đối với nhiều hòn đảo ở eo biển Hormuz. Từ năm 1971, Iran kiểm soát ba hòn đảo nằm trên tuyến đường biển quan trọng, nhưng Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đòi chủ quyền.
Nhiều chuyên gia Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh chẳng được lợi lộc gì từ cạnh tranh với Hoa Kỳ ở Trung Đông. Từ sau chuyến công du năm 2016 của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc trở thành một nhân tố quan trọng trong vùng, luôn cố duy trì mối quan hệ hữu hảo với tất cả các bên, nhằm phục vụ mục đích chính trị và kinh tế lớn hơn, theo giải thích của giáo sư Lincot :
« Rõ ràng là có ý đồ chính trị. Cách đây rất lâu trong lịch sử quan hệ quốc tế, Trung Đông từng là trận địa cạnh tranh giữa hai Nhà nước cộng sản : Liên Xô và Trung Quốc. Chuyện xảy ra từ lâu nhưng rất quan trọng vì khu vực này rất giàu dầu khí, kéo dài đến tận Trung Á. Vì vậy, đó là một chiến lược toàn diện đưa Trung Đông, đặc biệt là Iran, đóng một vai trò then chốt cho lợi ích của Trung Quốc. Hoa Kỳ, cũng như các đồng minh trong vùng, đã dự đoán được. Trước đó (năm 2020), các nước Hồi Giáo vùng Vịnh, do lo ngại, đã ký « thỏa thuận Abraham » thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel, theo sáng kiến của ông Donald Trump ».