February 17, 2023
Ý kiến nói nếu cơ quan văn hóa cho công khai bộ phim “Phản Bội” thì sẽ bị phía Trung Quốc phản đối, coi là đã vi phạm những thỏa thuận giữa hai đảng. Trong khi trên thực tế, nội dung của “thỏa thuận Thành Đô” cho đến nay hai bên vẫn chưa công bố cho nhân dân nước mình biết.
Ngày 17 tháng 2 năm 1979 Trung cộng đem hơn nửa triệu quân xâm lược Việt Nam tại sáu tỉnh biên giới, gây bao tội ác dã man, đạo diễn Trần Văn Thủy nhớ lạị:
“Vào dip này năm ấy, tôi cùng nhóm làm phim cũng có mặt ở mặt trận Tam Đường, Lào Cai, rồi Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên…ghi hình trực tiếp, ác liệt, tàn bạo và man rợ vô cùng…
Cùng với sự trực tiếp giúp đỡ đặc biệt của ông Nguyễn Cơ Thạch, tôi đã cho ra mắt “Phản Bội”, bộ phim tài liệu đen trắng dài nhất trong lịch sử Hãng Phim tài liệu Trung ương cho đến thời điểm đó: 90 phút. Nó đoạt giải Vàng Đặc Biệt trong Liên hoan phim Quốc gia 1980 và tham dự nhiều liên hoan phim quốc tế khác… Nó hấp dẫn hơn một phim truyện. “Đang xem không thể đi… tè được”.
Vậy mà “Phản Bội” hiện tại bị…cấm chiếu! Cấm xuất kho. Cấm in ấn. Tôi cũng không cách nào xem lại được? Ôi! Sao mà “tài tình” và “sáng suốt” đến vậy”?…
Khi được giới trí thức kêu gọi đấu tranh đòi cho được bộ phim đó, vì đó là tài sản của đạo diễn, ông Trần Văn Thủy lắc đầu ngao ngán.
Ông Nguyễn Hữu Vinh cho biết, có lẽ bộ phim có sử dụng một số tư liệu của Liên Xô; với phim tài liệu, đó là chuyện bình thường. Đồng thời, nếu trở ngược thời gian, vào thời điểm ra đời phim và trình chiếu, 1979-1980, nó thực sự phản ánh và phục vụ mục đích chính trị của chính quyền Việt Nam trong quan hệ Việt – Trung – Xô, với thái độ chống “bọn bá quyền Trung Quốc xâm lược” rất đậm nét, được ghi hẳn vào Hiến pháp 1980.
Trong Hội nghị Thành Đô, dẫn đến bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, có lẽ hai đảng đã có những thỏa thuận “ngầm”, ràng buộc trong quan hệ ngoại giao, ví như hai bên không “khơi lại” quá khứ xung đột đẫm máu 1979 và nhiều năm sau đó. Trong khi bộ phim “Phản Bội” lại là một tác phẩm điện ảnh mạnh mẽ tố cáo Trung Quốc xâm lược, nhằm mục đích phục vụ cuộc chiến đấu của quân và dân ta những năm đó.
Về phía các cơ quan quản lý, tuyên giáo, có thể họ cho rằng nếu cho công khai bộ phim này thì sẽ bị phía Trung Quốc phản đối, coi là đã vi phạm những thỏa thuận giữa hai đảng. Trong khi trên thực tế, nội dung của “thỏa thuận Thành Đô” cho đến nay hai bên vẫn chưa công bố cho nhân dân nước mình biết.
Vì vậy, các cơ quan chức năng Việt Nam đã rơi vào tình trạng khó xử, không thể giải thích nổi tại sao một bộ phim quý giá về lịch sử như thế mà lại bị… “giấu nhẹm” trong suốt hơn 40 năm qua. Họ buộc phải im lặng, cùng lắm là cho rò rỉ thông tin không chính thức, với lý do mơ hồ, thiếu thuyết phục, thậm chí là ngụy tạo.
Có “thông cảm” theo kiểu đó mới có thể giải thích nổi vì sao bộ phim “Phản Bội” cho tới nay vẫn hoàn toàn được “giấu” kỹ, không thể tìm thấy trên mạng, kể cả những bài báo trong nhiều năm viết về nó. Đến chính tác giả của nó muốn xem lại cũng không biết kiếm đâu ra.
Ngoài ra, với bản chất của nền chính trị Việt Nam lâu nay, không thể loại trừ khả năng vẫn còn có những thế lực bảo thủ, không ưa gì con người cũng như những tác phẩm sắc bén, bộc trực của Trần Văn Thủy, trong đó còn có cả những tác phẩm như “Chuyện Nghề của Thủy”, “Trong Đống Tro Tàn” nhưng họ chẳng có cách gì để chặn đứng ông, nên phải tìm cách hạn chế ảnh hưởng của ông này.