RFA
18-02-2023
Ảnh minh họa: Giám đốc Phan Quốc Việt và bộ test kit COVID-19
54/61 tỉnh, thành phố tại Việt Nam bị kết luận có sai phạm trong công tác mua sắm trang thiết bị, vật tư chống COVID-19.
Kết luận được đưa ra trong báo cáo của Thanh tra Chính phủ được ký ban hành hôm 16/2.
Báo cáo được thực hiện do cử tri có ý kiến về vụ án bộ test kit Việt Á và được gửi cho Quốc hội Khóa XV trước kỳ họp thứ tư sắp đến.
Theo Thanh tra Chính phủ Việt Nam, 54/61 tỉnh, thành phố có gần 5 ngàn gói thầu trên tổng số gần 16 ngàn gói bị kết luận sai phạm. Một số vụ có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà Nước.
Tỷ lệ vi phạm tại một số địa phương qua kiểm tra xác suất một số đơn vị, cơ sở y tế được nêu như sau: Thành phố Đà Nẵng 100% ; Hải Phòng gần 99%; Quảng Trị hơn 92%; Nam Định hơn 91%, Bình Thuận gần 90%; Cần Thơ hơn 89%; Vĩnh Long hơn 85%; các tỉnh Cao Bằng, Điện Biên, Ninh Bình, Hà Giang cùng trên 70%…
Trong đại dịch COVID-19, tại Việt Nam xảy ra hai vụ đại án là vụ test kit Việt Á và vụ các chuyến bay giải cứu.
Công ty Cổ phần Việt Á bị cáo buộc đã thổi giá bộ xét nghiệm COVID-19 lên khoảng 45% và “lại quả” cho các đối tác 800 tỷ đồng.
Theo số liệu của Bộ Công an Việt Nam, tính đến nay đã có hơn 100 người bị khởi tố liên quan đến “đại án” Việt Á. Trong số này, gần 100 quan chức ở cấp trung ương và địa phương bị vướng vào vòng lao lý, trong đó có người từng là Ủy viên Trung ương. Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phải ra đi và lên tiếng thanh minh vợ, con, người thân của ông không dính líu gì đến vụ đại án Việt Á.
Trong vụ các chuyến bay giải cứu, 15 quan chức chính phủ và nhiều lãnh đạo công ty du lịch liên can đã bị bắt với các tội danh “nhận hối lộ, đưa hối lộ, chiếm đoạt tài sản”. Những hành vi vi phạm xảy ra khi Chính phủ Hà Nội cho thực hiện những chuyến bay gọi là “giải cứu” đưa công dân Việt Nam bị kẹt tại những nơi xảy ra dịch COVID-19. Số tiền hối lộ trong “cuộc giải cứu” được Công an cho biết lên đến hằng triệu đô la Mỹ.