Hội nghị an ninh Munich : Một mặt trận đoàn kết giúp Ukraina đương đầu với Nga

Đăng ngày: 18/02/2023

\"\"
\"\"
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich, Đức, ngày 17/02/2023. REUTERS – WOLFGANG RATTAY

Thanh Hà

Trong ngày thứ nhì Hội nghị an ninh Munich, hôm nay 18/02/2023, lãnh đạo NATO kêu gọi Liên Minh Bắc Đại Tây Dương “cung cấp cho Ukraina những gì cần thiết đề giành lấy chiến thắng trong cuộc xung đột” bởi vì Matxcơva không có “kế hoạch cho hòa bình”. Phương Tây thể hiện đoàn kết hơn bao giờ hết với Kiev. Pháp tuyên bố Nga phải “thất bại” khi xâm chiếm Ukraina.

Phát biểu sáng nay 18/02,  tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương-NATO, Jens Stoltenberg, xem việc cung cấp cho Kiev tất cả những gì cần thiết là một nghĩa vụ của khối để giúp Ukraina “giành lấy chiến thắng và tồn tại với tư cách là một quốc gia có chủ quyền và độc lập” của châu Âu. Theo ông, từ khi điều quân xâm lược Ukraina, tổng thống Nga Vladimir Putin không hề thay đổi tham vọng và không có một “kế hoạch nào cho hòa bình”.

Trước đó, qua cầu truyền hình, tổng thống Ukraina, Volodymyr Zelensky, yêu cầu được giúp đỡ do phương Tây “không có sự chọn lựa nào khác ngoài chiến thắng của Ukraina”. Đáp lời ông Zelensky, Pháp – Đức khẳng định “tăng cường viện trợ cho Kiev, kể cả viện trợ quân sự”.

Berlin trước đây từng thận trọng trong việc cung cấp xe tăng hạng nặng cho Ukraina, nhưng tại hội nghị an ninh Munich lần này, thủ tướng Đức Olaf Scholz khuyến khích các quốc gia có công cụ chiến đầu này “cung cấp” cho quân đội Ukraina.

Về phía nguyên thủ Pháp, Emmanuel Macron đã có những lời lẽ hết sức cứng rắn đối với Nga, lên án điện Kremlin đưa quân “xâm lược” Ukraina. Tổng thống Pháp nhấn mạnh Matxcơva phải “thất bại” trong mục tiêu đó, chiến tranh Ukraina “và những hậu quả tai hại hiện nay hoàn toàn thuộc về trách nhiệm của nước Nga”. Hơn nữa, Paris coi Nga là một “cường quốc gây bất cân bằng và bất ổn cho thế giới”.

Ông Macron tới nay vẫn bị chỉ trích do chủ trương đối thoại với Matxcơva. Trước và sau khi điện Kremlin điều quân xâm chiếm Ukraina, tổng thống Pháp đã có “cả trăm cuộc điện đàm hay đối thoại trực tiếp” với đồng cấp Nga. Nhưng từ ngày 11/09/2022, điện Elysée không còn trực tiếp liên lạc với điện Kremlin.

Tự chủ về công nghệ quốc phòng

Song song với việc lên án Nga gây bất ổn cho thế giới, tổng thống Pháp nhấn mạnh đến nhu cầu cấp bách của Liên Âu về tự chủ tự cường trong quốc phòng. Trả lời đài RFI, tướng Jean Paul Paloméros, nguyên tổng tham mưu trưởng Không Quân Pháp và từng là chỉ huy trong hàng ngũ của NATO, xem đây là một điểm hết sức đáng chú ý trong diễn văn của tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại hội nghị Munich lần này :

“Tất cả những gì đang diễn ra tại Ukraina cho thấy chúng ta tuyệt đối phải làm chủ không phận, phải tự chủ về mặt chủ quyền. Thêm vào đó, vụ khinh khí cầu Trung Quốc làm nhiễu thêm toàn cảnh hiện nay. Tôi ghi nhận là trong bài phát biểu, tổng thống Macron đã nhấn mạnh nhiều đến nền công nghiệp quốc phòng châu Âu. Đó là điều dễ hiểu nhìn từ góc độ của một nhà lãnh đạo. Một phần lớn trong phát biểu của ông đã tập trung vào chủ đề này. Tổng thống Macron là người duy nhất nhìn vấn đề dưới góc độ đó khi ông nói chúng ta phải làm chủ nền công nghiệp, phải có những sáng kiến.

Ông cũng đã đề cập đến lộ trình được thảo ra tại hội nghị Versailles (hồi tháng 3/2022). Đại để là tổng thống Pháp cho rằng, đương nhiên trang thiết bị quân sự của chúng ta phải phù hợp, phải đồng bộ với các phương tiện của các nước đồng minh, nhưng Châu Âu phải có một hệ thống sản xuất của riêng mình. Đây phần nào là thông điệp nhắn gửi đến thủ tướng Đức Olaf Scholz vào lúc Berlin đang mua vào chiến đấu cơ F-35 và tên lửa Patriot của Mỹ”. 

Bài Liên Quan

Leave a Comment