Một năm chiến tranh : Sức kháng cự của kinh tế Nga và Ukraina

Đăng ngày: 21/02/2023

Tên lửa, xe tăng, đại bác của Nga không diệt được các doanh nghiệp Ukraina. Về phía Nga, nền kinh tế thứ 9 trên thế giới không bị cắt đứt với thế giới bên ngoài. Phép lạ nào giúp kinh tế Ukraina vẫn cầm cự dưới tác động của chiến tranh ? Nhờ đâu kinh tế Nga vẫn trụ được sau 9 đợt trừng phạt liên tiếp của phương Tây ? Một lần nữa các câu hỏi về hiệu quả của trừng phạt, cấm vận Nga lại dấy lên.

\"\"
\"Một
Một tàu chở dầu đậu tại khu vực nhà máy Sheskharis, ở Novorossiysk, Nga. Ảnh chụp ngày 11/10/2022. 

Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế trong báo cáo công bố ngày 31/01/2023 thẩm định tổng sản phẩm nội địa Ukraina trong năm 2022 giảm 34 % do tác động chiến tranh. GDPcủa Nga giảm 2,2 % : « nhẹ hơn nhiều » so với đợt suy thoái (-7,9%) hồi 2009 dưới tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Đánh sập kinh tế Ukraina : Nga thất bại

Sau một năm chiến tranh, nhiều thành phố từ Mariupol đến Kharkiv hay Kherson đã tan hoang. Quân đội Nga liên tục nhắm vào các nhà máy điện Ukraina. Cuối 2022, thống kê của Kiev ghi nhận : gần 150.000 khu dân cư bị thiệt hại, 150 cây cầu bị đánh sập, 330 bệnh viện bị trúng bom, gần 3.000 trường học chỉ còn là những đống gạch đổ nát, gần 600 cơ quan hành chính bị tàn phá hoặc bị quân đội Nga trưng dụng ở những vùng bị chiếm đóng. Từ 30% đến 40% diện tích đất canh tác của một trong những vựa ngũ cốc trên thế giới bị nhiễm mìn. Tại khu vực miền đông, lá phổi công nghiệp của Ukraina, cả một mảng lớn các hoạt động kinh tế bị tê liệt.

Trên đài truyền hình Pháp BFM chuyên gia kinh tế Nicolas Bouzou điều hành công ty vấn Asterès nhìn « cốc nước nửa đầy », khi nêu bật trước ngần ấy những « tai họa » một số doanh nghiệp Ukraina vẫn tìm được lối thoát :

Nicolas Bouzou « Năm ngoái sản xuất của Ukraina giảm hơn 30 % đây là một mức độ vô cùng nghiêm trọng. Cần biết rằng Ukraina mất đi một phần các nguồn lao động : thanh niên thì bị điều ra chiến trường, phụ nữ trẻ em thì ra nước ngoài chạy trốn chiến tranh. Lực lượng lao động bị giảm mạnh. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp kháng cự khá tốt nhờ giảm lương của nhân viên, nhờ tổ chức lại, nhờ Ukraina có một mạng lưới internet và các công cụ kỹ thuật số rất tốt. Thêm vào đó hệ thống đường sắt quốc gia hoạt động rất hiệu quả. Tổng thống Zelensky xem nhân viên tập đoàn đường sắt là một “đội lính” thứ hai. Nhờ họ mà hệ thống phân phối không bị đứt, gẫy … Với tất cả các yếu tố nói trên, một số công ty Ukraina vẫn tiếp tục xuất khẩu ».

Trong chiến tranh mà nhiều sự kiện như hội chợ sách quốc tế vẫn được tổ chức tại thủ đô Kiev và ở những vùng xa các mặt trận nóng. Các công ty tuyển dụng nhân viên hoạt động rất mạnh theo lời giám đốc cơ quan tư vấn Asterès. Đương nhiên kinh tế Ukraina cầm cự được nhờ viện quốc tế : Sau Hoa Kỳ, Liên Âu là điểm tựa thứ nhì của chính quyền Kiev. Bruxelles đã cấp 8 tỷ đô la cho Kiev trong năm 2022 và dự trù 17 tỷ trong năm nay, đó là chưa kể các khoản viện trợ nhân đạo và quân sự. 

Sức kháng cự của kinh tế Nga : « Vật thể lạ »

Tuy nhiên mọi chú ý dồn về phía Nga. Trong lịch sử kinh tế đương đại, chưa một quốc gia nào lãnh những đòn trừng phạt nặng như Liên bang Nga hiện nay. Liên Hiệp Châu Âu đang chuẩn bị đợt trừng phạt thứ 10 kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraina. Châu Âu, Mỹ, Canada, Úc và Nhật nhất trí « nhắm » vào xuất nhập khẩu dầu khí của Nga, một lĩnh vực chiếm từ 15% đến 20 % GDP và bảo đảm 40 % ngân sách quốc gia.

Chỉ hai ngày sau chiến tranh, Nga bị loại khỏi hệ thống quốc tế thanh toán ngân hàng SWIFT, 300 tỷ đô la dự trữ ngoại tệ của Ngân Hàng Trung Ương Nga tại Âu Mỹ bị phong tỏa. 

Vậy mà phát biểu tháng 12/2022 tổng thống Vladimir Putin tự hào « phá vỡ âm mưu  của phương Tây muốn hạ gục » kinh tế Liên Bang Nga. GDP của Nga dưới tác động của những đòn trừng phạt quốc tế được ví như « vũ khí hạng nặng » giảm 2,2 % theo thống kê của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF và 2,1 % theo thống kê Rosstat của Nga. Đơn vị tiền tệ quốc gia đã ổn định trở lại. Ngân Hàng Trung Ương với « nữ tướng » Elvira Nabioullina đứng đầu, đã kềm hãm được lạm phát.

Trả lời đài phát thanh France Culture Sébastien Jean chuyên gia về thương mại quốc tế trường CNAM – Học Viện Quốc Gia về Nghệ Thuật và Nghề Nghiệp – Paris nêu bật những dấu hiệu cho thấy kịch bản kinh tế Nga sụp đổ hoàn toàn không xảy ra.

Sébastien Jean « Đúng là trong giai đoạn đầu đồng rúp mất giá, có lúc mất hẳn 1/3 trị giá so với đô la nhưng từ đó đến nay đơn vị tiền tệ của Nga hồi phục. Tỷ giá hối đoái tăng lên trở lại gần bằng với thời điểm trước chiến tranh Ukraina. Xuất nhập khẩu của Nga cũng vậy : trong những tuần lễ đầu khi lệnh trừng phạt được ban hành, nhập khẩu của Nga hoàn toàn sụp đổ, kim ngạch xuất khẩu tuy nhiên vững vàng nhờ dầu khí, nông phẩm, khoáng sản … Nhưng trong gần một năm qua nhiều con đường khác đã khai mở : chẳng hạn như xuất khẩu qua trung gian một số nước bạn của Matxcơva, trong đó có Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỹ hay Armenia, Azerbaijan … »

Trừng phạt Kremlin nhưng phương Tây rót gần 250 tỷ đô la cho nước Nga

Vào lúc phương Tây rầm rộ hô hào « cấm vận » kinh tế Nga, cấm giao thương với Nga thì tính đến cuối tháng 12/2022 châu Âu vẫn mua dầu khí của Nga và qua đó thanh toán 250 tỷ đô la (theo Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế) cho các tập đoàn dầu khí của Nga và một phần trong số tiền khổng lồ đó là nhằm đóng góp cho ngân sách Nhà nước. Đành rằng trong năm 2022 Liên Âu đã giảm mạnh mức độ lệ thuộc vào khí đốt của Nga, nhưng phải đợi đến ngày  05/12/2022 và 05/02/2023 châu Âu mới thực sự « khóa » van dầu của Nga.

Nếu như các tập đoàn dầu khí Nga mất dần thị trường châu Âu thì đổi lại những Gazprom hay Rosneft … đã tìm được những điểm tựa mới là Ấn Độ hay Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu dầu hỏa của Nga với Trung Quốc tăng 48 % trong năm 2022.

Cuộc tranh luận về tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga một lần nữa lại được nêu ra. Thậm chí có nhiều tiếng nói cho rằng Liên Âu mạnh tay đánh vào ngân sách của Matxcơva mà không trông thấy rằng đó là những đòn « gậy ông đập lưng ông » : năng lượng, nguyên liệu, nông phẩm …tăng cao đe dọa tăng trưởng của chính mình. Nicolas Bouzou cơ quan tư vấn Asterès không hoàn toàn đồng ý với lập luận này. Bằng chứng rõ rệt nhất là viện thống kê quốc gia Rosstat hôm 17/02/2023 đã hoãn cuộc họp báo công bố thống kê kinh tế trong năm 2022 :

Nicolas Bouzou : « Đúng là có những biện pháp trừng phạt không mang lại những kết quả như phương Tây mong đợi. Các chương trình nhằm cô lập Nga trên thương trường không hiệu quả lắm do Matxcơva đã nhanh chóng dựa vào Bắc Kinh. Quan hệ đôi bên chưa bao giờ được mở rộng như ở thời điểm này. Thế nhưng có những lĩnh vực mà Nga không có thể trông cậy nhiều vào Trung Quốc thí dụ như là về công nghệ bán dẫn. Vì bị phương Tây phong tỏa cỗ máy sản xuất vũ khí của Nga không thể hoạt động hết công suất. Các biện pháp trừng phạt tác hại đến nền công nghiệp quốc phòng của Nga ».

Thuốc độc ngấm lâu

Về phần Agathe Demarais, giám đốc văn phòng dự báo của Economist Intelligence Unit-trực thuộc tuần báo kinh tế Anh, The Economist, bà giải thích rõ hơn về giới hạn trong hợp tác giữa Matxcơva và Bắc Kinh và không mấy lạc quan về viễn cảnh kinh tế chóng phục hồi. 

Agathe Demarais : « Liên quan đến công nghệ bán dẫn, Nga trông cậy nhiều vào Trung Quốc thế nhưng bản thân Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với chính sách trừng phạt của Washington : Mỹ đang siết chặt các hoạt động bán công nghệ cao, cung cấp linh kiện bán dẫn hiện đại nhất cho Trung Quốc. Thêm vào đó là hiện tượng một phần lớn các chuyên gia của Nga về tin học, về các công nghệ mới đã sơ tán từ khi Matxcơva xâm chiếm Ukraina. Nhìn rộng ra hơn thì từ 10 năm nay giới phân tích báo động kinh tế Nga gặp khó khăn do dân số sụt giảm, năng suất lao động thấp. Thành thử viễn cảnh kinh tế của Nga vốn đã ảm đạm trước khi nổ ra chiến tranh, giờ đây tình hình lại càng đen tối thêm nữa. Chiến tranh Ukraina chỉ làm lộ rõ thêm thực tế này mà thôi ».

Trở lại với câu hỏi chính sách trừng phạt kinh tế Nga có hiệu quả hay không Agathe Demarais cho rằng trước khi đánh giá về mức độ « hiệu quả » cần phải thẩm định lại mục tiêu trừng phạt Nga là gì ?

Agathe Demarais  : « Mục tiêu thứ nhất là bắn đi tín hiệu phương Tây đoàn kết một lòng yểm trợ Ukraina và tôi nghĩ rằng Nga đã bất ngờ vì điều đó. Về điểm này phương Tây đã thành công. Điểm thứ nhì, tôi không nghĩ rằng Âu Mỹ muốn trông thấy kinh tế Nga gục ngã như là kinh tế của Venezuela. Kịch bản nền kinh tế thứ 9 của thế giới tan rã là điều không tưởng. Qua các đòn trừng phạt, phương Tây nhắm vào cỗ máy tài trợ chiến tranh của Matxcơva, muốn hạn chế khả năng chế tạo vũ khí của Nga. Thâm hụt ngân sách của Nga tăng lên, quỹ đối phó với tình huống bất ngờ của Nga giảm sụt : có thể nói mục tiêu thứ hai cũng đã đạt được. Về mục đích thứ ba là về lâu về dài gây tác hại cho nền công nghiệp dầu khí của Nga : để khai thác dầu khí và xuất khẩu năng lượng Nga cần công nghệ của phương Tây, cần tìm kiếm thêm các mỏ dầu mới. Nhưng dưới tác động của lệnh trừng phạt, các dự án đó bị chựng lại. Hiện nay Nga chiếm 30 % thị phần dầu khí thế giới, tỷ lệ này rơi xuống còn 15 % vào quãng năm 2030. Nói cách khác, trong tương lai thế áp đảo của Nga trên thị trường dầu khí thế giới sẽ bị đe dọa ».

Julien Nocetti giảng viên trường quân sự Saint Cyr của Pháp, cộng tác viên của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI cho rằng chính nhờ cấm vận đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao và linh kiện bán dẫn mà cỗ máy sản xuất vũ khí của Nga phải hoạt động chậm lại, ít ra là không như chủ nhân điện Kremlin mong muốn :

Julien Nocetti : « Cốt lõi của vấn đề ở đây là phụ tùng bán dẫn. Liệu rằng Nga có thể lách các lệnh phong tỏa của phương Tây hay không chẳng hạn như là trông cậy vào công nghệ, vào chip điện tử của Bắc Triều Tiên ? Nếu như câu trả lời là có thì chúng ta biết rằng Bắc Triều Tiên đã tiến bộ hơn rất nhiều. Trên thực tế Nga phụ thuộc vào linh kiện điện tử của phương Tây, của Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan và những đối tác này áp dụng lệnh trừng phạt nhắm vào Matxcơva. Trước mắt Nga không tiếp cận được với công nghệ cao, mất nguồn cung cấp chip điện tử. Hệ quả kèm theo là ngành công nghiệp sản xuất vũ khí của Nga bị mắc kẹt, không thể chế tạo thêm tên lửa hay xe tăng » …

Sau một năm chiến tranh đang diễn ra trên lãnh thổ Ukraina, mẫu số chung duy nhất giữa Kiev và Matxcơva là cả hai cùng đã có khả năng nhanh chóng thích nghi với tình huống. Dù vậy thực tế cho thấy Ukraina cần từ 138 đến 500 tỷ đô la cho công cuộc tái thiết một khi im tiếng súng.

Ukraina có thể tái thiết cơ sở hạ tầng và thiệt hại vật chất có thể dễ dàng được khắc phục, những mất mát về tinh thần, những vết hằn chiến tranh để lại thì không.

Còn về phía Nga, giới quan sát cho rằng các đòn trừng phạt hiện nay là một thứ « độc dược ngấm lâu » mà hậu quả sẽ chỉ được trông thấy từ 5 đến 10 năm nữa. Hai lĩnh vực bị tổn hại nhiều hơn cả sẽ là ngành công nghiệp dầu khí và chế tạo vũ khí : hai con gà đẻ trứng vàng của kinh tế Nga.

Đương nhiên là trong giai đoạn tái thiết kinh tế, Nga có thể trông cậy nhiều vào tình hữu nghị vô bờ bến của Bắc Kinh. Nhưng  Trung Quốc chẳng cho ai vay không bao giờ. Matxcơva không là một ngoại lệ, như Tatiana Kastouéva-Jean, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI ghi nhận qua bài trả lời phỏng vấn báo La Croix hôm 19/02/2022. 

Bài Liên Quan

Leave a Comment