Liên Âu đoàn kết sau một năm đối mặt với chiến tranh Ukraina

Đăng ngày: 22/02/2023

\"\"
\"\"
Toàn cảnh cuộc họp các ngoại trưởng Liên Âu tại Bruxelles, Bỉ, ngày 20/02/2023. REUTERS – JOHANNA GERON

Thanh Hà

Lãnh đạo Ngoại Giao của Liên Hiệp Châu Âu, Josep Borrell hôm qua 21/02/2023 kêu gọi 27 nước thành viên tăng tốc trong việc cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraina. Tại Bruxelles các nhà ngoại giao kỳ vọng trong ngày đạt được đồng thuận về đợt trừng phạt thứ 10 nhắm vào Matxcơva nhân dịp đúng một năm Nga xâm lược Ukraina.

Đợt trừng phạt mới bao gồm những biện pháp như sau : Cấm giao dịch với 7 công ty của Iran bị cho là cung cấp thiết bị cho Nga sử dụng trên chiến trường Ukraina. Cấm xuất khẩu cho Nga các linh kiện điện tử có thể được dùng cả trong lĩnh vực dân sự lẫn quân sự, đặc biệt là để chế tạo drone, tên lửa hay trực thăng.

Theo Reuters, ít có khả năng 27 thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu cấm nhập khẩu kim cương của Nga, hay ban hành một số các biện pháp ảnh hưởng đến ngành năng lượng hạt nhân. Nhiều thành viên Liên Âu, trong đó có Pháp lệ thuộc vào Uranium của Nga.

Vào lúc chiến tranh Ukraina sắp bước vào năm thứ nhì, Liên Hiệp Châu Âu chủ trương tăng cường viện trợ quân sự cho Kiev. Cấp thêm đạn được, pháo đại bác, xe tăng…  là điều « cấp bách » theo lời lãnh đạo ngoại giao châu Âu, Josep Borrell, trước khi Nga « khởi động chiến dịch tấn công ». Vẫn theo ông Borrell, Vladimir Putin đang « tăng tốc cỗ máy chiến tranh, huy động thêm lực lượng và nhất là Matxcơva đang hướng về Bắc Triều Tiên cũng như Iran để trang bị thêm vũ khí ».

Thông tín viên RFI từ Bruxelles, Pierre Bénazet ghi nhận từ một năm qua, Liên Âu đã vượt lên trên những bất đồng trước thách thức chiến tranh Ukraina đang đặt ra : 

« Ngay từ hôm 23/02/2022 một ngày trước khi Ukraina bị xâm chiếm, Liên Âu đã khởi động đợt trừng phạt đầu tiên nhắm vào Matxcơva. Từ đó đến nay, Bruxelles ban hành thêm nhiều đợt trừng phạt liên tiếp và đang chuẩn bị đợt thứ 10.

Liên Âu duy trì được đoàn kết mặc dù là sự đoàn kết đó tưởng chừng đã bị đe dọa vào mùa xuân năm ngoái do thái độ của Hungary về việc trừng phạt Nga. Một số những rạn nứt chia rẽ khác được trông thấy trước nhưng rồi cũng không xẩy ra. Thí dụ như Ba Lan và các nước trong vùng Baltic cương quyết yểm trợ Ukraina, trái lại Pháp thì vẫn để ngỏ khả năng đối thoại với điện Kremlin.

Trong xung đột Nam Tư cách nay 30 năm, Liên Âu đã có những phản ứng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Nhưng chiến tranh Ukraina cho thấy Liên Hiệp Châu Âu là một tác nhân địa chính trị và quân sự.

Dù vậy xung đột Ukraina cũng để lộ rõ những nhược điểm về mặt quân sự của nhiều nước trong Liên Âu vì những nước đó không ngờ rằng giai đoạn hòa bình trong thập niên 1990 chỉ là ảo tưởng. Chiến tranh lần này cho thấy toàn khối châu Âu cần khởi động lại cỗ máy công nghiệp quốc phòng.

Trong nội bộ, Liên Âu đã giảm mức lệ thuộc vào khí đốt Nga, nhưng vẫn chưa cải tổ được thị trường năng lượng của khối này ».

Bài Liên Quan

Leave a Comment