Đăng ngày: 22/02/2023
Bên cạnh chiến tranh Ukraina, quan hệ Mỹ – Trung là một đề tài được Le Monde khai thác với hai bài viết « Trung Quốc điều chỉnh rõ ràng chiến lược chống Mỹ » và « Bắc Kinh và Washington đối đầu trực tiếp ».
Từ Bắc Kinh, thông tín viên báo Le Monde, Frédéric Lemaitre, cho biết Trung Quốc mới công bố hai tài liệu. Tài liệu đầu tiên có tên gọi « Quyền bá chủ của Mỹ và những mối nguy hiểm » được bộ Ngoại Giao Trung Quốc công bố hôm thứ Hai, giống như một bản cáo trạng dài về chính sách đối ngoại của Mỹ từ trước tới nay.
Tài liệu thứ hai là « Sáng kiến An ninh Toàn cầu » của Trung Quốc, với tham vọng « loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của các xung đột quốc tế, cải thiện an ninh toàn cầu, khuyến khích các nỗ lực chung của quốc tế nhằm mang lại sự ổn định và bền vững hơn trong thời kỳ rối ren nhiều thay đổi, thúc đẩy hòa bình và sự phát triển bền vững trên thế giới. » Trong một số phần, không có quốc gia cụ thể được trích dẫn, nhưng tài liệu có sử dụng những thuật ngữ mà Trung Quốc thường dùng để mô tả chính sách của Mỹ.
Le Monde nhận định việc Trung Quốc công bố 2 tài liệu nói trên, lên án gay gắt « tâm lý chiến tranh lạnh » của Washington và coi Matxcơva là nạn nhân của các thủ đoạn của phương Tây, có thể khuấy động căng thẳng và củng cố bầu không khí « chiến tranh lạnh mới » giữa Washington và Bắc Kinh.
Chiến tranh Ukraina và làn sóng di dân ở châu Âu lớn nhất tính từ Đệ Nhị Thế Chiến
Theo thường lệ, chiến tranh Ukraina vẫn là đề tài được Le Monde quan tâm. Trang nhất báo Le Monde chạy tựa « Joe Biden đến Kiev : Nền dân chủ vẫn trụ vững ». Cũng như Libération, trong số ra hôm nay, Le Monde quan tâm đến số phận của người Ukraina tị nạn và dành 3 bài viết cho chủ đề này.
Hơn 8 triệu người Ukraina phải ra nước ngoài tị nạn từ 1 năm qua, làn sóng di dân ở châu Âu lớn nhất tính từ Đệ Nhị Thế Chiến đến nay, cao hơn nhiều so với làn sóng tị nạn người Syria, Venezuela và Afghanistan. Hơn 90% là phụ nữ và trẻ em. 3 nước đón nhận nhiều người tị nạn Ukraina nhất là Ba Lan, Đức và CH Séc.
Theo Le Monde, có nhiều yếu tố khiến người Ukraina dễ được châu Âu đón nhận hơn : yếu tố địa lý, trình độ học vấn : 71% có trình độ đại học (theo số liệu của OCDE) nên hội nhập khá dễ dàng vào thị trường lao động ở các nước. Thêm vào đó là sự hỗ trợ của cộng đồng người Ukraina ở Liên Âu, vốn dĩ cũng đã khá đông : 1,35 triệu người, chủ yếu là di dân kinh tế. Tuy nhiên, họ vẫn gặp nhiều khó khăn do rào cản ngôn ngữ, năng lực chuyên môn, nhà trẻ, trường học cho con cái … Chính vì thế, có đến 81% muốn trở về nước.
Viện trợ Ukraina : Các nước Đông Âu trên tuyến đầu
Về viện trợ cho Ukraina chống quân Nga xâm lược, Les Echos cho biết các nước Đông Âu vẫn ở tuyến đầu. Nếu tính theo GDP, chính các nước thuộc khối Cộng Sản cũ đã viện trợ cho Kiev nhiều nhất về tài chính trong một năm qua, theo báo cáo của Viện Kinh tế Thế giới Kiel, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Đức.
Estonia và Latvia đã dành hơn 1% GDP trong năm qua cho nước láng giềng Ukraina. Tiếp theo là Ba Lan và Litva (0,8% GDP). Bulgari, Slovakia và CH Séc cũng trong nhóm nước dẫn đầu, cùng với hai nước Tây Âu là Đan Mạch và Hà Lan. Trong khi đó, Hoa Kỳ, Đức hoặc Pháp thì thua xa, so với quy mô kinh tế của các nước này (gần 0,4% GDP).
Còn nếu tính theo giá trị tuyệt đối, về mặt logic, các quốc gia lớn nhất viện trợ nhiều nhất cho Kiev, trong đó phải kể đến Hoa Kỳ, nhưng chủ yếu là viện trợ quân sự.
Chiến tranh Ukraina : Nước Nga chảy máu chất xám
Nhìn sang nước Nga, Le Monde nói về nạn « chảy máu chất xám ». Kể từ khi Putin điều quân xâm lược Ukraina, hàng trăm ngàn người Nga đã rời khỏi đất nước. Những người « lưu vong tạm thời » này thuộc tầng lớp xã hội có trình độ và có điều kiện để mua những tấm vé máy bay đắt đỏ.
Vào tháng 11/2022, cơ quan bảo vệ biên giới và bờ biển châu Âu, Frontex, ước tính có hơn 1,45 triệu người dân Nga đã vào Liên Âu kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraina, trong đó có hơn 500.000 người đến Phần Lan. Về phía chính quyền Nga, Matxcơva đã không tiết lộ bất kỳ kết quả nghiên cứu nào về sự ra đi của người Nga, vốn đa phần liên quan đến giới trí thức, nhà báo, sinh viên đã tốt nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp hoặc người làm công ăn lương có trình độ. Theo Le Monde, họ bị thúc đẩy ra đi bởi lòng thù hận nhà cầm quyền.
Về phía doanh nghiệp, họ tìm cách hạn chế phương thức làm việc từ xa để chống chảy máu chất xám. Trước Hạ Viện, hồi tháng 12/2022, bộ trưởng Phát triển công nghệ số, Maksout Chadaïev, đã cố gắng ngăn cản việc thông qua dự luật cấm làm việc từ xa trong các lĩnh vực kinh tế nhạy cảm, bởi « hiện nay có khoảng 100.000 chuyên gia công nghệ thông tin đang ở bên ngoài đất nước », « có tới 10% nhân viên trong lĩnh vực công nghệ thông tin không trở về nước », tuy nhiên « 80% số họ tiếp tục làm việc cho các công ty Nga ở các nước bạn hữu ».
Đối với chính phủ Nga, một lệnh cấm hoàn toàn phương thức làm việc từ xa sẽ có tác động quá tiêu cực đến hoạt động kinh tế của đất nước. Thế nhưng, một số biện pháp kiểu « cây gậy và củ cà rốt » cũng đã được đưa ra, chẳng hạn như miễn động viên quân dự bị, thưởng tiền hoặc thêm vào hợp đồng lao động các điều khoản mới hạn chế làm việc từ xa. Khi được trang RBK hỏi, Grigori Kocharov, chủ tịch – tổng giám đốc của công ty công nghệ cao IBS, cho biết ông đã lập một danh sách các quốc gia « bị cấm » (thành viên NATO hoặc Liên Âu), các nước « được phép » và « bạn hữu ». Đối với những nhân viên rời Nga để đến các nước thuộc nhóm nước « bị cấm » và « được phép », họ có thời hạn để quay về nước làm việc, nếu không sẽ bị sa thải.
Chiến tranh Ukraina : Không dễ cô lập Nga, nền kinh tế thứ 9 trên thế giới về GDP
La Croix hôm nay cũng quan tâm đặc biệt đến nước Nga : Bên cạnh bài viết « Vladimir Putin duy trì sự đối đầu với Phương tây », La Croix giải mã « Nước Nga lách các đòn trừng phạt kinh tế thế nào ? ».
Theo báo Công giáo, kinh tế Nga gặp khó khăn nhưng chưa sụp đổ. Đó là nhờ Nga đã tự giải phóng mình khỏi các quy tắc thương mại quốc tế, sử dụng nhiều chiến lược, tạo ra các tuyến thương mại mới, thiết lập các hệ thống « nhập khẩu chui », tạo ra các doanh nghiệp ở « các nước bạn hữu ». Các công ty này, được thành lập hợp pháp, chịu trách nhiệm mua các sản phẩm của châu Âu bị cấm xuất khẩu sang Nga, sau đó, thông qua hàng loạt trung gian, đưa sản phẩm đến Nga, cho dù thời gian giao hàng lâu hơn và giá cả tăng.
La Croix trích dẫn Tom Keatinge, giám đốc CFCS (Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm Tài chính và An ninh), theo đó trung tâm của các tuyến thương mại này là Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Ngoài ra, còn có Armeni, Kazakhstan hoặc Gruzia. Nhưng theo giám đốc CFCS, hệ thống này hoạt động được cũng là nhờ sự lơ là ít nhiều có chủ ý của các công ty phương Tây, bởi họ không muốn hy sinh lợi ích của mình.
Các quốc gia liên quan đến việc Nga lách lệnh trừng phạt không phải đều là đồng minh của Nga, đôi khi họ hành động hoàn toàn do chủ nghĩa cơ hội. Gruzia là một ví dụ. Không tham gia các biện pháp trừng phạt của phương Tây, nằm trên tuyến đường bộ ngắn nhất chuyển hàng từ Thổ Nhỹ Kỳ đến Nga nên Gruzia tận dụng được tối đa tuyến thương mại mới này. Các máy bay chở hàng từ Iran đến Nga cũng bay qua không phận Gruzia.
Về phần mình, Nga đã thông qua luật chính thức cho phép hệ thống « nhập khẩu chui », do đó tự giải phóng mình khỏi các quy tắc quốc tế về bảo vệ sở hữu trí tuệ. Thậm chí, để lách lệnh trừng phạt nhắm vào hoạt động buôn bán dầu lửa, Matxcơva còn tạo ra một « hạm đội tàu ma » để xuất khẩu dầu. Đó là các tàu đã hết hạn sử dụng, tàu có số đăng ký giả, bị đổi tên hiệu, ngụy trang, cắt mọi liên lạc khi đi qua một số nước … Từ khi châu Âu ngưng nhập dầu lửa Nga, Matxcơva đã xoay sang Ấn Độ. Chỉ sau vài tháng, New Delhi đã trở thành khách hàng lớn nhất của Nga. Trung Quốc cũng trở thành một khách hàng lớn của Matxcơva.
Từng chút một, các nước phát triển đang cố gắng bịt những lỗ hổng trong hệ thống các biện pháp trừng phạt Nga, nhưng La Croix kết luận là vẫn rất khó để cô lập nền kinh tế lớn thứ 9 trên thế giới về GDP, một trong những nhà sản xuất nguyên vật liệu thô lớn nhất thế giới và chiếm đến 1/8 diện tích đất toàn cầu.
Biden và Putin : Cuộc đấu tay đôi từ xa
Khác với các đồng nghiệp, báo Libération dành cả trang nhất, bài xã luận và 4 trang bài vở trong mục Sự kiện để vinh danh đạo diễn tài ba Steven Spielberg và bộ phim Fabelmans của ông, bộ phim lấy cảm hứng từ tuổi thơ của Steven Spielberg.
Tuy nhiên, Libération vẫn dành chỗ để nói về « Cuộc đấu tay đôi từ xa giữa Biden và Putin ». Vào ngày thứ 362 của cuộc chiến tranh phi nghĩa của Putin tại Ukraina, chênh nhau 7 tiếng đồng hồ và ở khoảng cách 1.000km, Putin và Biden đã lần lượt cho thấy nhãn quan của họ về Ukraina, về thế giới, về các đồng minh và kẻ thù – dù là có thực hay chỉ là trong giả định – đều là « không thể hòa giải được ».
Chẳng hạn, trong bài phát biểu dài gần hai giờ trước Quốc Hội, ông chủ điện Kremlin đã mô tả nước Nga như một thành trì bị bao vây, phải đối mặt với một mối đe dọa hiện hữu, mà trên hết Washington là hiện thân. Putin nhấn mạnh : « Giới tinh hoa phương Tây không che giấu mục tiêu của họ : gây ra một thất bại chiến lược cho Nga, nghĩa là kết liễu chúng ta vĩnh viễn ». Libération nhận định Putin đang muốn hồi sinh cú va chạm giữa các khối, về ý thức hệ, thậm chí là giữa các nền văn minh.Trong khi đó,tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Mỹ và châu Âu « không tìm cách kiểm soát hay hủy diệt nước Nga » bởi « cuộc chiến đó không cần thiết. Đó là một thảm kịch ».
Hay như trong khi tổng thống Mỹ tự hào là các nước đã phối hợp để ra những đòn trừng phạt lớn nhất từng được được áp đặt nhắm vào một quốc gia, thì ngược lại, Vladimir Putin đã mô tả một nền kinh tế chiến tranh đầy thắng lợi, thậm chí còn xem đó là một thời điểm mang lại cơ hội để kinh tế Nga tăng trưởng, để Nga củng cố quan hệ với các nước châu Á.
Và trong khi Putin kêu gọi người dân siết chặt hàng ngũ phía sau ông, thì Joe Biden từ Vacxava tuyên bố « một nhà độc tài quyết tâm tái thiết một đế chế sẽ không bao giờ có thể làm xói mòn tình yêu tự do của người dân, sự tàn bạo sẽ không bao giờ đè bẹp được ý chí của những người muốn có tự do. Ukraina sẽ không bao giờ là một chiến thắng dành cho Nga ».
Cũng quan tâm đến « bộ đôi » Putin và Biden, báo kinh tế Les Echos chạy tựa trang nhất « Chiến tranh lạnh » trên nền tấm hình hai nhà lãnh đạo quay lưng lại nhau, mỗi người nhìn đi một hướng. Nhìn sang Le Figaro, tờ báo thiên hữu trên trang nhất chạy tựa « Cú va chạm giữa hai thế giới ». Trong bài xã luận « Bức màn sắt », Le Figaro cũng khắc họa sự tương phản trong các phát biểu của hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ, ai cũng chắc chắn mình mới là hiện thân của « sự thật ».
Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ : 3 nước chịu tác hại nhiều nhất do biến đổi khí hậu vào năm 2050
Về môi trường, khí hậu, Libération giới thiệu một bảng xếp hạng thế giới về 100 khu vực mà các công trình xây dựng bị tình trạng biến đổi khí hậu (hỏa hoạn, lũ lụt, nắng nóng, hạn hán, những cơn mưa như trút nước …) đe dọa nhiều nhất vào năm 2050.
Bảng xếp hạng thế giới mà Libération công bố là do XDI, một công ty phân tích rủi ro của Úc, chuyên tư vấn cho các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp hoặc ngân hàng, thực hiện. Nghiên cứu này tập trung vào các tòa nhà dễ bị tác động nhất : nhà ở, khu công nghiệp hoặc khu thương mại tại tổng cộng hơn 2.600 vùng lãnh thổ, giả định nhiệt độ toàn cầu tăng 3°C vào cuối thế kỷ này.
Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ là 3 nước đứng đầu danh sách. Hơn một nửa số khu vực được xếp hạng trong top 100 có nguy cơ cao nhất vào năm 2050 là ở 3 nước nói trên. Trong top 20, có tới 16 tỉnh của Trung Quốc (Giang Tô, Sơn Đông, Hà Bắc, Quảng Đông …), chủ yếu nằm ở miền đông và nam Trung Quốc, đặc biệt là ở đồng bằng sông Dương Tử và Châu Giang, nơi tập trung nhiều hoạt động kinh tế.
Nhìn sang Mỹ, bang Florida đứng thứ 10 trên thế giới, tiếp theo là California (19) và Texas (20), 3 bang có tỉ lệ đô thị hóa và trọng lượng kinh tế cao. Tiếp theo là nhiều vùng của Ấn Độ, Indonesia và Pakistan. Pháp cũng không phải ngoại lệ, với 8 địa phương nằm trong số 10% khu vực bị đe dọa nhất trên thế giới.