Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraina ngay lập tức

Đăng ngày: 24/02/2023

\"\"
\"\"
Phiên họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 23/02/2023 tại New York, Mỹ. AP – Bebeto Matthews

Thu Hằng

Một ngày trước mốc tròn một năm Nga đưa quân tấn công Ukraina, trong phiên họp ngày 23/02/2023, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua với đa số áp đảo nghị quyết yêu cầu Matxcơva « rút ngay lập tức » mọi lực lượng Nga khỏi Ukraina. Nghị quyết nhận được 141 phiếu ủng hộ trên tổng số 191 nước thành viên Liên Hiệp Quốc, 7 phiếu chống và 32 nước bỏ phiếu trắng, trong đó có Việt Nam

Theo AFP, nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tái khẳng định « sự gắn bó » với toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, « yêu cầu » Nga rút hết quân khỏi cả những vùng đất Ukraina bị Nga sáp nhập. Ngoài ra, nghị quyết cũng kêu gọi « ngừng mọi hành vi thù nghịch » và « cần sớm đạt được một nền hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững ở Ukraina phù hợp với những nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc ».

Thông tín viên RFI Carrie Nooten tường trình từ trụ sở của Liên Hiệp Quốc tại New York :

« Các nước thành viên Liên Hiệp Quốc chào đón kết quả bỏ phiếu trong tiếng vỗ tay. Đa số áp đảo đã xác nhận ủng hộ Ukraina. Đó cũng là kết quả được nhiều bộ trưởng các nước châu Âu hoan nghênh. Họ đã cất công đến tận New York.

Dù nghị quyết không mang tính ràng buộc, nhưng cũng đáng để lập lại bản đồ những nước ủng hộ mà Ukraina và Nga vẫn cạnh tranh từ một năm nay. Những nước lớn bỏ phiếu trắng vẫn là Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, không thay đổi lập trường một ly nào. Hai nước cam kết trung thành với Matxcơva là Nicaragua và Mali. Một số nước khác lại chuyển sang bên yêu cầu dừng mọi hành động thù nghịch, như Irak, Madagascar, Maroc và Nam Sudan.

Thế nhưng, phát biểu của các nước thành viên lại tương phản hơn những lá phiếu cho văn bản được đánh giá là thận trọng này khi nhấn mạnh đến việc bảo vệ những giá trị của Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Ngày càng có thêm nhiều nước yêu cầu có những sáng kiến cụ thể hơn cho hòa bình và mở đối thoại, chứ không chỉ bằng lòng bảo vệ những nguyên tắc một năm qua kể từ đầu cuộc xung đột ».

Thế giới hiểu chính nghĩa ở bên nào

Chánh văn phòng tổng thống Ukraina Andrii Yermak vui mừng vì « đã giành được một chiến thắng. Thế giới hiểu bên nào là sự thật ». Người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu Josep Borrell hoan nghênh « đa số áp đảo từ cộng đồng quốc tế xác nhận sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Ukraina, nạn nhân của xâm lược Nga ». Theo ông, dù nghị quyết không có tính ràng buộc, nhưng « đó không phải chỉ là một mẩu giấy ». Còn cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan đánh giá kết quả là « lời kêu gọi mạnh mẽ » cho hòa bình. « Con đường dẫn tới hòa bình » lại « rất rõ ràng », theo ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock, đó là « Nga phải ngừng oanh kích. Sẽ không có hòa bình chừng nào kẻ tấn công lại đòi nạn nhân từ bỏ ».

Bài Liên Quan

Leave a Comment