Đăng ngày: 24/02/2023
Ngày 24/02/2023 là đúng một năm Nga xâm lược Ukraina. Hubert Védrine, cựu ngoại trưởng Pháp trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Le Figaro, đánh giá châu Âu đang trong một thời điểm nghiêm trọng nhất kể từ đầu cuộc xung đột. Chiến tranh có nguy cơ sa lầy. Nhưng theo ông, « chiến tranh Ukraina sẽ không dừng chừng nào phương Tây biến cuộc chiến này thành một cuộc chiến của nền văn minh
Từng là cố vấn đối ngoại cho tổng thống François Mitterand, rồi giữ vị trí ngoại trưởng, Hubert Védrine đã kinh qua 19 năm hoạt động ngoại giao. Theo ông, phương Tây phải làm mọi thứ để Ukraina giành chiến thắng nhưng không để đi đến đối đầu trực diện với Nga, đây chính là hướng đi duy nhất, chông chênh nhưng có thể duy trì trong dài hạn.
Ủng hộ trường phái « chủ nghĩa hiện thực » trên phương diện quan hệ quốc tế, Hubert Védrine đáp trả các cáo buộc là đã « thuận theo ý » và mù quáng trước Putin. Ông cho rằng phương Tây đã phạm hai sai lầm : Thói ngạo mạn trong những năm 1990 và sự hèn nhát trong giai đoạn gần đây nhất. Biến cuộc chiến Ukraina thành một cuộc chiến đạo đức, cuộc chiến giữa các nền văn minh, là cách thức tốt nhất để không tìm ra lối thoát cho xung đột. Ông chủ trương, phương Tây nên có những giải pháp lạnh lùng nhất và triệt để nhất có thể.
RFI Tiếng Việt trích dịch giới thiệu một phần cuộc phỏng vấn.
Le Figaro : Ông có nghĩ rằng cuộc chiến này là sự đối đầu giữa hai mô hình, dân chủ chống chuyên chế ?
Hubert Védrine : Chủ nghĩa Thiện – Ác luôn hấp dẫn, nhưng chúng ta đừng làm cho mọi thứ trở nên khó hiểu hơn bản chất của chúng. Đây là một cuộc chiến giành lãnh thổ : Ai kiểm soát Ukraina ? Và nhất là phía Đông ? Tôi không tin rằng chúng ta đang trong một cuộc chiến toàn diện giữa các nền văn minh, dân chủ chống chuyên chế, và tôi hy vọng rằng điều đó sẽ không thành hiện thực, cho dù cứ nhắc đi nhắc lại điều này bởi vì, giả như chúng thành hiện thực, chưa chắc gì phương Tây giành chiến thắng sau cùng ! Đừng quên rằng chúng ta không còn thế độc quyền về quyền lực hay ảnh hưởng nữa. Hãy nhìn ở Liên Hiệp Quốc xem, khoảng 40 quốc gia đã không lên án ông Putin và cũng chẳng muốn xếp vào hàng ngũ phe phương Tây, trong đó có Ấn Độ, một nền dân chủ. Các nước này đại diện cho 2/3 nhân loại toàn cầu !
Các nền dân chủ đại diện, hiện đang đối mặt với sự bất mãn của người dân, điều đó được phản ảnh rõ qua làn sóng dân túy, giờ đang siết chặt hàng ngũ khi lại khám phá ra phe Thiện. Đúng là cuộc chiến này quá tàn bạo. Nhưng nếu chúng ta biến cuộc chiến tranh này tại Ukraina thành một cuộc chiến của nền văn minh, thậm chí là tôn giáo, phương Tây chống Nga, v.v… thì nó sẽ chẳng bao giờ dừng, chẳng bao giờ có được các giải pháp. Khi phương Tây ngây ngất, họ bảo vệ các lợi ích của mình một cách kém cỏi. Tôi không a dua theo luận điệu này. Tôi ủng hộ một tiếp cận chính xác hơn, thực tế hơn, lạnh lùng hơn, trong trước mắt, giúp đánh bại việc sử dụng vũ lực, nhưng cho phép chuẩn bị cho tương lai.
Ông cũng như nhiều người khác ủng hộ đường lối « thực tế » đã bị chê trách là lặp lại luận điệu của điện Kremlin. Ông nghĩ như thế nào về những cáo buộc đó ?
Những ai xuyên tạc đường lối thực tế này đang nhầm mục tiêu, nhầm thời kỳ và lẫn lộn mọi thứ. Những người mang tư tưởng « hiện thực » chẳng có liên hệ gì với một vài người ủng hộ Putin những năm gần đây. Cần phải nhìn xuyên suốt hơn 30 năm, từ 1992 đến 2023, để suy luận. Trong mười hay mười lăm năm đầu tiên sau khi Liên Xô sụp đổ, trước tiên, đó là những người theo thuyết duy thực của Mỹ, các cựu chiến binh thời Chiến Tranh Lạnh, đi đầu là Kisinger, nhưng cũng có George Kenna hay như Jack Matlock (cựu đại sứ Mỹ ở Matxcơva, người từng nói rằng chúng ta không thể cùng lúc mở rộng NATO và có một nước Nga dân chủ) và thậm chí là cả Zbig Brzezinski, những nhân vật không có chút « dễ dãi » nào với chế độ Nga, nhất là đối với ông Putin, đã từng cảnh báo về sự đắc thắng mù quáng của Hoa Kỳ.
Ông Kissinger đã từng nhiều lần nói rằng, thật sai lầm khi không hội nhập Nga tốt hơn vào trong kiến trúc tổng thể an ninh ở châu Âu, và đó là vì lý do an ninh, bởi vì, bằng không, Nga lại sẽ trở nên nguy hiểm. Những người có tư tưởng thực tế này từng nghĩ tới an ninh châu Âu về lâu dài. Nếu như lắng nghe họ, chúng ta có lẽ giờ không rơi vào tình trạng như hiện nay.
Hơn nữa, họ cũng chưa bao giờ yêu cầu chúng ta thay đổi đích nhắm của các tên lửa hạt nhân. Ông Obama đã sai lầm khi nói rằng Nga trở thành một cường quốc khu vực, do đó không đáng kể. Thỏa thuận Liên kết châu Âu – Ukraina, được thiết kế dưới ảnh hưởng của Ba Lan, đã cắt đứt kinh tế phía Đông Ukraina ra khỏi Nga. Đây là một sự khiêu khích nghiêm trọng gây ra những tác động tai hại.
Nhưng những người có tư tưởng hiện thực đã được lắng nghe phần nào, bằng chứng là Ukraina chưa bao giờ được gia nhập NATO…
Từ năm 1992 đến năm 2017, chúng ta trao cho Nga những « đồ rẻ tiền lòe loẹt » về ngoại giao nhưng đồng thời cho mở rộng NATO. Chúng ta nói rằng chính sách thực tế với Nga đã thất bại nhưng trên thực tế, chính sách này chưa được thực hiện. Điều gì sẽ thực sự là thực tế, chính sách thực tế chống chính sách phi thực tế ư ? Ngay đầu những năm 1990, để biến Ukraina thành một nước trung lập theo mô hình Phần Lan, không liên kết quân sự cả với Nga lẫn NATO, đổi lại nước này có được những bảo đảm an ninh từ nhiều phía, một quyền tự trị cho Donbass và một hiệp ước với Nga về Sebastopol. Hiển nhiên, điều này có thể diễn ra giữa Eltsine và Clinton. Phương Tây – bên đã « giành chiến thắng trận chiến lịch sử » – đã đánh giá điều này là vô ích.
Phương Tây ngay từ đầu đã không có đầu óc bao quát, mà ngược lại, cũng không đủ cứng rắn trong những năm gần đây, khi nước Nga đã thật sự lại trở nên nguy hiểm. Quyết định tệ hại nhất của phương Tây chính là quyết định của NATO năm 2007 ở Bucarest : Tuyên bố rằng Ukraina có thiên hướng gia nhập NATO nhưng chưa phải tức thì ! Họ nêu vấn đề gia nhập NATO (do vậy có cả bán đảo Crimée và Sebastopol trong NATO) mà không bảo vệ Ukraina bằng điều số 5. Thật là vô lý.
Khi thủ tướng Đức Merkel và tổng thống Pháp Sarkozy chặn việc kết nạp, tôi đã đồng ý, vì tôi hy vọng rằng các ý tưởng trung lập theo kiểu Brzezinski vẫn còn có thể áp dụng được, nhưng thực ra thì đã quá muộn. Hoặc cần phải thiết lập tính trung lập trong những năm 1990 – đó là ý kiến của tôi – hoặc phải cho kết nạp Ukraina vào khối NATO và bảo đảm Sebastopol cho nước Nga. Việc không có chọn lựa nào, kết hợp với thất bại của thỏa thuận liên kết, đã dẫn đến một cuộc chiến với một nước Nga một lần nữa trở về với chủ nghĩa dân tộc và có tư tưởng phục thù.
Do đó, chiến dịch chống chủ nghĩa hiện thực là thiển cận. Chúng không sẽ không ngăn cản được cuộc tranh luận lịch sử, quan trọng cho tương lai, diễn ra. Nhưng điều đó không còn tính thời sự.
Vậy lối thoát cho cuộc xung đột bắt buộc sẽ phải thông qua các nhượng bộ với Nga ?
Câu hỏi này còn quá sớm. Hiện tại, tôi chưa thấy có « lối thoát » cho xung đột. Làm sao một tổng thống Ukraina, sau ngần ấy cảnh ghê rợn, có thể bắt đầu nói chuyện với Nga ? Về cái gì cơ chứ ? Ở cấp độ này tôi cũng chưa thấy Nga sẵn sàng. Chẳng phải tất cả những điều đó đã bị chiến tranh nghiền nát đó hay sao ? Nếu cuộc tấn công mùa xuân của Nga không giành được thắng lợi – và điều này phải được ngăn chặn –, thì chúng ta không thể loại trừ một kịch bản kiểu Triều Tiên. Năm 1953, Hàn Quốc muốn tái chinh phục Bắc Triều Tiên, và đã yêu cầu Mỹ tấn công hạt nhân, nhưng Mỹ đã từ chối ! Và thế là đường chiến tuyến bị đóng băng từ đó !
Phải chăng tương lai của cuộc xung đột giờ phụ thuộc chủ yếu vào Hoa Kỳ ?
Không hẳn, nhưng về lâu dài đúng là Có. Nhưng cũng còn phụ thuộc cả vào châu Âu nữa. Tùy thuộc vào việc Nga sẽ thắng, thua, hay thua toàn bộ hay một phần cuộc chiến này, mà hậu quả sẽ không giống nhau về lâu dài cho một châu Âu rất khác của ngày mai, hay cho Hoa Kỳ. Cả Nga cũng vậy. Suy cho cùng, chính Mỹ sẽ phải có những quyết định quan trọng. Nếu ông Biden quyết định rằng cần phải cung cấp thêm nhiều phương tiện cho Ukraina để mà Putin thua, thì mọi người sẽ đi theo.
Ngược lại, nếu Nga không đạt được những mục tiêu của mình trong đợt tấn công mùa xuân này, thì chính Hoa Kỳ rất có thể sẽ đề nghị Ukraina, không phản công xa hơn nữa, mà không nhượng bộ gì . Và họ sẽ nghĩ phần tiếp theo. Châu Âu bị ức chế về điểm này. Duy chỉ có ông Macron là có can đảm tuyên bố tại Munich : « Cần phải chuẩn bị ngay từ bây giờ những điều kiện và các điều khoản cho hòa bình ». Ông ấy có lý. Và có lẽ cũng nên tìm kiếm các phương cách nói chuyện nhiều hơn với công luận Nga mà không tỏ ra nhụt chí.
Tại Washington, nếu lập trường « không có chuyện để cho Putin thắng » vẫn luôn còn đó, vì điều có nguy cơ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm to lớn, họ cũng đang bị chia trí bởi những thách thức khác : Trung Quốc và Đài Loan, hay như nguy cơ đối đầu giữa Israel và Iran. Giới chuyên gia cố vấn bắt đầu suy tính.
Một báo cáo của Rand Corporation (trung tâm nghiên cứu các vấn đề về quốc phòng) đăng tải hồi tháng Giêng 2023, có tiêu đề « Tránh một cuộc chiến tranh lâu dài ở Ukraina » (có hại cho phương Tây) dám đặt câu hỏi về tính trung lập của Ukraina khi xung đột kết thúc, và thậm chí sử dụng cả việc dỡ bỏ cấm vận như một đòn bẩy. Nếu châu Âu vẫn tự giam hãm mình trong những phát biểu về cuộc chiến dân chủ chống chuyên chế, thì họ sẽ không có một vai trò nào sau cuộc xung đột này.
Người ta nói rằng Liên Hiệp Châu Âu trở nên mạnh mẽ hơn khi thoát khỏi cuộc chiến tranh ngay trước cửa nhà mình, một cơ hội để khu vực tự khẳng định mình với tư cách là cường quốc địa chính trị. Liệu đây cũng là ý kiến của ông ?
Đúng hơn là NATO. Bởi vì ông Putin, do quyết định sai lệch của mình, đã đưa khối này trở lại vị trí hàng đầu, khi đánh thức một tinh thần phòng thủ trong Liên Minh, vốn dĩ đã biến mất ở châu Âu. Chúng ta đừng quên rằng chính các nước châu Âu đã cầu xin Hoa Kỳ năm 1949 thành lập một Liên minh để bảo vệ họ trước mối đe dọa từ Stalin, rồi năm 1952, hình thành Tổ chức này để cho khối này trở nên đáng tin cậy hơn.
Từ đó, ngoài giai đoạn tướng De Gaulle và Mitterand cầm quyền ở Pháp, các đồng minh châu Âu tiếp tục muốn ở lại dưới lá chắn của Mỹ. Họ chưa bao giờ có quyết tâm thành một lực lượng châu Âu của chính mình. Châu Âu đã tin rằng thời hậu chiến, họ sẽ có thể tạo dựng một thế giới lý tưởng dưới sự che chở của Mỹ nhờ vào một nền thị trường chung, Nhà nước Pháp quyền và các giá trị của chính họ.
Các nước châu Âu lo ngại khái niệm « tự chủ chiến lược » của Pháp (chứ không phải là khái niệm « chủ quyền »). Tuy nhiên, không phải NATO với tư cách là một tổ chức đang điều hành hoạt động , mà chính là các chính phủ của các nước thành viên. Tại sao họ không tự khẳng định mình sau này như là một lực lượng tập thể trong liên minh ? Rộng hơn nữa, chúng ta phải bắt đầu suy nghĩ lại hành động của chúng ta ở châu Âu tương lai được mở rộng, quân sự hóa, với nhiều thế cân bằng khác nhau.