Đăng ngày: 24/02/2023
Rạng sáng ngày 24/02/2022, cách đây đúng một năm, những tiếng nổ đầu tiên vang lên tại thủ đô Kiev. Nga đã chính thức xâm lược Ukraina và gọi đây là “chiến dịch quân sự đặc biệt”, khiến hàng ngàn người thiệt mạng, hàng triệu người phải bỏ nhà bỏ cửa đi lánh nạn. Liên Hiệp Châu Âu là nơi tiếp nhận dòng người tị nạn khổng lồ từ Ukraina. Sau một năm đi lánh nạn ở các nước châu Âu, người Ukraina vẫn khắc khoải, mong sớm được quay trở về.
Ngay trong những ngày đầu của cuộc chiến, hàng trăm ngàn người Ukraina hướng về phía tây của đất nước, đến Ba Lan, Hungary, Slovaquia, Rumani hay Moldova. Theo số liệu của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, duy trong ngày 06/03/2022, 140 843 người đã băng qua biên giới giữa Ukraina và Ba Lan. Đến cuối tháng Ba, con số này lên đến 2 triệu người. Tính đến ngày 15/02/2023, có đến 8 072 198 người Ukraina đến tị nạn ở Liên Hiệp Châu Âu, tương đương với 18 % dân số của khối. Phần lớn những người rời khỏi đất nước có chiến sự là những phụ nữ trên 35 tuổi và trẻ nhỏ. Lệnh tổng động viên của Ukraina đã buộc những người đàn ông trong độ tuổi từ 18 đến 60 tuổi phải ở lại đất nước.
Từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, chưa bao giờ, Liên Hiệp Châu Âu phải trải qua cuộc khủng hoảng di dân lớn như vậy. Chưa bao giờ, châu Âu cùng nhau nhanh chóng hành động đến thế, tổ chức tiếp đón người tị nạn Ukraina. Quy chế bảo hộ tạm thời được cấp cho tất cả người Ukraina ngay từ đầu tháng Ba năm 2022, tại tất cả các nước thành viên của khối. Ba Lan và Đức là hai nước đón tiếp nhiều người Ukraina nhất. Về phía Pháp, ngày hôm qua, bộ Nội Vụ cho biết đã chi 500 triệu euro để phục vụ công tác tiếp đón khoảng 100 000 người tị nạn Ukraina. Trong số đó, có bà Nathaliia Pylypenko, đến từ Blystavytsa, ngoại ô Kiev, đã đi sơ tán đến Pháp từ giữa tháng Ba năm ngoái, cùng hai con là Anna (11 tuổi) và Ivan (9 tuổi).
Khi tiếng còi báo động vang lên trên bầu trời thủ đô, hôm 24/02, bà cùng gia đình đã nhanh chóng, vội cầm giấy tờ và một vài đồ thiết yếu rời khỏi Ukraina giống như hàng triệu người khác.Tuy nhiên, đường đến sân bay đã chật cứng, cộng thêm những vụ oanh kích không ngừng, cả gia đình đã đến lánh nạn ở Bucha, tại một căn nhà của bố mẹ chồng bà. Thế nhưng, éo le thay, Bucha lại là một trong những vùng ngoại ô đầu tiên ở Kiev mà quân đội Nga chiếm được. Đây cũng chính là nơi mà quân Nga bị cáo buộc thảm sát thường dân, nhiều hố chôn tập thể được tìm thấy. Cả gia đình bà Nathaliia bị mắc kẹt tại Bucha trong suốt thời gian quân đội Nga chiếm đóng, nhưng may mắn là tất cả đều bình an vô sự. Vốn là giáo viên dạy tiếng Anh và tiếng Pháp ở Kiev, bà Nathaliia đã được những người quen giúp đỡ để đến Pháp. RFI đã có dịp gặp gỡ trao đổi với bà tại Paris, về hành trình tị nạn, xa xứ của ba mẹ con tại Pháp.
Xin cảm ơn bà Nathaliia Pylypenko, đã đồng ý chia sẻ về câu chuyện của mình với quý thính giả của RFI Tiếng Việt. Trước tiên, bà có thể tường thuật lại quãng thời gian mà bà cùng gia đình bị mắc kẹt ở Bucha ?
Chúng tôi đã ở trong hầm trú ẩn trong vòng gần hai tuần. Ban đầu, chúng tôi không dám ra ngoài, đi vệ sinh hay tìm đồ ăn bởi vì những vụ oanh tạc và tiếng súng nổ không ngừng, nhất là ba ngày đầu tiên của cuộc chiến.
Tôi đã rất lo sợ, vì ở đó không có sóng điện thoại, không có Internet. Quân Nga ở khắp mọi nơi, các trạm kiểm soát của Nga được dựng lên. Buổi tối, chúng tôi bị cấm ra ngoài. Dù ngủ ở trong hầm nhưng chúng tôi vẫn nghe rõ tiếng nổ. Tôi đã cố gắng không khóc. Điều mà tôi thấy khó nhất là làm sao để che giấu nỗi sợ hãi trước mặt các con tôi. Chúng tôi không có đủ thức ăn, có những ngày chúng tôi chỉ ăn quả óc chó. Một hôm, chồng tôi đã quyết định ra ngoài tìm đồ ăn, quay về nhà của chúng tôi cách Bucha 7 km. Họ chỉ đi vắng 3 giờ đồng hồ thôi, nhưng tôi nghĩ là tôi sẽ không quên được ngày hôm đó. Khi họ trở về, tôi không còn nhận ra chồng tôi nữa, mặt của ông tái mét, quần áo bao phủ màu đen. Ông ấy cố kìm nước mắt. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy chồng tôi như thế. Ông ấy nói rằng nhà của chúng tôi đã bị phá huỷ hoàn toàn, tất cả chỉ còn đống đất đá.
Chúng tôi cũng nghĩ đến việc sơ tán khỏi đó, nhưng trên đài nói rằng những ai cố làm thế thì bị đã sát hại. Họ bị bắn ngay trên đường, ngay cả dân thường hay trẻ nhỏ. Vì vậy chúng tôi đã cố gắng đợi cho đến khi có thông báo chính thức được rời đi. Có một hôm, một chiếc xe tăng đã đỗ trước cửa nhà chúng tôi. Họ đi vào khám xét tất cả các nhà xung quanh, họ nhảy qua hàng rào, vào sân nhà chúng tôi. Chồng và bố chồng tôi đã đã ra gặp họ. Lúc đó, khi tôi nhìn thấy lính Nga ở ngay trong sân nhà, tôi đã nghĩ là mọi thứ kết thúc, cuộc sống của chúng tôi chấm hết ! Lính Nga cho biết họ đang tìm xăng. Mặc dù chúng tôi vẫn còn nhiều ga và xăng, nhưng chồng tôi đã nói dối rằng chúng tôi không có, vì nếu có thì đã lái xe mang cả gia đình đi chỗ khác. Tạ ơn Thượng Đế là họ đã tin và rời đi !
Khi một hành lang an toàn sơ tán thường dân được mở ra ở Bucha, vào giữa tháng Ba, cả gia đình bà đã được sơ tán. Vậy hành trình đến Pháp như thế nào lánh nạn như thế nào ?
Chúng tôi đã đến Kiev ngay khi được sơ tán bằng xe bus khỏi Bucha. Tôi có một người anh họ làm đầu bếp ở đại sứ quán Pháp tại Kiev, anh ấy thông báo với tôi là đã đăng ký tôi và hai con vào danh sách đi sơ tán ở Pháp. Tôi không hề biết trước. Khi anh ấy nói vậy thì tôi đã từ chối ngay, bởi tôi sẽ không bao giờ bỏ lại chồng tôi ở Ukraina. Mẹ của tôi thì bị gãy tay và bà ấy cần tôi chăm sóc. Nhưng chồng tôi và anh họ yêu cầu tôi phải rời đi vì lũ trẻ. Tôi đã bật khóc, tôi không biết phải làm sao. Mọi chuyện đều có thể xảy ra, nếu tôi đi thì có thể đây là lần cuối cùng tôi gặp gia đình tôi thì sao ? Nhưng họ đã thuyết phục tôi rời khỏi Ukraina cùng hai con. Chúng tôi đi lên một chiếc xe bus do đại sứ quán Pháp tổ chức, đi sang Ba Lan và rời khỏi Ukraina. Con tôi đã bắt đầu học những từ tiếng Pháp đầu tiên trên xe bus. Tại đây, tôi cũng đã được một người Pháp ở trên xe bus, giúp tôi tìm gia đình đón tiếp chúng tôi ở Pháp.
Hiện tại cuộc sống tại Pháp của bà ra sao, bà có gặp khó khăn gì trong việc thích ứng tại đây hay không ?
Có thể nói rằng tôi đã thành công giải quyết hầu như tất cả vấn đề ở đây, ba mẹ con tôi đã có nhà riêng, không phải đi ở nhờ. Lũ trẻ đã đến trường, tôi cũng tìm được một công việc. Nhưng đây không phải là đất nước của tôi và gia đình tôi cũng không đầy đủ. Ban đầu, và ngay cả bây giờ cũng vậy, hầu như tối nào tôi cũng khóc. Tôi đã kết hôn. Tôi giống như lúc nào cũng đứng đằng sau một bức tường và bức tường đó là chồng tôi, người bảo vệ tôi khỏi mọi vấn đề của cuộc sống. Tôi chưa từng phải lo nghĩ về tiền bạc hay thức ăn thức uống. Chồng tôi cũng chăm lo nhiều cho các con. Nhưng ở đây, tôi phải làm tất cả. Tôi phải đảm nhiệm vai trò là bố và mẹ của các con tôi. Sống tại Pháp giống như là một cuộc đấu tranh vậy, làm sao để kiếm sống, để cho con đến trường. Ở Pháp, có quá nhiều thứ mà tôi không hiểu được và khó có thể quen với cuộc sống ở đây, nhưng tôi buộc phải làm vậy.
Hai đứa con của bà, Anna và Ivan thì sao ? Chúng có gặp khó khăn gì hay không ?
Ở đây, phải nói rằng lũ trẻ đang phải làm mọi thứ để tồn tại. Thực sự là rất phức tạp với chúng. Ban ngày chúng đi học chương trình của Pháp, tối về thì học trực tuyến theo chương trình của trường ở Ukraina. Chúng tôi bắt buộc phải làm như vậy. Chúng tôi không muốn bị loại khỏi hệ thống trường học ở Ukraina. Vì chúng tôi muốn trở về. Trường của con gái tôi ở Ukraina vốn đã rất khó để được vào. Sau này, Anna muốn theo học ngành kiến trúc ở trường đại học bách khoa ở Kiev. Vì vậy chúng cố gắng để hoàn thành đủ bài tập cũng như các bài kiểm tra. Lũ trẻ rất căng thẳng, chúng không có thời gian rảnh để đi chơi hay đi dạo. Chúng phải học quá nhiều.
Không ai biết khi nào thì cuộc chiến tranh từ một năm qua mới kết thúc nhưng bà và gia đình đã tính đến việc quay trở lại Ukraina ?
Niềm mong ước của chúng tôi là có thể quay trở về với gia đình, về Ukraina và xây dựng lại đất nước. Chồng tôi đã bắt đầu xây dựng lại ngôi nhà của chúng tôi ở Blystavytsya, (ở ngoại ô Kiev) đã bị phá huỷ bởi bom đạn. Ông ấy đang thu dọn đống đổ nát. Chúng tôi cũng đã lên ý tưởng, thiết kế lại nhà và phòng cho lũ trẻ. Bởi vì Ukraina xứng đáng được độc lập và chúng tôi đấu tranh, làm mọi thứ để có được tự do. Dĩ nhiên Ukraina cũng có những vấn đề như là tham nhũng hay những khó khăn về chính trị. Nhưng tôi biết rằng nếu Ukraina có thể thành công giải quyết tất cả các vấn đề này, chúng tôi có thể được độc lập, được gia nhập vào Liên Hiệp Châu Âu và trở trành công dân Liên Âu.
Hình ảnh về chiến tranh và những gì bà đã trải qua có còn hiện hữu trong tâm trí bà hay không. Bà có thường xuyên theo dõi tin tức về chiến tranh từ Pháp hay không ?
Ban đầu, tôi đã từ chối theo dõi thời sự về chiến tranh. Có quá nhiều tin tức và rất phức tạp, nhất là hai tuần đầu tiên khi đến Pháp. Tôi rất sợ và không thể theo dõi tin tức. Ngay cả âm thanh của trực thăng hay máy bay ở Paris cũng khiến tôi sợ. Chiến tranh lúc nào cũng trong tâm trí tôi. Bởi vì gia đình tôi vẫn ở đó, bạn bè của tôi và tất cả những người Ukraina. Tôi sợ và hy vọng là họ sẽ vẫn sống sót. Tôi biết rằng chúng tôi sẽ làm tất cả để đất nước chúng tôi tiến gần đến chiến thắng.